Nhiều nguy cơ tai nạn, thương tích cho trẻ em vùng cao
Gần 3 năm sinh sống, làm việc tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, anh Nguyễn Minh Thiền (quê Yên Bái) rất ấn tượng với việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân bản địa.
“Hầu hết người điều khiển phương tiện trên đường đều đội mũ bảo hiểm (MBH), không đánh võng, lạng lách, nẹt bô ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác”, anh Thiền chia sẻ.
Trên nhiều nẻo đường vùng cao vẫn có những trẻ em nhỏ tuổi tự điều khiển xe máy, nguy cơ mất ATGT, tai nạn thương tích luôn thường trực - Ảnh minh họa
Thế nhưng, theo anh Thiền, hạn chế nhất hiện nay là trong số những đứa trẻ ngồi trên xe máy cùng cha mẹ, đặc biệt là những bé dưới 10 tuổi mà anh chứng kiến, có đến 70 - 80% trong đó không được đội MBH.
Nếu tại trung tâm thành phố, thị trấn - nơi thường xuyên có lực lượng chức năng chốt trực, kiểm soát, hình ảnh trẻ vị thành niên “cưỡi” xe máy di chuyển gần như không có, trên các cung đường thuộc một số xã vùng sâu, vùng xa vẫn có trường hợp những đứa trẻ chỉ tầm 11 - 12 tuổi, thậm chí nhỏ hơn đi xe máy chở theo 2 - 3 bạn cùng trang lứa lưu tông với tốc độ nhanh.
Chứng kiến hình ảnh ấy, ngay cả mình cũng phải thốt lên: “Gia đình đâu mà để các bé liều mình đến thế”, anh Thiền nói và cho biết, Sa Pa lại là đất du lịch, vào mùa cao điểm, trẻ em dân tộc thiểu số trong khu vực thường đi bán hàng mưu sinh dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ va chạm với phương tiện cơ giới.
Nguy cơ tai nạn thường trực, nhận thức của đồng bào dân tộc về tầm quan trọng trong bảo đảm ATGT cho trẻ em chưa cao, song, công tác tuyên truyền pháp luật ATGT cho người dân lại gặp nhiều hạn chế.
Anh Thiền cho biết, qua tâm sự của một số người bạn làm nghề giáo trên vùng cao, những năm gần đây, hoạt động tuyên truyền pháp luật giao thông được các tổ chức thực hiện nhiều hơn tại các thôn bản, song, hiệu quả lại không được như ý. Một phần do khó khăn trong việc vận động người dân đến tham gia; phần khác do quá trình nhận thức của nhiều người dân vùng sâu còn hạn chế, không tiếp thu và hiểu hết được quy định được truyền đạt, vật phẩm được trao tặng.
Dưới góc độ chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, những năm qua, hạ tầng giao thông miền núi dần phát triển, mật độ phương tiện đông đúc hơn nhưng sự chú trọng ATGT với trẻ em vẫn chưa được như yêu cầu. Trong khi trẻ em vùng cao chủ yếu đi bộ, nhiều cung đường vẫn lầy lội, tạo ra nguy cơ mất an toàn.
“Đặc biệt, trên các tuyến đường vùng cao, lực lượng chức năng hầu như chỉ xuất hiện khi có TNGT, chưa thực hiện tuần tra, kiểm soát thường xuyên nên nhiều người dân dù vi phạm quy tắc ATGT khi điều khiển phương tiện không được xử lý, nhắc nhở kịp thời để điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức về hiểm họa bản thân và con trẻ đi cùng có thể gặp phải. Đây cũng là yếu tố gián tiếp tạo ra nguy cơ mất ATGT cho trẻ em”, TS. Đức nói.
Theo ý kiến chuyên gia, việc tuyên truyền, đào tạo kỹ năng tham gia giao thông đối với từng địa hình cụ thể sẽ giúp trẻ em miền núi an toàn hơn, chủ động tránh được những hiểm nguy trên đường - Ảnh minh họa
Mỗi địa hình một cách tuyên truyền, đào tạo kỹ năng cụ thể
Cũng theo TS. Nguyễn Hữu Đức, để đảm bảo an toàn cho trẻ em miền núi trong quá trình tham gia giao thông, bên cạnh giải pháp cải tạo cơ sở hạ tầng, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền, giáo dục.
“Thế nhưng, việc tuyên truyền nếu chỉ thực hiện theo kiểu “đánh đồng”, chung chung, hiệu quả sẽ không cao. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đặc thù giao thông, đường sá của từng vùng, từng địa phương để xây dựng chương trình tuyên truyền riêng, đào tạo cho trẻ những kỹ năng, tình huống cụ thể.
Công tác tuyên truyền cũng không nên bỏ qua đối tượng phụ huynh, người trưởng thành để họ có thể nâng cao nhận thức về những mối nguy hiểm trên đường, từ đó gián tiếp tác động đến nhận thức của con trẻ”, TS. Đức nói.
Đại diện Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Căn cứ theo quyết định này, hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ngành GTVT.
Kế hoạch được triển khai tại tất cả các khu vực, trong đó có các tỉnh miền núi, đề cập đến nhiều vấn đề như: công tác tuyên truyền đối với trẻ em, học sinh đảm bảo ATGT khi tới trường và tham gia giao thông nói chung, vấn đề đội MBH, thắt dây an toàn, ghế trẻ em, những vấn đề liên quan đến đảm bảo phương tiện chuyên chở học sinh (xe ô tô đưa, đón, phương tiện thủy, đò ngang), vấn đề an toàn khu vực trường học từ khu đô thị đến địa phương vùng cao.
"Dự thảo kế hoạch hiện đang trong quá trình lấy ý kiến trước khi trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt thực hiện", đại diện này thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận