Phân bố doanh nghiệp theo phương thức vận tải
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, ngành vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại. Phương thức vận tải hiệu quả không chỉ đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, thương mại quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống vận tải ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và mất cân đối giữa các phương thức vận tải khác nhau. Đặc biệt là sự chênh lệch rõ rệt về tỷ trọng các doanh nghiệp giữa những phương thức vận tải vừa là cơ hội cũng là thách thức của Việt Nam trong việc phát triển hệ thống vận tải toàn diện và bền vững.
a. Doanh nghiệp vận tải đường bộ
Doanh nghiệp vận tải đường bộ chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng với thị phần 91,7% doanh nghiệp vận tải hàng hóa và 94,1% doanh nghiệp vận tải hành khách đã phản ánh phần nào quy mô và vai trò của hoạt động vận tải đường bộ trong nền kinh tế của Việt Nam.
Với mạng lưới đường bộ đã bao phủ khắp lãnh thổ và đóng vai trò kết nối chính cho mạng lưới GTVT giữa các vùng, miền, các cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa, ga, cửa khẩu, đầu mối giao thông quan trọng.
Cả nước có tổng chiều dài khoảng 595.125km, trong đó quốc lộ hơn 24.000km, đường bộ cao tốc dài 2.001km với các tuyến quan trọng đưa vào khai thác như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đã cơ bản hoàn thành và dự kiến hoàn thiện toàn tuyến vào năm 2025), các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội là Thủ đô Hà Nội (Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hòa Bình), TP.HCM, kết nối cảng biển (Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái)… trở thành động lực cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ phát triển trong thời gian qua.
Thêm vào đó, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ ngày càng minh bạch, rõ ràng và thuận lợi cho các doanh nghiệp đường bộ phát triển. Tuy nhiên, quy mô của các doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng có sự chênh lệch rất lớn từ quy mô chỉ một vài phương tiện hoạt động trong phạm vi địa phương đến hàng ngàn phương tiện trên phạm vi toàn quốc.
b. Doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa
Vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa, mặc dù có tiềm năng phát triển rất lớn nhờ vào hệ thống sông ngòi phong phú của Việt Nam, nhưng hiện chỉ chiếm 5% tổng số doanh nghiệp vận tải hàng hóa và 3% doanh nghiệp vận tải hành khách, chưa phản ánh đúng tiềm năng, lợi thế của ngành. Điều này bộc lộ bất cập khi xét đến đặc thù địa lý của Việt Nam, với hơn 3.200km bờ biển và hệ thống sông ngòi dày đặc, trải dài từ Bắc vào Nam.
Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng có hệ thống sông ngòi chằng chịt, là những khu vực có tiềm năng phát triển vận tải thủy nội địa rất lớn. Tuy nhiên, phương thức vận tải này vẫn chưa được khai thác và phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong phát triển của doanh nghiệp vận tải thủy là quy mô doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hình thức kinh doanh hộ gia đình vẫn còn rất phổ biến, việc tập hợp thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, hoạt động chuyên nghiệp, bài bản còn hạn chế.
Hiện nay, hoạt động vận tải thủy nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn để phát triển như: Hệ thống kênh rạch và sông ngòi hiện nay chưa được đầu tư và cải thiện đúng mức để phục vụ hiệu quả cho hoạt động vận tải. Nhiều tuyến sông chính, dù có vai trò quan trọng trong kết nối các khu vực kinh tế, vẫn chưa được nạo vét thường xuyên, dẫn đến việc tàu thuyền có trọng tải lớn khó có thể di chuyển một cách an toàn và ổn định.
Ngoài ra, một số vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu cũng tác động không nhỏ đến khả năng khai thác vận tải đường thủy nội địa. Tình trạng sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy và mức nước giảm dần tại nhiều con sông lớn, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận tải thủy, gia tăng rủi ro cho tàu thuyền khi di chuyển và giảm khả năng khai thác vận tải thủy ở các khu vực này.
Hiện các cảng thủy nội địa và hệ thống kho bãi đi kèm chưa được phát triển đồng bộ. Nhiều cảng nhỏ nằm rải rác ở các khu vực sông ngòi chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị bốc dỡ hàng hóa hiện đại, dẫn đến thời gian xếp dỡ kéo dài và chi phí vận hành tăng cao. Điều này làm giảm hiệu quả vận tải thủy nội địa, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp luôn tìm cách tối ưu hóa chi phí và thời gian giao nhận hàng hóa.
c. Doanh nghiệp vận tải hàng hải và ven biển
Hàng hải và ven biển là một trong những phương thức vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc chuyên chở hàng hóa xuất, nhập khẩu cũng như vận tải biển nội địa, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù chiếm tỷ lệ 3,1% trong tổng số doanh nghiệp vận tải, vận tải hàng hóa hàng hải và ven biển vẫn đóng góp đáng kể vào chuỗi cung ứng quốc tế. Tuy nhiên, phương thức vận tải này chưa thực sự phát triển mạnh mẽ và chiếm thị phần lớn trong 5 phương thức vận tải hiện có.
Vận tải hàng hải và ven biển có mối quan hệ chặt chẽ với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, trong quý I/2024, tổng giá trị xuất nhập khẩu đã tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nhucầu vận chuyển hàng hóa quốc tế ngày càng lớn. Đây là cơ hội lớn để ngành vận tải hàng hải và ven biển tận dụng, phát triển và mở rộng quy mô.
Với hoạt động vận tải hành khách, các doanh nghiệp vận tải hàng hải và ven biển chỉ chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp nhưng chủ yếu là phục vụ hoạt động vận tải kết hợp du lịch như vận tải từ bờ ra đảo, vận chuyển du lịch trên vịnh…
Doanh nghiệp vận tải hàng hải và ven biển phát triển nhanh là nhờ hệ thống cảng biển Việt Nam khá đồng bộ. Đến nay, các địa phương dọc bờ biển Việt Nam đều có hệ thống cảng biển được quan tâm đầu tư, cũng như hoạt động du lịch biển ngày càng phát triển.
d. Doanh nghiệp vận tải đường sắt
Hoạt động vận tải đường sắt hiện chủ yếu tập trung trên tuyến đường sắt Bắc - Nam và một số tuyến đường sắt hiện hữu như Hà Nội - Hải Phòng. Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên do Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia.
Mặc dù theo số liệu thống kê số lượng doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường sắt là 46 doanh nghiệp (chiếm 0,2%) và doanh nghiệp vận tải hành khách đường sắt là 37 doanh nghiệp (chiếm 0,5%), tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp này đều hoạt động theo mô hình liên kết, phối hợp với Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt để triển khai hoạt động vận tải như vận tải đa phương thức, vận tải liên vận…
Hạn chế của các doanh nghiệp vận tải đường sắt là tình trạng kết cấu hạ tầng chậm được đầu tư, phát triển theo quy hoạch trong thời gian dài. Hiện trạng mạng đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.315km, trong đó có 2.646,9km đường chính tuyến; 515,46km đường ga và đường nhánh, bao gồm 3 loại khổ đường, chủ yếu là khổ đường 1.000mm (chiếm 85%), còn lại là khổ đường 1.435mm (6%) và khổ đường lồng 1.435/1.000mm (9%).
Năng lực khai thác trên hầu hết các tuyến đường sắt chính chỉ đạt khoảng 17 - 25 đôi tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác lớn nhất 100km/h về khách; 60km/h về hàng. Hầu hết các tuyến đường sắt đều được xây dựng từ lâu nên tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, có nhiều hạn chế về tải trọng, bình trắc diện nên tốc độ chạy tàu thấp, làm giảm tính cạnh tranh so với các phương thức vận tải khác.
đ. Doanh nghiệp vận tải hàng không
Tương tự đường sắt, do giới hạn về điều kiện và phạm vi khai thác nên số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không ít nhất trong các phương thức vận tải (8 doanh nghiệp vận tải hành khách và 14 doanh nghiệp vận tải hàng hóa), trong đó lớn nhất có thể kể các doanh nghiệp như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet air)… phần lớn các doanh nghiệp khác đều tập trung khai thác các dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách trên cơ sở các dịch vụ trụ cột của các hãng hàng không trên.
Trái ngược với khó khăn của ngành đường sắt, ngành hàng không đã có sự phát triển vượt trội trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong hoạt động vận tải hành khách và đã thay thế đường sắt trở thành phương thức đảm nhận thị phần vận tải thứ 3 sau đường bộ và đường thủy nội địa (khoảng 1,55%), là động lực để đưa các doanh nghiệp vận tải hàng không Việt Nam nhanh chóng phát triển và ngang tầm các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Phân tích về lao động và thu nhập trong ngành vận tải
Về cơ bản, số lượng lao động của các phương thức vận tải đều tỷ lệ thuận với số lượng doanh nghiệp theo mỗi lĩnh vực, tuy nhiên do đặc thù của ngành vận tải, tỷ lệ lao động nữ trong ngành thấp hơn tỷ lệ chung bình quân khá nhiều.
Trong toàn ngành, tỷ lệ lao động nữ chỉ chiếm 18% trong vận tải hàng hóa và 23% trong vận tải hành khách. Trong đó, hoạt động vận tải hàng không có tỷ lệ cân bằng nhất với 49% là lao động nữ do điều kiện làm việc được đánh giá là phù hợp nhất với lao động nữ trong hoạt động vận tải, riêng đối với hoạt động vận tải hàng hóa hàng hải và ven biển với chỉ 13% lao động nữ.
Khác biệt với số lượng lao động tỷ lệ với số lượng doanh nghiệp, thu nhập bình quân của lao động có sự khác biệt khá lớn giữa các phương thức vận tải.
Nhìn chung, mức thu nhập tại các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đều cao hơn hoạt động vận tải hành khách, trừ lĩnh vực duy nhất là hàng không, yếu tố này cũng phản ánh đúng điều kiện lao động vất vả và năng suất khai thác của vận tải hàng hóa lớn hơn hành khách khá nhiều.
Hoạt động vận tải hành khách đường bộ với mức độ phổ biến lớn, số lượng lao động cao tuy nhiên đây là lĩnh vực có mức thu nhập bình quân thấp nhất trong toàn ngành, chỉ khoảng 6.000.000 đồng/tháng, trong khi dẫn đầu vẫn là hoạt động vận tải hành khách hàng không với mức thu nhập khoảng 19.700.000 đồng/tháng. Hàng hải là lĩnh vực có sự chênh lệch thu nhập giữa hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách với mức chênh gấp 2 lần, trong khi lĩnh vực hàng không có sự chênh lệch thấp nhất chỉ 1,2 lần.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải
Qua phân tích con số trên cho thấy, doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam đang bị chi phối bởi cơ cấu vận tải các loại hình. Điều này có nguyên nhân do năng lực vận tải của hệ thống giao thông, đặc biệt là trên trục Bắc - Nam, đang mất cân đối lớn.
Hiện vận tải đường bộ vẫn chiếm tới 70% tổng lượng hành khách và 73,8% tổng lượng hàng hóa; vận tải đường thủy chiếm 5% tổng lượng hành khách và gần 21,2% tổng lượng hàng hóa; đường sắt chỉ chiếm khoảng 5% tổng lượng hành khách và 1,6% tổng lượng hàng hóa; còn lại là đường biển và hàng không.
Thực trạng này dẫn tới chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam rất cao, hiện tương đương 20% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và cao hơn 2 lần mức bình quân toàn cầu (10,8%). Đặc biệt, trong cơ cấu chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải đang chiếm tới 30 - 40% giá thành sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp.
Vận tải đường bộ chiếm ưu thế là do trong hơn 10 năm qua, hệ thống đường bộ trên cả nước đã được đầu tư phát triển mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của xã hội. Tuy nhiên, việc vận tải phụ thuộc quá mức vào đường bộ đã tạo áp lực lớn lên hạ tầng giao thông, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và chất lượng công trình giao thông đường bộ.
Thêm nữa, hầu hết các doanh nghiệp lĩnh vực này nhỏ và vừa, phát triển manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp; nguồn nhân lực qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn cử, trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản.
Thời gian tới, cần khắc phục những hạn chế trên, đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhằm đưa ngành vận tải Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cùng đó, tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng vận tải đường thủy nội địa và đường sắt. Tuy vậy, bài toán tái cơ cấu thị phần vận tải còn nan giải khi đầu tư cho đường bộ vẫn chiếm ưu thế.
Để phát triển thị trường vận tải trên cơ sở lợi thế của từng phương thức vận tải, gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu, giảm chi phí vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, logistic, Bộ GTVT đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động với định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Hiện nay, các đơn vị của Bộ đang bám sát các quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt, cũng như chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và của Bộ GTVT để xây dựng đề án làm căn cứ phê duyệt triển khai thực hiện.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước, đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách về vận tải, logistic để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, có hiệu lực cao cho hoạt động vận tải.
Ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng vận tải; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các công trình quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho vận tải, kết nối các phương thức vận tải; bảo đảm hạ tầng giao thông đường bộ kết nối hiệu quả đồng bộ với các cảng biển, cảng thủy nội địa lớn, qua đó, phát triển hài hòa doanh nghiệp giữa các phương thức vận tải.