Ngày 5/8, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, VCCI Cần Thơ cùng Đại sứ quán Hà Lan tại VN đã ký kết Chương trình hành động 2021 của Nền tảng kinh doanh bền vững Hà Lan - Việt Nam tại khu vực ĐBSCL.
Lễ ký kết Chương trình hành động 2021 là một bước cụ thể hóa kế hoạch phối hợp và và đẩy nhanh quá trình thực hiện những cam kết đã được nêu rõ trong Ý định thư về việc xây dựng Nền tảng kinh doanh bền vững giữa Hà Lan và Việt Nam tại khu vực ĐBSCL (gọi tắt là Nền tảng kinh doanh) trước đó vào tháng 1/2021.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ tại buổi ký kết trực tuyến. Ảnh: VCCI Cần Thơ
Tại buổi lễ ký kết trực tuyến ngày 3/8 vừa qua, bà Đại sứ Elsbeth Akkerman bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc sự nỗ lực và thiện chí hợp tác của VCCI Cần Thơ dành cho phía Hà Lan. Bà chia sẻ phía Hà Lan có thể cung cấp những giải pháp để khắc phục những khó khăn do xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán gây ra cho vùng ĐBSCL thông qua những ngành nông nghiệp bền vững, hệ thống quản lý nước, quản lý bờ biển,.. có thể giúp ĐBSCL vượt qua những thách thức trên và phát triển bền vững trong tương lai.
Bà cho biết, sẽ cử chuyên gia phối hợp trong các hoạt động về thích ứng biến đổi khí hậu như hỗ trợ tiếp cận các chương trình đào tạo, quỹ đầu tư của Hà Lan cho Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng vùng ĐBSCL do VCCI Cần Thơ thành lập. Đồng thời hỗ trợ, chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực mà 2 bên có thể hợp tác với nhau như: nông nghiệp, tiếp vận hậu cần, giao thông vận tải…
ĐBSCL chiếm 12% diện tích cả nước và đây là vùng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, với sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết cực đoan khiến sản xuất nông nghiệp luôn bị ảnh hưởng.
Để phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với những thay đổi về điều kiện tự nhiên và thị trường thì cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với tài nguyên, con người, tiến bộ khoa học công nghệ... biến nguy cơ thành thời cơ và biến bất lợi thành lợi thế...
Trong Chương trình tổng thể Phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH nhằm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu chính là rà soát, sửa đổi các chiến lược và định hướng nền nông nghiệp hiện có cho toàn bộ vùng ĐBSCL nhằm nâng cấp các chuỗi giá trị sản phẩm hiện có, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao.
Đại diện các bên cùng trao đổi trực tuyến. Ảnh: VCCI Cần Thơ
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Lan là đối tác chiến lược với Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực từ năm 2014 (SPA Nông nghiệp). Trong quan hệ kinh tế, đây là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) và cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của EU tại Việt Nam.
Hà Lan cũng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán và thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), tạo ra một cơ hội phát triển mới giữa Việt Nam và EU, trong đó có Hà Lan.
2 bên cũng là đối tác chiến lược trong lĩnh vực nước và thích ứng với BĐKH, thể hiện tham vọng của 2 nước cùng hợp tác trao đổi kiến thức và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực thích ứng với BĐKH, kiểm soát lũ lụt, thực phẩm và hệ sinh thái, cấp nước, xử lý nước thải và quản lý nước… từ năm 2010.
Để phát huy các tiềm năng hợp tác sẵn có và nâng cao vị thế thương mại giữa 2 quốc gia… Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm của Hà Lan cùng các bên có liên quan sáng kiến thành lập “Nền tảng Kinh doanh Việt Nam - Hà Lan vùng ĐBSCL”.
Đây là nền tảng quan trọng giúp ĐBSCL của Việt Nam chuyển đổi nông nghiệp một cách hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là quản lý nguồn nước và các công nghệ liên quan đến phát triển nông nghiệp. Trong đó vai trò khu vực kinh tế tư nhân được quan tâm nhiều hơn trong quá trình hợp tác.
Nền tảng kinh doanh được thành lập với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh doanh của vùng ĐBSCL, tập trung vào các lĩnh vực quản lý nước bền vững, công nghệ nước dành cho nông nghiệp và tiếp vận hậu cần bền vững; xác định các cơ hội kinh doanh ở ĐBSCL và nhu cầu của Việt Nam và Hà Lan.
Đồng thời kết nối mạng lưới khu vực kinh tế tư nhân và các viện tri thức; phát triển quan hệ đối tác công tư, tìm cách kết nối các khả năng tài trợ cũng như kết nối giữa các tổ chức và nhà đầu tư; kết nối chặt chẽ với Chương trình chuyển đổi nông nghiệp tại ĐBSCL.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận