Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) được biết đến là một trong những chốn linh thiêng ở Thủ đô. Vì vậy, vào dịp đầu Xuân, năm mới hay ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, nơi đây thu hút rất đông người dân, du khách thập phương đến lễ bái.
Điều đáng nói là thời gian gần đây, số ca Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, trung bình khoảng 3.000 ca mỗi ngày. Đáng chú ý, ngày 14/2 Hà Nội ghi nhận hơn 3.500 ca.
Dù các biện pháp phòng dịch được triển khai, song với lượng người đông như vậy, nguy cơ lây nhiễm là khó tránh khỏi nếu không may trong số hàng nghìn người đến lễ Phủ có những F0.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận trưa 15/2:
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong trưa ngày 15/2 (Rằm tháng Giêng), dòng người nườm nượp đổ về các lối dẫn vào Phủ Tây Hồ.
Tại các cổng ra vào, BQL di tích đã bố trí nước sát khuẩn tay và yêu cầu du khách tuân thủ nghiêm quy định "5K".
Phía trong khuôn viên Phủ Tây Hồ chật kín người.
Những lễ vật được chuẩn bị cẩn thận bao gồm: Hương, hoa, tiền vàng...
Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên tiêu từ lâu được mọi người quan niệm là ngày rằm quan trọng nhất trong một năm.
Phía bên trong chính điện cũng còn rất ít chỗ trống.
Hầu hết người dân đều có ý thức đeo khẩu trang, ngay cả trong lúc khấn bái.
Do lượng người đến làm lễ tăng đột biến, BQL di tích đã phải tạm đóng cửa chính điện để đảm bảo phòng dịch.
Do không được vào bên trong, nhiều người chấp tay vái vọng từ ngoài cửa.
Sau khoảng hơn 20 phút, chính điện mở cửa trở lại. BQL di tích liên tục khuyến cáo người dân khi làm lễ xong nên đi về luôn, tránh tụ tập.
"Năm nào cũng vậy, vào ngày Rằm tháng Giêng tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian để tới Phủ cầu sức khỏe, bình an cho gia đình và mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi", chị Chu Thị Liên (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Đến đầu giờ chiều, lượng người đi lễ Phủ Tây Hồ vẫn rất đông.
Phía bên ngoài Phủ, các bàn viết sớ xin công danh, tài lộc... đều "đắt khách".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận