Người dân ở đây “đòi” lãnh đạo thành phố xuống đối thoại mới mở đường máu cho xe vào đổ rác.
May mà chỉ có hơn ngày, bà con cũng dịu xuống, chịu cho rác đi. Nếu không cả Hà Nội đã ngập ngụa trong rác. Vì chỉ có thải ra mà không có chỗ chôn xuống.
Chắc hẳn sau lần này, Hà Nội cũng phải sớm lo cho những người đã hơn 20 năm nay chịu mùi hôi thối, ô nhiễm chỉ bởi lỡ sinh sống ở cái khu được quy hoạch làm bãi đổ rác.
Nhưng giữ được cam kết với dân Nam Sơn rồi còn những nơi khác? Ai chả sợ phải sống cạnh đống rác. Họ có quyền đòi hỏi môi trường sống bình thường cho chính mình.
Mà rác chôn xuống, đốt đi nào đã xong, chất độc thải ra, nhựa hàng trăm năm không phân hủy. Cái cách chúng ta đối xử với rác sẽ khiến chính chúng ta hoặc con cháu chúng ta trả giá.
Đi siêu thị thì mỗi người bê về nhà hàng chục túi ni lông bọc to, bọc nhỏ. Ăn xong, dùng xong bất cứ cái gì, 100% đều được bọc "cẩn thận" vào túi ni lông mới vứt đi. Cẩn thận quá, lại không có mùi gì. Trời ơi, nhưng chính sự “sạch sẽ” ngớ ngẩn đó lại là nguồn cơn của ô nhiễm.
Một vỏ chuối có thể phân hủy sau vài chục ngày được bọc cẩn thận trong một túi ni lông trước khi ném vào thùng rác, hai thứ rác sẽ cùng nhau tồn tại thêm hàng trăm năm nữa. Sẽ đến lúc không còn chỗ để chôn rác xuống, mà nếu đốt thì bao nhiêu chất độc hại thải cả vào nước, vào đất, vào không khí.
Nếu Hà Nội không sớm phân loại rác, hạn chế vứt rác trong túi ni lông vô tội vạ khắp từ đô thị đến bãi biển hay núi cao, thì tiền tấn cũng không trả lại được cho chúng ta một môi trường sống trong sạch.
Nếu chính quyền không coi đó là việc của mình, thì những nỗ lực từ những người dân hàng ngày mang làn cói, túi giấy đi chợ thay vì cái gì cũng bỏ trong túi ni lông, những cố gắng bỏ thói quen dùng ống hút nhựa dùng ống hút tự hủy hay hô hào mọi người làm "gạch" bằng cách nhét túi ni lông vào chai nhựa cũng chỉ là muối bỏ biển.
Và xung quanh ta, một ngày nào đó sẽ chỉ toàn là rác. Hà Nội rác đang hiện hữu!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận