Thông tin này được ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội công bố chiều qua.
Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án tăng giá vé xe buýt như sau: Đối với vé lượt có cự ly tuyến dưới 25km, giá vé tăng cao nhất đến 40% (từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng/lượt); Cự ly tuyến trên 30km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt (tăng 14%). Đối với vé tháng, những đối tượng không nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên, giá vé tháng một tuyến tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng (tăng 11%); Giá vé liên tuyến tăng thêm 60.000 đồng/tháng (từ 140.000đ lên 200.000 đồng/tháng, tăng 43%).
Lý giải về các nguyên nhân tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, từ năm 2006 đến nay, giá vé xe buýt mới được điều chỉnh một lần vào tháng 10/2013, chưa đủ bù đắp chi phí tại thời điểm năm 2012. “Nếu tiếp tục giữ nguyên giá vé thì sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân”, ông Linh nói. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên thu ngân sách của TP thực tế giảm nhiều so với dự toán ngân sách năm 2013.
“Việc tăng giá vé lần này không phải để tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên ngành xe buýt mà mục đích là để tăng chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng phương tiện, cơ sở hạ tầng”, ông Linh khẳng định.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt năm 2014 không phải là đề xuất đơn phương của Sở GTVT Hà Nội mà đề xuất này đã có ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và Cục Thống kê TP Hà Nội. Dự kiến năm 2014, ngân sách TP Hà Nội sẽ dành 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, theo ông Linh, số tiền đó vẫn chưa đủ bù đắp chi phí cho hoạt động kinh doanh xe buýt hiện nay. “Theo tính toán, nếu không tăng giá vé xe buýt, thì vẫn còn thiếu hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, việc tăng giá vé lần này không phải xuất phát từ sức ép ngân sách của TP”, ông Linh nói.
Liên quan đến hiện tượng các xe buýt hoạt động trên địa bàn Thủ đô vẫn thi nhau xả khói đen, sau đợt tăng giá này, người dân Hà Nội sẽ không phải hít khói đen nữa?. Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, việc xe buýt “xả” khói đen là do nhiều phương tiện được đầu tư từ rất lâu nên máy móc đã lạc hậu và không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Hiện nay trên địa bàn TP có 1.400 xe buýt, do đó việc thay thế dần các xe buýt này cần phải có lộ trình. “Đây là trách nhiệm của ngành Giao thông Thủ đô, chúng tôi sẽ từng bước yêu cầu các doanh nghiệp phải thay dần xe và không để tình trạng xe buýt xả khói đen trên địa bàn TP như hiện nay”, ông Linh nhấn mạnh.
Công nhân khu công nghiệp được giảm 50% giá vé Theo báo cáo của Sở GTVT, trong đợt điều chỉnh giá xe buýt lần này, ngoài việc tiếp tục sử dụng các chính sách nhằm thu hút người dân đi xe buýt như: Miễn phí đi xe buýt với các đối tượng là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, người có công với cách mạng; Các đối tượng là học sinh, sinh viên, người cao tuổi được giảm 50% giá vé tháng, còn bổ sung thêm đối tượng là công nhân các khu công nghiệp được giảm 50% giá vé tháng và hành khách mua vé tháng theo hình thức tập thể được giảm 30%. |
Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận