Sáng đèn Nhà hát TP Hải Phòng
Trong dịp tết Nguyên đán và những ngày đầu Xuân 2024, tại khu vực quảng trường Nhà hát TP Hải Phòng liên tục tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật thu hút hàng vạn lượt người dân tới thưởng thức.
Những tiết mục văn nghệ tại đây được thực hiện một cách công phu, với chất lượng nghệ thuật cao, được thực hiện bởi hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên đến từ 5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố và các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, các chương trình thu hút được nhiều ca sỹ là các giọng ca quán quân Idol Việt Nam như: Hà An Huy (Quán quân Idol Việt Nam), ICD (Phạm Ngọc Huy - Giải King of Rap năm 2020), Giana (Thanh Giang Idol), Thu An - Á quân Sao Mai 2022, Hồng Hạnh - Á quân Sao Mai 2022...
Các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ nêu trên nằm trong kế hoạch được ngành văn hóa - thể thao Hải Phòng triển khai mang tên "Sáng đèn Nhà hát Thành phố". Chương trình được thực hiện công phu, diễn ra từ đầu tháng 7/2023 tới nay.
Tiến sỹ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng chia sẻ: Nhà hát TP Hải Phòng là công trình văn hóa đặc sắc, là một chứng tích ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt trong quá trình hình thành và phát triển của TP Hải Phòng qua các thời kỳ.
Những năm qua, được sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ngành văn hóa - thể thao TP Hải Phòng quyết tâm đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng khi triển khai kế hoạch "Sáng đèn Nhà hát Thành phố".
Theo đó, tại Nhà hát TP Hải Phòng, vào các tối thứ bảy và chủ nhật từ 1/7/2023 tới nay liên tục diễn ra các hoạt động nghệ thuật gồm các vở diễn hàn lâm, kinh điển đặc sắc của thế giới và của Việt Nam thuộc nhiều loại hình do các đơn vị nghệ thuật thành phố, Trung ương và các địa phương bạn thể hiện.
"Đây là bước đột phá, cũng là quyết tâm lớn của ngành văn hóa - thể thao và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của TP Hải Phòng nhằm tạo điểm đến, góp phần đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng", bà Mai cho hay.
Để đảm bảo sự đa dạng, sôi động của hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Hải Phòng là một trong số ít địa phương không triển khai sáp nhập mà giữ nguyên 5 đoàn nghệ thuật hoạt động hết công suất phục vụ công chúng. TP Hải Phòng còn rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật của Trung ương và địa phương khác tới hợp tác dàn dựng các chương trình, vở diễn.
Những dấu ấn của ngành văn hóa - thể thao Hải Phòng trong năm 2023
- Năm 2023, là năm thứ hai Sở Văn hóa - Thể thao TP Hải Phòng đứng ở vị trí thứ nhất về năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành thành phố Hải Phòng.
- Trong năm 2023, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hải Phòng đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hoá, thể thao quốc gia quy mô lớn, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá về TP Hải Phòng như: Lễ hội Văn hóa dân gian biển đảo Việt Nam và khai mạc du lịch Đồ Sơn 2023; Hội thi Tuyên truyền lưu động và triển lãm tranh cổ động "Biển và Hải đảo Việt Nam"; Hội nghị các nhà văn lão thành toàn quốc lần thứ nhất; Lễ trao giải cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia "Tổ quốc bên bờ sóng" lần thứ II; các cuộc thi sáng tác mỹ thuật và ca khúc…
- Tham mưu UBND TP Hải Phòng triển khai các nhiệm vụ trình UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân kỷ niệm 450 năm ngày mất; xác định Ngày thành lập TP Hải Phòng; trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích quốc gia và đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, công nhận Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 45 ngày 16/9/2023 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã vinh danh vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
- Trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, các vận động viên của Hải Phòng tham gia thi đấu 135 giải thể thao trong nước và quốc tế, giành 535 huy chương các loại, phá 1 kỷ lục quốc gia. Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19, Hải Phòng vinh dự có 3 vận động viên tham gia thi đấu, vận động viên Phạm Quang Huy thi đấu môn Bắn súng giành thành tích xuất sắc với 1 huy chương vàng và 1 huy chương đồng.
Mục tiêu mỗi tuần một tác phẩm sân khấu trong kế hoạch "Sáng đèn Nhà hát Thành phố" cũng là một áp lực rất lớn đối với ngành văn hóa. Tuy vậy, với nhiều biện pháp huy động nguồn nhân lực, suốt từ tháng 7/2023 tới nay các suất diễn đều đặn hàng tuần tại Nhà hát TP Hải Phòng đều kín lịch.
Khán giả được thưởng thức những tiết mục được dàn dựng từ các tác phẩm kinh điển như vở "Romeo và Juliet" do NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng đã được trình diễn với sự tham gia phối hợp của Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội do Đoàn kịch Hải Phòng làm chủ công.
Rồi các chương trình: "Ai rồi cũng sẽ khác" và "Đời cười" của Nhà hát Tuổi trẻ; gần nhất là vở chèo "Mưa đỏ", kịch bản của nhà văn Chu Lai, NSND Thúy Mùi đạo diễn, rồi vở rối "Aladin và cây đèn thần" do đạo diễn NSND Tuấn Hải cũng biểu diễn rất thành công, đón nhận sự hưởng ứng của đông đảo công chúng.
Theo bà Mai, các đề án trên là nỗ lực lớn của ngành văn hóa - thể thao thành phố nhằm đa dạng hóa cách tiếp cận nghệ thuật cho khán giả.
"Bước đầu thực hiện đề án, chúng tôi sẽ phục vụ miễn phí. Nhưng chắc chắn về lâu dài, để có nguồn lực thực hiện đề án, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước, sẽ phải có kế hoạch bán vé để có nguồn thu cho các đoàn dàn dựng các tác phẩm mới. Điều này đòi hỏi những người làm nghệ thuật cần phải tạo ra nhiều hình thức mới để cho khán giả có cơ hội lựa chọn thưởng thức, dần dần coi tác phẩm nghệ thuật là "hàng hóa chất lượng cao", bà Mai nói.
Đem nghệ thuật đến với công nhân lao động
Năm 2023, ngành văn hóa - thể thao Hải Phòng đã thực sự tạo dấu ấn khi triển khai hiệu quả nhiều chương trình, vở diễn thuộc đề án sân khấu truyền hình. Đến thời điểm hiện tại, 12 chương trình, vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật: Cải lương, kịch nói, ca múa nhạc, chèo và múa rối, nhạc kịch đã được tổ chức biểu diễn và truyền hình trực tiếp trên kênh THP và phát sóng trên các kênh khác và nền tảng số của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.
Từ thành công trên, Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng tiếp tục chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho các đối tượng đặc thù là công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Bà Trần Thị Hoàng Mai cho biết: "Công nhân lao động làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nghệ thuật biểu diễn. Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu với thành phố là thay vì kêu gọi công nhân lao động đi xem biểu diễn thì chúng tôi đem các tiết mục văn hóa, văn nghệ đến với họ. Để làm được điều này, khó khăn nhất là thuyết phục được chủ sử dụng lao động cho phép công nhân lao động nghỉ một khoảng thời gian nhất định (vẫn được trả lương bình thường) để xem các tiết mục văn nghệ mà chúng tôi đem đến".
Với cách làm sáng tạo, Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Liên đoàn Lao động Hải Phòng đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn cho công nhân lao động.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết: "Đây là một trong các hoạt động cụ thể hoá mục tiêu nâng cao đời sống văn hoá tinh thần người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn TP Hải Phòng. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại khu công nghiệp là những món ăn tinh thần độc đáo cho công nhân, lao động".
Được công ty cho nghỉ sớm 2 tiếng để đón xem chương trình nghệ thuật, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, công nhân Công ty JCV (KCN Tràng Duệ) phấn khởi: "Đây là lần đầu tôi được tham gia chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, hoành tráng, lại cách khu nhà trọ không xa. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, nghệ thuật giúp chúng tôi cảm thấy vui vẻ, thư giãn, phấn chấn hơn cho những tuần làm việc tiếp theo".
Với nhiều hoạt động thiết thực, Sở Văn hóa - thể thao Hải Phòng trong những năm qua tạo nên dấu ấn đặc sắc góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân đất Cảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận