Thế giới

Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 chìm trong chiến sự

30/07/2014, 07:19

Khu vực chiếc máy bay MH17 rơi (miền Đông Ukraine) đang chìm trong chiến sự trong khi các bên liên quan liên tục đưa ra những cáo buộc, trả đũa lẫn nhau về thủ phạm bắn hạ chiếc máy bay này.

Những cuộc giao tranh tại Donetsk khiến các nhà điều tra quốc tế không thể tiếp cận hiện trường MH17
Những cuộc giao tranh tại Donetsk khiến các nhà điều tra quốc tế không thể tiếp cận hiện trường MH17


Dừng điều tra vì chiến sự


Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm qua cho biết, giao tranh ác liệt giữa quân Chính phủ và phe ly khai đã khiến các nhà điều tra quốc tế chưa thể tiếp cận hiện trường của vụ tai nạn máy bay MH17. Các chuyên gia Hà Lan và Australia không thể rời Donetsk  tới khu vực máy bay rơi do có quá nhiều cuộc giao tranh trên các tuyến đường dẫn tới đó. Các cuộc giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát khu vực Donetsk đang làm phức tạp thêm cuộc điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay MH17. Hiện tại, các chuyên gia, các nhà điều tra vẫn bị hạn chế đi lại ở khu vực máy bay rơi. Cho dù trước đó, Malaysia đạt thỏa thuận với phe nổi dậy cho các nhóm quốc tế đến hiện trường MH17, nhưng nhóm điều tra Hà Lan và Australia đã buộc phải hủy kế hoạch tới địa điểm trên.


Trong một diễn biến khác, Washington đang cân nhắc việc cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo về các mục tiêu quân sự nhằm giúp Kiev đối phó với phe ly khai. Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết: Mặc dù chưa có quyết định cụ thể, nhưng nhiều ý kiến cho rằng hình thức hỗ trợ này có thể phản tác dụng khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ và khiến tình hình thực địa phức tạp hơn. Đến chiều tối qua, đề xuất này vẫn chưa được Nhà Trắng đưa ra thảo luận. Đến nay, Mỹ mới chỉ cung cấp thông tin tình báo một cách hạn chế cho Ukraine và tránh cung cấp vũ khí cho Kiev.


Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng An ninh Ukraine Andriy Lysenko cho biết, kết quả phân tích hộp đen cho thấy máy bay MH17 bị trúng nhiều mảnh đạn từ một vụ nổ tên lửa và bị rơi do giảm áp đột ngột. Tuy nhiên, động thái này đã bị phía Nga phản bác là sai thông lệ quốc tế, chỉ Chủ tịch Ủy ban điều tra mới có quyền công bố những thông tin liên quan đến vụ điều tra. 

Mỹ và EU gia tăng trừng phạt Nga


Trong một diễn biến liên quan, Mỹ và EU thống nhất mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga, mà không đợi kết luận điều tra cuối cùng về vụ MH17 vì cho rằng Nga dính líu đến việc này bởi đã hậu thuẫn phe ly khai. Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc điện đàm đồng thời với các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp, Anh, Italia. Lãnh đạo 5 nước khẳng định trừng phạt Nga nhằm gây sức ép để tình hình Ukraine không tồi tệ thêm và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Mục tiêu trừng phạt cụ thể được dự đoán sẽ nhằm vào các khu vực năng lượng, vũ khí và tài chính của Nga. Dự thảo các lệnh trừng phạt mới này đã được hoàn tất trong ngày hôm qua, theo Reuters.


Về phía Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẽ không đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU. Và điều này sẽ chỉ khiến Nga độc lập hơn về mặt kinh tế. Tuy nhiên, các báo của Nga ngày 29/7 cho biết Nga có thể sớm áp đặt lệnh cấm nhập khẩu một số loại trái cây từ Liên minh châu Âu (EU) và thịt gà từ Mỹ. Trong vài ngày tới, giới chức Nga sẽ đưa ra quyết định, theo đó có thể áp dụng lệnh cấm trên đối với tất cả hoặc một số quốc gia EU nhất định.


Hôm qua, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov phản bác những hình ảnh phía Mỹ đưa ra để cáo buộc Nga pháo kích vào các vị trí quân Chính phủ Ukraine đồn trú. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố những bức hình chụp mặt đất - nơi giới chức Mỹ nói là địa điểm phóng và các hố xung quanh nơi quân Chính phủ Ukraine đồn trú. Ông Igor Konashenkov nói: Những bức ảnh đó không thể chứng minh tính xác thực, chúng thiếu thông tin cụ thể về địa điểm và độ phân giải quá thấp”.

Thanh Huyền
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.