Ổn định tổ chức để hoạt động hiệu quả
Được thành lập từ năm 1998 và trải qua nhiều thay đổi về cơ cấu, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM cho biết, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM thuộc Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, được thành lập từ năm 1998 với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải thành phố.
Quá trình hoạt động, Hiệp hội đã hoàn thành tốt vai trò của mình, nhận được sự tin cậy của hội viên, được cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và thành phố đánh giá cao.
Tuy nhiên, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ ban hành, quy định thẩm quyền thành lập, phê duyệt điều lệ Hội được giao cho cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, hiệp hội không có thẩm quyền thành lập hội. Do đó, Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM phải giải thể và thành lập lại.
Đến ngày 28/8/2020, UBND TP.HCM có Quyết định số 3146/QĐ-UBND, cho phép thành lập Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM. "Tính đến tháng 10/2024, hiệp hội có hơn 130 đơn vị thành viên là các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, một số doanh nghiệp các tỉnh cũng được tham gia với tư cách hội viên liên kết.
Lĩnh vực hoạt động chính của hiệp hội là kinh doanh vận tải hàng hóa. Trước đây chỉ giới hạn trong vận tải đường bộ, nay đã mở rộng sang vận tải đường thủy cùng các dịch vụ hỗ trợ như bến bãi, cung ứng nhiên liệu, phụ tùng và ứng dụng công nghệ thông minh trong vận tải.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM là thành viên của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đơn vị cũng đã ký kết phối hợp với các Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng và các Hiệp hội Vận tải khu vực phía Nam.
Lập lại trật tự chở đúng tải
Nhớ lại giai đoạn quan trọng từ năm 2014, khi Hiệp hội Vận tải phối hợp với lãnh đạo ngành Giao thông vận tải bắt đầu thiết lập lại quy định tải trọng, áp dụng mức tải trọng chuẩn quốc tế 30.480kg cho mỗi container.
Đây là cột mốc đưa ngành vận tải vào khuôn khổ, với mục tiêu đảm bảo sự ổn định trong vận tải và giảm thiểu các vấn đề về quá tải, tai nạn giao thông. Hiệp hội và cơ quan chủ quản đã nhận thấy những bất cập trong việc sử dụng sơ-mi rơ-moóc và bắt đầu phối hợp xây dựng Thông tư 46/2015/TT-BGTVT.
Thông tư này không chỉ quy định tải trọng trục xe mà còn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải cải tạo sơ-mi rơ-moóc để đáp ứng tiêu chuẩn mới, đảm bảo an toàn và giảm thiểu tác động lên hạ tầng giao thông.
Theo ông Bùi Văn Quản, trước năm 2014, việc quản lý tải trọng vẫn còn nhiều lỏng lẻo. Xe tải tự do chở hàng vượt mức cho phép mà ít bị kiểm soát, gây nhiều hư hại cho hệ thống đường bộ. Trong bối cảnh đó, Thông tư 46 ra đời dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra tải trọng cụ thể cho từng loại trục xe, như trục đôi là 8 tấn, trục ba là 24 tấn... Các quy định này dựa trên khả năng chịu lực của bánh xe và mặt đường, nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách vượt qua các quy định bằng cách nâng tải trọng trục, có khi gấp đôi, gấp ba. Xe có tải trọng 30 tấn có thể chở lên đến 60 tấn, 100 tấn… để tiết kiệm chi phí. Việc cải tạo tải trọng trục dù đảm bảo quy chuẩn thiết kế, nhưng lại gây tổn hại nghiêm trọng cho mặt đường. Nhận thấy điều này,
Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với hiệp hội để điều chỉnh lại quy định cho phù hợp. Ban đầu, quy định mới khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì đa số xe tải đều bị quá tải trọng trục mặc dù chở đúng tải trọng cho phép tham gia giao thông. Các xe bị xử phạt hàng loạt, dẫn đến phản ứng từ các doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã nhanh chóng hỗ trợ, yêu cầu tạm ngừng xử phạt và cho phép doanh nghiệp có thời gian cải tạo sơ-mi rơ-moóc. "Quyết định này nhận được sự đồng thuận và ủng hộ từ phía doanh nghiệp nhờ tính kịp thời và giải pháp hợp lý của chính quyền", ông Quản nhớ lại.
Cùng lúc đó, việc đưa ra những cải tiến cho sơ-mi rơ-moóc cũng được thực hiện nhanh để giảm thiểu chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả, trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn tải trọng. Một số cải tiến như gắn thêm điểm tựa tải trên xe, giúp doanh nghiệp giảm chi phí xăng dầu và tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa.
Trước đây, sơ-mi rơ-moóc 40 feet chỉ chở được container 40 feet; sơ-mi rơ-moóc 20 feet chỉ được chở container 20 feet; sơ-mi rơ-moóc thiết kế chở container thì chỉ được chở container, không được chở hàng rời... Điều này rất bất cập, làm tăng chi phí cho hoạt động logistics.
Khi Thông tư 46 ra đời, cho phép doanh nghiệp bằng cách gắn thêm các điểm tựa (các điểm gù trên sơ-mi rơ-moóc) giúp linh hoạt hơn. Sơ-mi rơ-moóc 40 feet có thể chở container 20 feet hoặc chở hàng bao nhưng doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về tải trọng trục, tải trọng toàn bộ cho phép khi tham gia giao thông và quy định về xếp, dỡ, bố trí hàng hóa trên xe.
"Điều này giúp doanh nghiệp tối ưu hoá trong hoạt động, một đầu kéo có thể thay đổi để kéo 3 chủng loại khác nhau, linh hoạt trong vận chuyển container", ông Quản nói.
Khi vấn đề này được giải quyết, lại nảy sinh bất cập khác là phí bảo trì đường bộ. Trước đó cứ mỗi biển số sơ-mi rơ-moóc được đăng ký đều phải nộp phí. Tuy nhiên, thực tế mỗi đầu kéo chỉ có thể kéo được một rơ-moóc một lần lưu thông trên đường, trong khi 2 sơ-mi rơ-moóc khác nằm ở bãi cũng phải đóng phí. Điều này gây bất hợp lý cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị chỉ cho thuê rơ-moóc.
Những kiến nghị của doanh nghiệp sau đó được Bộ GTVT lắng nghe và xử lý nhanh, chỉ thu phí đầu kéo, không thu phí sơ-mi rơ-moóc. Ông Quản cho rằng, những thay đổi về mặt chính sách của cơ quan quản lý nhà nước đã giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là trong việc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Phát huy sức mạnh nội lực
Ông Bùi Văn Quản cho biết, hiện nay, hiệp hội có sự thay đổi mô hình hoạt động, chuyển từ việc phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước sang hình thức tự thân vận động, trong đó các hội viên cùng nhau hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể, các thành viên trong hiệp hội thường xuyên ngồi lại với nhau để trao đổi về những khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm vận tải trên đường.
Những buổi thảo luận, tập huấn được tổ chức là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, xây dựng nội lực cho toàn bộ hiệp hội. Chẳng hạn, các doanh nghiệp cùng nhau bàn bạc về những tuyến đường thường xuyên xảy ra sự cố, kẹt xe, ùn tắc, từ đó rút ra kinh nghiệm trong hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, với một số doanh nghiệp có tâm lý "khôn lỏi", thường xuyên chở quá tải, vi phạm luật, không quan tâm đến hoạt động chung…
Hiệp hội sẽ nhắc nhở, yêu cầu thay đổi; nếu không đạt hiệu quả có thể sẽ áp dụng biện pháp mạnh như báo cơ quan chức năng xử lý, không hỗ trợ… để tạo áp lực cần thiết, buộc họ phải từ bỏ thói hư tật xấu và thực hiện đúng quy định của pháp luật, tạo sự cạnh tranh bình đẵng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc tham gia các cuộc họp để nắm bắt thông tin, từ đó trao đổi lại cho các hội viên. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp cập nhật những chính sách mới mà còn tạo điều kiện để họ đưa ra phản ánh, ý kiến đóng góp nhằm cải thiện hoạt động của Hiệp hội cũng như nâng cao hiệu quả vận tải trong toàn ngành.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, Hiệp hội đã nỗ lực tìm cách giúp đỡ các tài xế và nhân viên trong ngành vận tải. Khi chính sách ưu tiên tiêm vaccine chưa được thực hiện, Hiệp hội đã tích cực kêu gọi các cơ quan chức năng đảm bảo đội ngũ lái xe được ưu tiên bảo vệ sức khỏe. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm của Hiệp hội đối với các hội viên mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết, tự lực trong nội bộ, giúp các thành viên vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Quản nhấn mạnh, hiện nay, Hiệp hội vẫn là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp thành viên. Các doanh nghiệp đang giữ liên kết với Hiệp hội nhờ vào niềm tin, vai trò của tổ chức. Tuy nhiên, ai cũng mong mỏi Hiệp hội sẽ hoạt động hiệu quả hơn, có khả năng bảo vệ quyền lợi của họ một cách thiết thực hơn trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Sự đoàn kết và quyết tâm chung tay vượt qua khó khăn chính là sức mạnh để Hiệp hội khẳng định vị thế của mình trong ngành vận tải.
Ngoài việc hỗ trợ nhau trong hoạt động, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM thời gian qua đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lái xe của các doanh nghiệp vận tải. Đến nay đã hoàn thành tập huấn và cấp Giấy chứng nhận cho hàng nghìn lái xe ở khu vực TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Việc tập huấn Hiệp hội tổ chức linh hoạt, doanh nghiệp được chọn lựa học trực tiếp tại địa chỉ doanh nghiệp, Văn phòng Hiệp hội hoặc học trực tuyến qua phần mềm thông minh.
Việc tổ chức tập huấn Hiệp hội luôn tuân thủ đầy đủ về chế độ giám sát và báo cáo kết quả với cơ quan quản lý là Sở GTVT. Thời hạn Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lái xe là 3 năm, hết hạn các đơn vị phải tổ chức tập huấn lại cho lái xe. Nên thực hiện tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, nhằm cập nhật quy định pháp luật, trang bị đủ và bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cần có để tài xế tham gia giao thông một cách an toàn và chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã thực hiện tốt cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nước
Quá trình hoạt động và trưởng thành, được sự chỉ đạo của UBND TP.HCM và các sở, ban ngành của Thành phố, sự phối hợp, hướng dẫn của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và đất nước.
Hiệp hội đã chủ động, tích cực tham gia, đề xuất, kiến nghị nhiều chủ trương, giải pháp quản lý với Thành phố, Bộ GTVT như giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng xe chở quá tải; giải pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lái xe tải hạng FC...
Hiệp hội đã thực hiện tốt chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nước, phản ánh kịp thời các tâm tư, nguyện vọng của các hội viên, tích cực tham gia ý kiến trong quá trình hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến đề xuất của Hiệp hội có tính khả thi và phù hợp đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu.
Trong đợt Báo Giao thông và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp tổ chức cầu vận tải miễn phí hàng cứu trợ và ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi 2024, ngoài tham gia ủng hộ qua kênh của Ủy bản Mặt trận Tổ quốc địa phương, Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM cũng đã ủng hộ 127 triệu đồng.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đóng góp của Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM trong thời gian qua và tin tưởng Hiệp hội sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.