Hiện vẫn còn nhiều HTX hoạt động trên danh nghĩa, thành lập ra chỉ để thực hiện các dịch vụ thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện, có nhu cầu kinh doanh vận tải (Chụp tại bến xe Mỹ Đình) - Ảnh: Tạ Tôn. |
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực GTVT do Bộ GTVT tổ chức hôm qua (26/6), nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, mô hình này vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu hoạt động trên danh nghĩa, làm trung gian dịch vụ. Tới đây, cần có chính sách phù hợp để nhân rộng các mô hình HTX tốt, hoạt động hiệu quả hơn.
Hợp tác xã chỉ đóng vai trò trung gian dịch vụ
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), hiện vẫn còn nhiều HTX hoạt động trên danh nghĩa. Thực chất hoạt động chỉ là thành lập để thực hiện các dịch vụ thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện, có nhu cầu kinh doanh vận tải. Phương tiện, hoạt động kinh doanh, nhân lực điều hành hoàn toàn do cá nhân thuê mượn. Quá trình hoạt động kinh doanh vận tải xảy ra vấn đề gì, HTX không hay biết và không có trách nhiệm.
“Đây là nguyên nhân chính khiến phần lớn các HTX vẫn còn làm ăn nhỏ lẻ, phân tán, không tiếp cận được cách thức quản lý hiện đại, thường không tập trung xây dựng thương hiệu. Hoạt động của các HTX chủ yếu dựa vào một số lượng nhỏ khách quen hoặc đầu mối hàng hóa nhỏ lẻ có tính mùa vụ. Chính vì vậy, việc thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải của nhiều HTX vận tải còn lỏng lẻo”, ông Ngọc khẳng định.
Sau gần 4 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, đến nay, hầu hết các HTX vận tải vẫn được thành lập theo mô hình dịch vụ hỗ trợ, tài sản phương tiện do thành viên đóng góp và tự quản lý. Điều đó có nghĩa, tuy HTX có tư cách pháp nhân nhưng chỉ đóng vai trò trung gian để giải quyết thủ tục với cơ quan quản lý, ban chủ nhiệm không có quyền sở hữu phương tiện, hiệu lực điều hành không cao. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT Bắc Giang cho rằng, hầu hết các HTX có quy mô nhỏ lẻ, bộ máy quản lý đơn giản, chưa chú trọng phát huy năng lực vận tải hành khách của HTX, giữa các xã viên quan hệ lỏng lẻo, dẫn đến chưa tạo hiệu quả kinh doanh. Thực chất việc chuyển đổi vẫn chưa đạt được yêu cầu theo Luật HTX. “Các hộ cá thể vào HTX chỉ là muốn được hỗ trợ tham gia kinh doanh vận tải tuyến cố định, taxi. Luật HTX quy định thành viên góp vốn không quá 20%. Để tăng tính gắn bó giữa các xã viên, khi vào HTX cần có người đứng đầu đủ năng lực, phải có lượng vốn nhiều hơn để tập hợp xã viên. Vì vậy, không nên hạn chế tỷ lệ góp vốn, cần nâng mức góp vốn của xã viên lên 30-40% để đủ sức cạnh tranh với DN”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Đoàn Công Hiếu, Giám đốc HTX Vận tải đường bộ TP Cần Thơ cho rằng, việc quy định giám đốc HTX phải ký hợp đồng làm việc với lái xe là chưa hợp lý vì các chủ xe tham gia HTX thường trực tiếp là lái xe. Trường hợp thuê lái xe thì chủ phương tiện là chủ sở hữu là người trả lương và ký hợp đồng làm việc. Bên cạnh đó, khi HTX đăng ký kinh doanh vận tải bị từ chối vì trên giấy đăng ký kinh doanh ghi chủ sở hữu là DN. “Công tác quản lý thuế theo Thông tư 92 của Bộ Tài chính mỗi địa phương lại có cách hiểu khác nhau, hộ thành viên nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn nên doanh thu tính thuế được tính trên doanh thu khoán và doanh thu hóa đơn. Nhiều hộ thành viên xin ra khỏi HTX chuyển sang nơi khác hoạt động, tránh nộp thuế khoán, dẫn đến nguy cơ tan rã HTX”, ông Hiếu nói.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì hội nghị |
Nhân rộng mô hình HTX tốt
Tại hội nghị, một điểm sáng chuyển đổi hoạt động kinh doanh vận tải theo mô hình theo Luật HTX hiệu quả được Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và đại diện các Sở GTVT nhiều lần nhắc đến đó là mô hình HTX GTVT Toàn Cầu với phương thức tổ chức theo mô hình HTX điện tử. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc điều hành HTX này cho biết, HTX Toàn Cầu hoạt động theo mô hình áp dụng công nghệ thông tin. Thành lập năm 2016, ban đầu HTX chỉ có hơn 100 xe với dưới 10 thành viên. Sau khi đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tạo nhiều lợi ích cho cổ đông nên đã kêu gọi được 1.000 thành viên tham gia góp vốn. “Các thành viên của HTX Toàn Cầu đa dạng từ công ty cổ phần, công ty TNHH, cá nhân góp vốn. Các xã viên phải đưa phương tiện và giao cho HTX làm chủ thể kinh doanh. HTX phải quản lý xe, tổ chức khai thác hàng, ký kết hợp đồng, thuê lái xe”, ông Tuấn chia sẻ.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, bản chất Luật HTX có nhiều ưu việt và đã được phổ biến, tuyên truyền nhưng đến nay việc tổ chức triển khai Luật HTX chưa đạt được kết quả như mong muốn, chưa đi vào cuộc sống nên hiệu quả chưa cao. “Những đơn vị nào nghiên cứu sâu, tổ chức chuyển đổi vận dụng luật vào kinh doanh vận tải thì thực sự có hiệu quả. Đơn cử, như mô hình của HTX Toàn Cầu cần được nhân rộng và đánh giá sâu hơn. Chúng ta có đào sâu, nghiên cứu, phát triển mô hình này là phù hợp với điều kiện hiện nay”, Thứ trưởng gợi ý.
Theo Thứ trưởng Thọ, Luật HTX đã ghi rõ, khi chuyển đổi mô hình, phát triển đến trình độ nào đó thì có thể HTX trở thành DN và do cơ chế thị trường điều tiết. Khi triển khai luật này, Chính phủ đã có hàng loạt cơ chế, chính sách, nhưng việc thực hiện chính sách này chưa đi vào cuộc sống, dẫn đến cơ quan quản lý mất lòng tin vì thấy rằng mô hình này hiệu quả chưa cao như trong việc giúp HTX tiếp cận nguồn vốn đầu tư, thuê đất, giao đất, đào tạo nguồn nhân lực.
“Thế mạnh của mô hình HTX khi áp dụng vào lĩnh vực vận tải chưa được phân tích đánh giá, nhiều khi vẫn làm theo phong trào, việc tuyên truyền, nhận thức, vận dụng pháp luật còn yếu. Các mô hình tốt chưa được nhân rộng. Tới đây, cần có hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ dịch vụ định hướng các HTX”, Thứ trưởng Thọ nói và yêu cầu cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tổng kết lại việc thực hiện Luật HTX thời gian qua theo từng lĩnh vực, đặc thù của ngành.
Đề cập đến vai trò của các địa phương, Thứ trưởng Thọ chỉ đạo các Sở GTVT phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện để phát huy thế mạnh của địa phương. “Tôi đã đi một số tỉnh, thấy rằng cơ chế chính sách hỗ trợ DN hầu như không có. Đây là lĩnh vực có tác động lớn, vì vậy các Sở GTVT cần chủ động tham mưu chuẩn về cơ chế chính sách, đem lại hiệu quả hoạt động cho HTX”, Thứ trưởng Thọ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận