Cần coi buýt học đường như giải pháp thiết yếu cho giao thông đô thị
Theo số liệu do Bộ GD&ĐT công bố, tổng số học sinh, sinh viên cả nước hiện nay là khoảng 22,21 triệu trong đó có: 4,42 triệu trẻ em mầm non; 15,08 triệu học sinh phổ thông; 0,35 triệu học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 2,36 triệu sinh viên đại học, cao đẳng. Dân số đô thị đang chiếm 35,7% hiện nay và khoảng 40% vào năm 2020, thì số lượng học sinh, sinh viên đang chiếm một phần rất lớn trong cơ cấu dân số đô thị.
Thực tế ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các đô thị khác cho thấy, số lượng chuyến đi mà cư dân đô thị thực hiện hàng ngày với mục đích đưa đón con đi học đang chiếm tỉ lệ đáng kể.
Mỗi học sinh phổ thông sẽ làm phát sinh ít nhất 2 chuyến đi mỗi ngày (gồm đi học, đi học thêm, ngoại khoá...) và chủ yếu được thực hiện bằng phương tiện cá nhân (xe máy). Ở độ tuổi lớn hơn như trung học phổ thông, có rất nhiều học sinh thực hiện các chuyến đi bằng xe đạp điện và xe máy (không hợp pháp), đặc biệt việc học sinh phổ thông trung học sử dụng xe đạp điện đã không chỉ huỷ hoại thói quen tham gia giao thông văn minh (do chưa được học luật giao thông/ sử dụng xe đạp điện không đòi hỏi điều này) mà còn là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn dẫn đến thương vong cho học sinh.
Những thói quen tham gia giao thông không văn minh của bố mẹ cũng đã nhiễm vào các thế hệ tương lai khi hàng ngày cùng tham gia giao thông với bố mẹ bằng phương tiện cá nhân.
Chi phí xã hội, bao gồm chi phí trực tiếp cho chuyến đi, thời gian bố/mẹ phải dành để thực hiện các chuyến đi, khói bụi và ô nhiễm môi trường phát sinh từ các chuyến đi, áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông,...đã ở mức cần phải quan tâm để có giải pháp phù hợp, hiệu quả với nhu cầu giao thông học đường của học sinh.
Ở các đô thị lớn, các trường quốc tế và trường dân lập đã triển khai hiệu quả các hoạt động đưa đón học sinh bằng xe buýt, việc sử dụng phương tiện công cộng để đến trường và về nhà không chỉ an toàn hơn, mà còn tạo ra các thói quen tốt trong việc sử dụng phương tiện công cộng và chia sẻ. Hạn chế khá lớn hiện tại là giá thành khá cao do phải sử dụng xe nhỏ và chịu nhiều loại thuế, phí như các hoạt động vận chuyển thương mại khác.
Việc xây dựng và phát triển xe buýt trường học cần phải được nghiên cứu nghiêm túc và phát triển, xây dựng chính sách để triển khai sớm, như một giải pháp thiết yếu cho giao thông đô thị.
Cần chính sách và hành động phù hợp, thu hút sự quan tâm của xã hội
1. Nghiên cứu và đánh giá nhu cầu giao thông trường học
Cần tổ chức nghiên cứu và đánh giá nhu cầu giao thông của học sinh. Đặc thù tổ chức của ngành giáo dục và các phương tiện công nghệ hiện nay có thể giúp chúng ta có thể thực hiện việc đánh giá tổng thể về nhu cầu giao thông học đường khá nhanh và hiệu quả. Việc nghiên cứu, đánh giá cần thực hiện độc lập, nghiêm túc, để có thể đánh giá được:
(1) Số lượng chuyến đi trung bình thực tế;
(2) Chi phí trung bình cho giao thông học đường;
(3) Các thành tố cho phép hoặc hạn chế triển khai giao thông học đường;
(4) Khả năng chi trả của dân cư cho giao thông học đường;
2. Những giải pháp có thể cân nhắc để phát triển xe buýt trường học
Triển khai xe buýt trường học sẽ cần có sự đồng bộ về chính sách và giải pháp, bao gồm các chính sách phù hợp về phương tiện, về kinh doanh... nhằm có thể huy động nguồn lực xã hội để phát triển loại hình giao thông công cộng này.
Các giải pháp được kiến nghị bao gồm:
-Ưu đãi phát triển phương tiện giao thông cho học đường
Chi phí cho phương tiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí tổ chức giao thông học đường. Các phương tiện đưa đón học sinh hiện nay đều phải mua sắm với mức thuế tương tự các phương tiện vận chuyển thương mại thông thường. Việc giảm chi phí mua sắm phương tiện sẽ làm giảm đáng kể chi phí dịch vụ, tạo sự hấp dẫn cho việc đầu tư.
- Có một chính sách riêng cho việc phát triển buýt học đường, các phương tiện này cần có quy định riêng về màu sơn, kết cấu...để có thể dễ dàng nhận biết. Với các phương tiện như vậy, căn cứ vào chủ trương phát triển vận tải công cộng và ưu đãi cho giáo dục, nhà nước có chính sách riêng, miễn các loại thuế để có thể giảm chi phí.
3. Xây dựng chính sách phát triển xe buýt học đường
Nên xây dựng những chính sách riêng để phát triển xe buýt học đường, thu hút nguồn đầu tư từ xã hội vào việc cung cấp dịch vụ. Giải pháp được đề xuất bao gồm:
Có chính sách miễn, giảm thuế cho hoạt động kinh doanh xe buýt học đường, những ưu đãi cho loại hình này cần tốt hơn ưu đãi cho vận chuyển hành khách công cộng ở đô thị. Nhà nước nên cân nhắc chính sách trợ giá hoặc cho vay ưu đãi từ các nguồn quỹ phát triển giao thông công cộng để hỗ trợ khu vực tư nhân triển khai dịch vụ.
Cho phép xã hội đầu tư vào xe buýt học đường. Cụ thể là xây dựng thể chế, cho phép phụ huynh tham gia đầu tư vào phát triển xe buýt học đường bằng các hình thức phù hợp.
Coi đây là phương tiện ưu tiên khi tham gia giao thông. Ở rất nhiều quốc gia, xe buýt chở học sinh được ưu tiên tương đương với xe cảnh sát, cứu hộ và cứu thương...
Xây dựng các tiêu chuẩn đặc thù cho xe buýt trường học như quy chuẩn về loại xe, tuổi xe, trang bị; quy chuẩn về hiểu biết, sức khoẻ và đạo đức của lái xe và của người giám sát; quy định về nghĩa vụ của bố mẹ và nhà trường…
Thiết nghĩ, để phát triển xe buýt học đường sẽ cần có chính sách và kế hoạch phát triển đồng bộ, hợp lý và đúng thời điểm.
Chính phủ cần có một chính sách và kế hoạch hành động phù hợp để có thể đạt được những hiệu quả cụ thể ngay từ đầu, từng bước thay đổi tổ chức giao thông đô thị, đảm bảo an toàn đi lại cho học sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận