Chủ tịch HĐQT Quách Bá Vương (thứ tư từ phải sang) thăm và kiểm tra dự án cầu Nhật Lệ 2 do Công ty CP Cầu 12 thi công. |
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Cầu 12 đã để lại nhiều dấu ấn tại các công trình giao thông trên khắp vùng miền Tổ quốc, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông đất nước theo hướng hiện đại. Kế thừa truyền thống, với niềm tự hào to lớn là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành GTVT vinh dự được Đảng, Nhà nước 3 lần trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng
vũ trang nhân dân, Công ty CP Cầu 12 sẽ nỗ lực duy trì sự ổn định, giữ gìn và phát huy truyền thống, uy tín thương hiệu mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên đã dày công gây dựng để phát triển lên tầm cao mới.
Truyền thống hào hùng
Cách đây vừa tròn 65 năm, ngày 17/8/1952, bên bờ Suối Rút (Mai Châu, Hòa Bình), Đội Chủ lực Cầu 2 (tiền thân của Công ty CP Cầu 12) chính thức được thành lập với chỉ vỏn vẹn 45 cán bộ, công nhân. Ra đời trong bối cảnh đất nước còn gặp vô vàn khó khăn, điều kiện làm việc thiếu thốn trăm bề, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, đơn vị đã từng bước vượt qua mọi gian nan, thách thức, tham gia thi công nhiều công trình giao thông thuộc địa bàn hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Ngay những ngày đầu thành lập, Đội Chủ lực Cầu 2 đã vinh dự được giao nhiệm vụ xây dựng và sửa chữa các cầu cống góp phần phục vụ bộ đội ta trong các chiến dịch Tây Bắc. Để kịp thời đảm bảo giao thông thông suốt, đơn vị đã sửa chữa và làm mới hàng chục cây cầu lớn nhỏ các loại. Mặc cho giặc điên cuồng ném bom, cán bộ công nhân Đội Chủ lực Cầu 2 vẫn ngày đêm kiên cường bám cầu, bám đường. Trong giai đoạn 1952 - 1955, Đội Chủ lực Cầu 2 đã tham gia xây dựng, sửa chữa nhiều công trình như: Cầu Km 114 (Sơn La), cầu Km 118 (Sơn La), cầu Phủ Lạng Thương (Hà Bắc), cầu Km94 (Hòa Bình), cầu Nà Sẳn (Hòa Bình), đường phà Chợ Bến (Hòa Bình)... Đến năm 1956, Đội Chủ lực Cầu 2 được đổi tên thành Đội Cầu 2, địa bàn hoạt động tiếp tục được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác. Thời kỳ 1956 - 1963, Đội Cầu 2 tham gia thi công các công trình như: Cầu Khánh Khê (Lạng Sơn), cầu Gia Bảy (Thái Nguyên), cầu Khe Nắc (Thanh Hóa), cầu Sông Hiến (Cao Bằng), cầu Đoan Vĩ (Hà Nam), cầu Việt Trì (Vĩnh Phú), cầu Vũ Di (Vĩnh Phú), cầu Đa Phúc (Hà Nội), cầu Phủ Lỗ (Hà Nội), cầu Lục Điền (Hưng Yên),…
Năm 1964, giặc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, điên cuồng ném bom vào mạng lưới GTVT hòng phá hoại và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Thực hiện lời thề “Sống bám cầu bám đường - Chết kiên cường dũng cảm”, cán bộ công nhân Đội Cầu 2, lúc này đổi tên thành Xí nghiệp Cầu 2 là những chiến sỹ tự vệ “Sao vuông” đã dũng cảm lập nên nhiều chiến công vang dội ở cầu Hàm Rồng, Đò Lèn, Đoan Vỹ, Long Biên, cầu Đuống, Việt Trì, Gốc Thông, Yên Lập... Địch đánh sập cầu chính, ngay lập tức có cầu phao, cầu dây cáp, cầu ngầm, phà... để vượt sông cả đêm lẫn ngày kịp thời giải phóng các đoàn xe chở hàng hóa, vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường.
Giai đoạn 1964 - 1975, Xí nghiệp Cầu 2 (đổi tên thành Xí nghiệp Cầu 12 từ năm 1972) đã tham gia xây dựng, sửa chữa, làm mới gần 50 cây cầu lớn nhỏ ở các tỉnh thành phía Bắc, gồm: Cầu Rào, cầu Niệm, cầu Dế (Hải Phòng), cầu Cọi Khê, cầu Nguyễn, cầu Cống Vực, cầu Bo, cầu Kìm, cầu Vật (Thái Bình), cầu Trại Cau (Thái Nguyên), cầu Uông Bí, cầu Đá Trắng, cầu Gốc Thông, cầu Cầm, cầu Tràng Bạch, cầu Mạo Khê, cầu Dốc Đỏ, cầu Trại Long, cầu Sông Ky, cầu Đạm Thủy, cầu Cao, cầu Yên Lập, cầu Sông Sinh (Quảng Ninh), cầu Tào, cầu Đò Lèn, cầu Thịnh Kỳ (Thanh Hóa), cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Gián Khuất, cầu Yên (Ninh Bình), cầu Sông Hiến (Cao Bằng), cầu Bái Thủy (Yên Bái), cầu Thiên (Hải Dương),…
Sau ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, Xí nghiệp Cầu 12 lên đường vào Quảng Bình, mảnh đất còn đầy vết tích bom đạn để xây dựng các cầu Lệ Kỳ, Chánh Hòa, Minh Lệ, Ngân Sơn và Long Đại góp phần khôi phục tuyến đường sắt Thống nhất. Hơn một nghìn công nhân lao động của Xí nghiệp Cầu 12 không quản ngày đêm, vượt qua nhiều gian khổ và hoàn thành các công trình đúng tiến độ. Với những kinh nghiệm thi công các cầu trên tuyến đường sắt Thống nhất, Xí nghiệp Cầu 12 đã được giao nhiệm vụ xây dựng cầu dầm thép Phố Lu - Lào Cai, tại đây lần đầu tiên bản mặt cầu bê tông cốt thép liên hợp dùng chung cho đường sắt và đường bộ được thực hiện thành công.
Đến năm 1983, Xí nghiệp Cầu 12 được giao nhiệm vụ là một trong những đơn vị chủ lực xây dựng cầu Chương Dương. Trên công trình này, Xí nghiệp đã đóng 24.000m cọc thép loại lớn bằng cách phối hợp các loại giá búa một cách sáng tạo và lắp 5 nhịp dầm thép nhịp chính bằng cách cóp nhặt, chế sửa. Sau hơn 20 tháng thi công, cầu Chương Dương - biểu tượng về tinh thần tự lực, tự cường của ngành GTVT và của dân tộc ta đã hoàn thành, thông xe ngày 30/6/1985. Thợ Cầu 12 tự hào đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc giải phóng ách tắc giao thông phía Bắc Hà Nội, làm gần lại Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong những năm tháng trước thềm đất nước đổi mới. Với những thành tích xuất sắc đó, năm 1985, nhân kỷ niệm 33 năm ngày thành lập, CBCNV Xí nghiệp Cầu 12 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động.
Những phần thưởng cao quý. |
Đổi mới để phát triển
Bước vào thời kỳ đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện (năm 1986), vốn đầu tư cho ngành GTVT ngày một tăng, hàng loạt dự án giao thông do nước ngoài viện trợ được ký kết. Xí nghiệp Cầu 12 (đổi tên thành Công ty Cầu 12 năm 1993) đã mở rộng quan hệ hợp tác và tiếp nhận nhiều công nghệ thi công tiên tiến, thiết bị hiện đại trong lĩnh vực thi công cầu của nước ngoài. Năm 1993, Công ty Cầu 12 được giao nhiệm vụ xây dựng cầu Phú Lương (Hải Dương) bắc qua sông Thái Bình. Trên công trình này, công ty tiếp nhận công nghệ mới do hãng VSL Thụy Sỹ chuyển giao. Đó là, công nghệ đúc hẫng đối xứng bằng xe treo dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục có khẩu độ 102m là nhịp dài nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm đó. Sau 3 năm thi công, cầu Phú Lương thông xe đã mở ra thời kỳ mới cho ngành xây dựng cầu Việt Nam, đủ sức thi công các cây cầu lớn trên khắp đất nước bằng công nghệ đúc hẫng tiên tiến và cho thấy người thợ cầu Việt Nam nói chung và người thợ Cầu 12 nói riêng đủ sức tiếp thu và phát triển những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất của thế giới vào thi công công trình giao thông ở Việt Nam.
Bên cạnh việc xây dựng những công trình trong nước, nằm trong Liên doanh 18 thắng thầu quốc tế dự án nâng cấp QL13 Bắc Lào, năm 1992, cán bộ công nhân Công ty Cầu 12 xuất quân sang Lào, một thị trường hoàn toàn mới mẻ để xây dựng hoàn thành 7 cầu của dự án này. Dự án nối tiếp dự án, bằng uy tín của mình, Công ty tiếp tục thắng thầu thi công nhiều dự án cầu khác tại Trung và Nam Lào. Với những thành tích xuất sắc trong giai đoạn từ năm 1985 đến 1996, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (17/8/2017), một lần nữa, Công ty Cầu 12 vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ 2.
Cuối năm 2000, trước bức xúc về sự ùn tắc giao thông lên cầu Chương Dương (Hà Nội), Bộ GTVT có chủ trương xây dựng nút giao khác mức là nút giao lập thể đầu tiên ở Việt Nam và Công ty Cầu 12 đã thắng thầu thi công công trình này. Chỉ trong vòng 105 ngày đêm lao động khẩn trương, với tính tổ chức cao, thiết bị hiện đại và đội ngũ công nhân lành nghề, Công ty Cầu 12 đã hoàn thành trước tiến độ 45 ngày thiết thực chào mừng thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX.
Tiếp nối nút giao thông Nam Chương Dương, Công ty Cầu 12 được “chọn mặt gửi vàng” thi công 2 công trình cầu vượt của nút giao thông Ngã Tư Vọng và nút giao Mai Dịch - Hà Nội. Công ty đã áp dụng bộ đà giáo di động để rút ngắn tiến độ đúc dầm. Đây là công nghệ mới, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Công ty Cầu 12 đảm nhiệm thi công hàng loạt công trình khác với quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao như: Cầu Thanh Trì - cầu bê tông cốt thép quy mô lớn nhất Đông Nam Á; cầu vượt đầm Thị Nại (Bình Định) - Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, cầu Mỹ Thuận - cầu dây văng đầu tiên thi công trụ tháp cao 120m bằng công nghệ đà giáo trượt,… Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tháng 9/2007, Công ty Cầu 12 chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Công ty CP Cầu 12. Kế thừa truyền thống và lịch sử hào hùng, Công ty CP Cầu 12 không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý và sức cạnh tranh để tiếp tục duy trì sự ổn định, phát triển và lập nên những thành công mới. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm mang tính hiện đại trên khắp vùng miền Tổ quốc, dưới bàn tay, khối óc của những người thợ Cầu 12 đã hoàn thành và đưa vào khai thác trong giai đoạn này như: Cầu Vĩnh Tuy, cầu Sông Hàn, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Hang Tôm,…
Những năm gần đây, thị trường xây lắp giao thông có sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ, song mọi hoạt động của Công ty CP Cầu 12 vẫn giữ được ổn định, đời sống và các chế độ của cán bộ, người lao động được đảm bảo. Công ty luôn là đơn vị tiên phong đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, thắng thầu và xây dựng nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, kỹ thuật cao trong phạm vi cả nước và ở nước ngoài. Hiện nay, Công ty CP Cầu 12 đang đảm nhiệm thi công nhiều dự án lớn như: Cầu Bạch Đằng, cầu Nhật Lệ 2, cầu Sông Rút, cầu Vàm Cống, cầu Cẩm Hải,…
Thời gian tới, để phát triển và giữ vững thương hiệu trong lĩnh vực xây lắp giao thông, Công ty CP Cầu 12 sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp phù hợp với điều kiện tình hình mới, đáp ứng nhu cầu của các cổ đông, trong đó xác định rõ định hướng phát triển, lấy giá trị cốt lõi của doanh nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Về mục tiêu cụ thể, Ban lãnh đạo công ty sẽ xây dựng Công ty CP Cầu 12 trở thành một trong những nhà thầu thi công hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực xây lắp giao thông, có tính chuyên nghiệp cao, hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến, tiếp cận thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam; Vững mạnh về tổ chức, phát huy cao độ mọi nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; Nâng cao trình độ chuyên nghiệp quản lý tài chính, quản lý kinh doanh và chất lượng phục vụ. Đối với nguồn nhân lực, Công ty sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư chuyên ngành đạt trình độ quốc tế cả về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, hiện đại hóa công tác thi công thông qua việc tăng năng lực máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận