Những loại giấy tờ cần có
Theo đó, người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận.
Ngoài ra, phải có văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam của Bộ Công an cấp.
Đối với phương tiện cơ giới nước ngoài, Nghị định số 30/2024 quy định cần có giấy đăng ký xe và gắn biển số xe; có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô).
Với xe ô tô có tay lái ở bên phải, Nghị định nêu rõ xe phải có công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam gửi Bộ Công an đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam.
Đồng thời, phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh.
"Thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 45 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày", Bộ Công an thông tin.
Điều kiện đối với tài xế
Nghị định số 30/2024 còn quy định, điều kiện đối với người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài là người nước ngoài phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam (trừ trường hợp được miễn thị thực).
Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng. Còn trường hợp sử dụng thị thực điện tử phải nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.
Để lái xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam, tài xế cần có giấy phép lái xe do nước ngoài cấp phù hợp với loại xe điều khiển và còn hiệu lực; phải làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài theo quy định.
Đáng chú ý, Bộ Công an có trách nhiệm chấp thuận cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính giải quyết các thủ tục tạm nhập, tái xuất đối với phương tiện cơ giới nước ngoài đó. Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý, theo dõi, kiểm tra việc tham gia giao thông tại Việt Nam của phương tiện này.
Trong một số trường hợp đặc biệt, Nghị định số 30/2024 nêu, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và an ninh quốc gia, Bộ Công an quyết định việc từ chối, đình chỉ hoạt động hoặc yêu cầu thay đổi thời gian, tuyến đường, tốc độ phù hợp đối với phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam để du lịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận