Hơn chục năm đã trôi qua, căn "bệnh lạ" đã được chữa khỏi, liều thuốc của thời gian đã giúp người dân làng Rêu nơi đây dần nguôi ngoai.
Cuộc "cách mạng"
Những ngày cuối tháng 11, trên con đường bê tông kiên cố dẫn từ quốc lộ 24 về làng Rêu (xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), hai bên đường những hàng cau, những ruộng bậc thang xanh tốt. Làng Rêu hiện ra bình yên, mới lạ với những dãy nhà xây kiên cố, hiện đại bên núi Dốc Cọp.
Anh Phạm Văn Đếch, cán bộ văn hóa xã Ba Điền đưa chúng tôi dạo bước trên cầu treo Nước Nẻ, cây cầu được xây dựng hơn 7 năm trước.
Anh Đếch cho biết, cây cầu treo đã xóa đi cảnh chia cắt vào mùa mưa lũ. Đó là món quà mà các cấp chính quyền dành tặng cho gần 300 con người của làng Rêu sau tai ương bệnh tật.
"Cây cầu hoàn thành như một sợi dây kéo làng Rêu với trung tâm xã gần hơn. Mọi giao thương, đi lại và vận chuyển người ốm đau đến cơ sở y tế cũng thuận lợi hơn, người dân không còn phải dùng võng cõng người bệnh như trước", anh Đếch phấn khởi.
Chỉ tay về phía từng cụm nhà mới được xây dựng còn thơm mùi sơn, anh Đếch bảo, làng Rêu đã hồi sinh khi đường sá đã được bê tông hóa, dự án cấp nước sạch được đưa vào vận hành, điện sáng từ nhà ra ngõ.
Được hỗ trợ cây con giống, vốn liếng làm ăn cũng như các đợt thăm hỏi, động viên của lãnh đạo các cấp trong những năm qua đã giúp bà con vượt qua bệnh tật, nỗi sợ hãi.
"Vui mừng nhất là thế hệ trẻ của làng lớn lên khỏe mạnh, được học hành, tiếp cận được cái mới, đã cùng cha ông thay đổi nếp nghĩ, cách làm", anh Đếch tâm sự.
Kể về những đổi thay, anh Đếch cho hay, dẫu nhỏ thôi nhưng đó là cả một cuộc "cách mạng" giữa lớp thế hệ trẻ và thế hệ cũ.
Đơn cử như ngày trước, người dân có tập tục nhốt gia cầm dưới nhà sàn, cạnh bên là chuồng trâu, bò nên nước thải từ đó chảy ra quanh nhà gây ô nhiễm. Nhưng nay, người dân đã dời chuồng trại ra xa nhà, quanh vườn trồng hoa màu.
Thêm nữa, nông sản người dân làm ra không còn "cất tươi" nữa mà phơi khô và bảo quản kỹ lưỡng.
Người dân cũng dần bỏ tập tục ăn gạo ủ có nguy cơ nấm mốc như trước và chuyển sang dùng gạo trắng. Lúc ốm đau thì đến trạm y tế khám bệnh chứ không còn giết gà, mổ trâu cúng…
Vượt qua ký ức buồn
Làng Rêu có 103 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Hrê sinh sống đang từng ngày phát triển.
Nhưng ít ai biết rằng, hơn 11 năm trước, những tháng cuối năm 2011 đầu năm 2012, không khí tang tóc và nỗi sợ bao trùm, biến 264 con người khỏe mạnh trở nên gầy yếu. Căn bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ấy đã cướp đi 24 người dân của làng.
Cũng từng mang trong mình căn bệnh lạ quái ác và ngậm ngùi tiễn đưa người vợ thân yêu cùng con trai duy nhất, chàng thanh niên Đinh Văn Đếch ngày đó thất thiểu như muốn buông bỏ cuộc đời.
Thời điểm đó, cơ thể vợ con anh Đếch cũng như nhiều người dân làng tự nhiên gầy yếu, mệt mỏi. Rồi hàng loạt triệu chứng mờ mắt, nôn ói, hư thai, đỏ mắt, rụng tóc, đau đầu, đau bụng, chân tay viêm da dày sừng… xuất hiện.
Số người chết vì căn bệnh lạ trong thôn cứ tăng dần, khiến cả làng hoang mang lo sợ. Dân làng ra sức cúng "trừ" bệnh lạ.
Nhà nào có người mắc bệnh thì dùng cây tre làm rào chắn và cắm cây ổi ở giữa để cấm người lạ. Làng cắt cử người nằm võng quanh đó canh chừng. Nhà nào có người tử vong, dân làng cũng không dám đến đưa tang...
Sau khi căn bệnh lây lan nhanh, đã có hàng chục đoàn chuyên gia y tế của địa phương, của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới về khảo sát, thu thập thông tin, lấy mẫu nước, đất, thực phẩm, máu, tóc của người bệnh... đưa đi xét nghiệm.
Các kết luận khoa học cho biết một trong những nguyên nhân chính gây bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân là do độc tố vi nấm, chủ yếu là aflatoxin (có trong gạo cũ mốc), người ăn gạo cũ mốc mà cơ địa bị thiếu vi chất sẽ mắc bệnh.
Từ kết quả này, ngành y tế đã khuyến cáo người dân không ăn gạo cũ, tăng cường vệ sinh môi trường, giữ cơ thể sạch sẽ và khi mắc bệnh phải điều trị theo phác đồ của ngành y tế. Từ đó, bệnh tật lui dần, làng Rêu trở lại bình yên.
Thời gian qua đi, anh Đếch dần vượt qua nỗi nghiệt ngã của số phận. Đến giờ, anh lập gia đình mới với một cô giáo mầm non ở địa phương.
Cách nhà anh Đếch vài căn là nhà chị Đinh Thị Ửi, người phụ nữ cũng từng mất người thân vì căn bệnh quái ác. Chị Ửi bảo, ngày đó cả làng tiêu điều.
Nhà nào có người bị bệnh hoặc chết thì mổ trâu, giết gà cúng tế "ma rừng" mong tai qua nạn khỏi, vì ai cũng nghĩ bệnh này do "ma rừng" gây ra. Nhưng bệnh tật cứ bủa vây, ngay cả thầy cúng cũng mắc bệnh rồi bỏ làng đi nên người làng hoang mang tột cùng.
"Qua tuyên truyền của cán bộ, người làng Rêu đã hiểu chẳng có "con ma" nào làm bệnh cả. Giờ bà con trong làng ăn chín uống sôi nên bệnh tật không còn", chị Ửi tâm sự.
Vươn lên xây cuộc sống mới
Bệnh tật qua đi, làng Rêu đang thay da đổi thịt từng ngày. Vừa xây xong căn nhà mới hai tầng khang trang giữa làng, anh Phạm Văn Nay nói rằng, đó là thành quả lao động của hai vợ chồng nhiều năm qua để chiến thắng bệnh tật.
Anh Nay vui mừng cho biết, sau khi căn bệnh được đẩy lùi và chính quyền hỗ trợ, bản thân anh cùng người làng bắt tay vào làm ăn để quên đi ngày cũ.
"Tôi may mắn nhận được hỗ trợ từ Nhà nước và tự lực cánh sinh, dành dụm tiền nên mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Khi cuộc sống ổn định, tôi sẽ giúp đỡ người làng cùng vươn lên", anh Nay nói.
Từng mang trong mình căn bệnh khiến bà Phạm Thị Xao (67 tuổi) như gục ngã, nhưng sau khi được ngành y tế chữa trị, đến giờ dù sức khỏe không còn tốt như trước nhưng bà Xao tâm sự, có được như hôm nay đã là mừng lắm rồi.
"Tôi giờ sức khỏe yếu đi nhưng còn sống là còn vui, còn được nhìn thấy quê hương đổi thay. Bệnh tật cũng không còn, bà con đã xây dựng làng ngày càng phát triển. Tôi ở nhà giữ cháu nội và cháu ngoại để các con lên rẫy trồng rừng, tỉa bắp.
Nhờ cán bộ quan tâm mà gia đình tôi có của ăn của để, các cháu tôi được đến trường", bà Xao vui vẻ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận