Thất thần chứng kiến cả mái nhà đổ sập vào đầu
Sáng nay (14/5), chia sẻ với PV Báo Giao thông trong tình trạng toàn thân đau nhức, anh N.H (quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn còn nguyên nỗi khiếp sợ khi nhớ lại thời điểm nằm dưới mái tôn bị giông lốc hất từ mái một ngôi nhà xuống đường Yên Phụ.
Anh N.H kể: "Khoảng 17h30 chiều 13/5, tôi lưu thông trên đê Yên Phụ lớn trong trạng thái giao thông đông đúc. Qua đoạn Tân Ấp (quận Ba Đình), gần đối diện toà nhà Hanoi Aqua Center, hướng di chuyển về cầu vượt An Dương, trời bắt đầu nổi gió mạnh, tôi và nhiều người nhận thấy mái tôn toà nhà màu trắng trong ảnh bắt đầu bị tốc mái. Mái tôn nhanh chóng bay liệng rồi rơi thẳng xuống đê, một đầu kê lên đê, một đầu kê lên mặt đường".
“Chưa kịp định thần, trong tích tắc, tôi bị mái tôn đè lên, dù đã hạn chế tốc độ khi nhận thấy nguy hiểm trước mắt, người và xe đổ chúi về bên trái. Tôi lộn xuống tiếp đất bằng lưng và giơ chân chống mái tôn trong hoảng loạn. Một cảm giác như cả một ngôi nhà đổ sập trên đầu mình”, anh N.H nói và cho biết, ngoài anh còn có 2 - 3 người nữa bị đè lên. Tai họa ập đến bất ngờ khiến ai cũng hoảng loạn.
“Mọi người đi đường vội vã gọi nhau nâng mái tôn để cứu người với những tiếng hỏi thất thanh “Còn ai ở dưới không?”. Mình là người cuối cùng ra khỏi tấm tôn. Nhìn những chiếc mũ bảo hiểm vỡ nát tại hiện trường, ai cũng “thót tim” nhưng may thay, tất cả mọi người đều chỉ bị tổn thương mô mềm, không ai bị thương nặng”, anh N.H nói.
Cập nhật về tình hình sức khỏe hiện tại, anh H. cho biết, hiện bản thân bị đau phần mềm và phần cột sống do tiếp đất bằng lưng và đang cần theo dõi thêm.
Anh N.H cũng thể hiện sự bức xúc khi một mái tôn lớn trên nhà cao tầng tưởng chừng sẽ được thi công, lắp đặt chắc chắn nhưng chỉ với một cơn giông ngày mưa đã bị bật tung, đe dọa đến tính mạng của mọi người.
Chủ nhà có bị truy cứu trách nhiệm?
Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người đặt câu hỏi: Trường hợp mái tôn rơi xuống đường gây tổn hại vật chất và sức khỏe cho người đi đường thì người bị hại có được đòi quyền lợi từ phía chủ nhà?
Giải đáp vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.
Điều 605 quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Đối chiếu trường hợp mưa gió khiến tấm tôn rơi ra gây thiệt hại như trường hợp trên, không thể xem việc mưa to, gió lớn là sự kiện bất khả kháng. Bất khả kháng là hiện tượng khách quan không thể lường trước. Còn mưa to, gió lớn ở nước ta thì hầu như năm nào cũng có, hoàn toàn có thể dự liệu xảy ra. Vì vậy, chủ sở hữu nhà ở phải có dự liệu và biện pháp phòng chống. Nếu họ chưa làm hết trách nhiệm, gây thiệt hại, phải bồi thường theo luật định.
Luật Xây dựng cũng quy định nguyên tắc trong xây dựng là phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản.
Đối chiếu với quy định nói trên, chủ nhà hoàn toàn nhận thức được nếu tấm tôn không được chằng buộc, thi công cẩn thận, có thể rơi xuống trong điều kiện mưa bão hoặc gió mạnh, có thể gây thương tích cho người, gây hư hỏng, thiệt hại tài sản ở phía dưới. Nếu chủ nhà đã không áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để ngăn ngừa tai nạn thì chủ nhà có lỗi, có thể phải bồi thường thiệt hại.
“Như vậy, đối với sự việc mái tôn lớn đã rơi xuống đường Yên Phụ, nếu người tham gia giao thông bị xâm phạm, có thiệt hại thực tế về tài sản hoặc sức khỏe nguyên nhân trực tiếp do tấm tôn rơi xuống, có thể yêu cầu chủ nhà bồi thường theo quy định. Nếu chủ nhà từ chối hoặc không thỏa thuận được về việc bồi thường, có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại, căn cứ vào mức độ thiệt hại gồm tài sản, tính mạng, sức khỏe... được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Nếu chủ nhà chứng minh được thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, mới không phải bồi thường”, luật sự Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận