Mạch máu nối liền hậu phương với tiền tuyến
Trong các cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta ở thế kỷ XX, vận tải đóng vai trò quan trọng như mạch máu nối liền hậu phương với tiền tuyến.
Ở lĩnh vực đường bộ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), thành tựu nổi bật của ngành Giao thông công chính chủ yếu làm công tác vận tải hàng hóa, hành khách, vận chuyển lương thực, quân đội tham gia các chiến dịch tấn công giai đoạn 1945 - 1954, tiến tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Công tác vận tải từ hậu phương xa xôi và cả từ những vùng địch tạm chiếm ở Khu III lên đến Điện Biên Phủ đã diễn ra như một mặt trận thực sự. Với 26 vạn dân công cùng phương tiện thô sơ (21.000 xe đạp thồ, 628 xe ô tô, 2.600 thuyền các loại, hơn 1 vạn con ngựa thồ), vận tải đã mang đến chiến trường không chỉ là những binh sĩ ưu tú nhất mà còn là hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực.
Giai đoạn 1954 - 1964, đóng góp cùng ngành GTVT khôi phục hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, vận tải đường bộ đã đảm nhiệm từ 30 - 40% khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách cả nước với đội ngũ các xí nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa quốc doanh.
Nổi bật trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ những năm 1964 - 1975, ngành vận tải ô tô đã hình thành 5 công ty vận tải hỗn hợp với gần 1.300 xe phục vụ chủ yếu chiến trường miền Nam. Từ đó, làm nên dấu ấn lịch sử về con đường mòn Hồ Chí Minh cùng phong trào "Tất cả vì miền Nam thân yêu" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.
Ở lĩnh vực đường sắt, tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam được xây dựng vào năm 1881 với chiều dài 71km nối Sài Gòn với Mỹ Tho. Đến năm 1936, tuyến đường sắt xuyên Việt bắt đầu được khai thác.
Sau kháng chiến chống Pháp năm 1954, cùng với đường bộ, vận tải đường sắt phát huy vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và tiếp viện cho miền Nam chống phá hoại của Mỹ.
Năm 1965 khi đường sắt, đường bộ bị đánh phá ác liệt, đường thủy nội địa Việt Nam với hơn 9.000km mạng lưới vận tải miền Bắc đã phục vụ đắc lực cho công cuộc khôi phục và phát triển đường sắt, đường bộ, thủy lợi; vận chuyển vật tư hàng hóa, đặc biệt là các thiết bị siêu trường, siêu trọng; phục vụ cải tạo, sửa chữa và xây dựng các nhà máy lớn như: Dệt Nam Định, Xi măng Hải Phòng, Điện Uông Bí, Điện Việt Trì, Điện Thanh Hóa, Phân lân Lâm Thao, Gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Thác Bà…
Vận tải biển giai đoạn này tuy còn non trẻ song với việc thành lập Cục Vận tải đường biển (tiền thân của Cục Hàng hải Việt Nam) năm 1965, sự ra đời của ba đội tàu Tự Lực - Giải Phóng - Quyết Thắng và Công ty Vận tải biển Việt Nam (nay là Công ty CP Vận tải biển Việt Nam - Vosco) với trọng tải đội tàu đạt 48.000 tấn và trên 4.000 cán bộ, thuyền viên đã đảm bảo mạch máu giao thông đường biển thông suốt, vận tải hàng hóa phục vụ kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam và các tỉnh khu IV, từng bước ổn định công tác quản lý sản xuất.
Ở lĩnh vực hàng không, kể từ tháng 6/1945, sân bay quốc tế đầu tiên - sân Xếp hàng xuống tàu tham gia Chiến dịch VT5, vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam, tháng 11/1968 (Ảnh tư liệu) 17 bay Lũng Cò được xây dựng, chủ yếu phục vụ vận chuyển quân sự, góp phần vào thắng lợi chung của Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Năm 1954, với việc tiếp quản sân bay Gia Lâm đã trở thành dấu mốc mới cho việc xây dựng, phát triển không quân và hàng không dân dụng Việt Nam.
Năm 1956, Cục Hàng không dân dụng được thành lập, đến cuối năm 1959, số lượng máy bay của Cục chỉ có 10 chiếc nhưng đã thực hiện được 3.735 chuyến bay vận tải hành khách và hàng hóa trên các đường bay trong nước, thiết thực góp phần khôi phục nền kinh tế miền Bắc và công cuộc cách mạng chung của cả nước.
Xương sống phục hồi kinh tế sau chiến tranh
Sau Đại thắng Mùa xuân 1975, đất nước thống nhất tuy nhiên phương tiện vận tải đường bộ bị thiệt hại nặng nề, thiếu thốn và lạc hậu với chỉ gần 900 xe, máy và thiết bị các loại, trong đó chỉ hơn 50% là còn sử dụng được.
Thực hiện chủ trương tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) về tích cực mở mang GTVT, hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh của ngành đường bộ đã ra đời và giữ vững mô hình hoạt động đến năm 1986.
Cũng như đường bộ, sau hơn 30 năm gián đoạn do chiến tranh, một năm sau thống nhất đất nước, năm 1976 đường sắt Thống Nhất - đường sắt xuyên Việt mới hoạt động trở lại và trở thành biểu tượng của tinh thần, sức mạnh đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc.
Từ đây, vận tải đường sắt càng phát huy vai trò là vận tải xương sống, phục vụ cho phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Trong thời kỳ đầu sau khi giải phóng đất nước, bình quân mỗi năm ngành đường sắt vận chuyện 20 triệu lượt khách và 4 triệu tấn hàng hóa, chiếm 30 - 40% khối lượng vận tải của đất nước.
Cũng trong năm 1976, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Tổng cục Hàng không dân dụng có các đơn vị sản xuất và phục vụ sản xuất trực thuộc là Đoàn bay 919 hoạt động trên 11 sân bay với tổng số 42 chiếc máy bay các loại.
Tháng 8/1976, Chính phủ cho phép ngành hàng không dân dụng bán vé hành khách và cước hàng hóa, nhưng đối tượng được mua rất hạn chế, thủ tục chặt chẽ, phức tạp.
Từ năm 1976 - 1979, các chuyến bay trong nước vận chuyển hơn 1,16 triệu lượt hành khách, 8.624 tấn hàng hóa, bưu kiện. Tuyến bay nước ngoài vận chuyển được 40.000 lượt khách, 700 tấn hàng hóa.
Những năm 80, chính sách cấm vận của Mỹ gây khó khăn lớn cho sự phát triển kinh tế nói chung và hàng không dân dụng nói riêng. Để hàng không dân dụng Việt Nam nhanh chóng hòa nhập với hàng không dân dụng quốc tế, ngày 1/3/1980, Việt Nam tuyên bố gia nhập Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế ký tại Chicago. Bên cạnh thế hệ tàu bay do Liên Xô (YAK40, TU-134) chế tạo, năm 1983, hàng không Việt Nam đưa vào sử dụng thêm máy bay Boeing B-707.
Ở lĩnh vực vận tải biển, giai đoạn 1976 - 1980, toàn ngành đã vận chuyển trên 6,25 triệu tấn hàng hóa. Hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp như mở rộng cảng Hải Phòng, xây dựng cảng Vật Cách, Chùa Vẽ, mở rộng các cảng than, tiếp tục xây dựng cảng Bến Thủy, đưa công suất cảng Đà Nẵng lên gấp đôi.
Năm 1984, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Toàn ngành tập trung phát triển và trẻ hóa đội tàu, lấy hoạt động của đội tàu làm trọng tâm để từng bước đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Cùng với vận tải biển, vận tải đường thủy nội địa trong giai đoạn này dù gặp muôn vàn khó khăn, vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm nhận vận chuyển phần lớn nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị... phục vụ xây dựng các công trình trọng yếu của đất nước như: Cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, Thủy điện Hòa Bình, Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Bỉm Sơn, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An...
Trong những năm 80, ngành đường sông vẫn là ngành thực hiện khối lượng vận tải lớn trong toàn ngành GTVT, với tỷ trọng 38% về tấn thông qua và 40% về tấn luân chuyển trong tổng các phương thức vận tải, tốc độ tăng trưởng sản lượng có những năm đạt trên 10%.
Đột phá sau gần 50 năm thống nhất đất nước
Năm 1986, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng đã chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển GTVT. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) xác định: "GTVT là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng'' và "GTVT phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân''.
Trong 10 năm đầu quá trình đổi mới, do đất nước vẫn đang bị bao vây cấm vận, ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn nên các ngành vận tải kiên quyết thực hiện mục tiêu vận tải đối với các mặt hàng quan trọng trong nền kinh tế như than, phân bón, hàng xuất nhập khẩu; đồng thời phục vụ các nhu cầu đời sống xã hội như: Lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng lên miền núi.
Từ năm 1996 trở lại đây, cùng với chủ trương xã hội hóa lĩnh vực vận tải, với sự tham gia của các thành phần kinh tế, các dịch vụ vận tải đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Công tác quản lý hoạt động vận tải cũng đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng được hoàn thiện. Chưa bao giờ người dân lại đi lại dễ dàng và thuận tiện như hiện nay với nhiều tuyến vận tải đường bộ đi khắp nơi, với nhiều loại ô tô hiện đại, phục vụ nhiều tiện nghi như điều hòa, tivi…
Phương thức vận tải đường bộ vẫn được coi là xương sống, chiếm trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa và hơn 90% khối lượng vận chuyển hành khách của cả nước. Tính đến hết năm 2023, có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải với 946.000 phương tiện. Năm 2023, vận tải hàng hóa đạt hơn 2.100 triệu tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ, vận chuyển hành khách ước đạt trên 4.200 triệu lượt khách, tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Chất lượng các dịch vụ vận tải cũng ngày càng được nâng cao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Vận tải container có bước phát triển mạnh; vận tải đa phương thức đang từng bước được hình thành. Vận tải hành khách công cộng tại các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM phát triển mạnh.
Trong thời kỳ đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, công tác đối ngoại trong vận tải cũng được tăng cường, đạt nhiều thành tựu. Bộ GTVT đã chủ trì đàm phán và ký kết được một số hiệp định, nghị định thư về vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, giữa Chính phủ Việt Nam và các nước láng giềng khác.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các cam kết về mở cửa dịch vụ GTVT cũng như triển khai các Hiệp định song phương và đa phương về tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới cũng được chú trọng, như Hiệp định GMS về tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa giữa 6 nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng và Hiệp định ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng quá cảnh...
Về đường sắt, từ năm 1986, ngành đường sắt nỗ lực đổi mới, đưa ra nhiều sản phẩm vận tải, đoàn tàu khách đóng mới, tạo thuận lợi cho khách hàng. Trong vòng 5 năm (1989 - 1994) trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, tàu khách Thống Nhất đã được rút ngắn hành trình từ 48 giờ (năm 1989) xuống còn 36 giờ (năm 1994), hành trình tàu hàng còn 52 giờ.
Những năm từ 1996 - 2001, sản lượng và doanh thu vận tải đường sắt đã có mức tăng trưởng cao, lượng luân chuyển tấn.km tính đổi tăng bình quân 6,48%/năm, doanh thu tăng bình quân 13,53%/năm.
Riêng năm 2000, sản lượng hàng hóa đạt trên 6,1 triệu tấn, tổng doanh thu đạt 1.252 tỷ (bằng 124,05% năm 1999). Đây là năm đạt mức tăng trưởng và doanh thu cao nhất trong 10 năm đổi mới (tính đến năm 2000) của ngành đường sắt.
Đặc biệt, trong các năm 2014 - 2015, đường sắt đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Nhiều phương châm kinh doanh, phục vụ khách hàng được thực hiện như: "An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả", thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử theo tiêu chí "4 xin - 4 luôn"…
Cùng đó là hàng loạt dự án được thực hiện nhằm đem đến chất lượng phục vụ, dịch vụ tốt hơn nữa cho hành khách như: Lắp đặt thiết bị xử lý chất thải hiện đại trên toa xe khách; bãi bỏ vé đón tiễn và kiểm soát vé khi hành khách ra vào ga… Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng hệ thống bán vé điện tử "Mua vé tàu mọi lúc, mọi nơi" được coi là sự đổi mới mạnh mẽ.
Ở lĩnh vực đường thuỷ nội địa, bên cạnh tiếp tục kiện toàn mô hình quản lý, tách bạch giữa công tác quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh, hệ thống kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải của ngành cũng được đầu tư hiện đại hóa. Tăng trưởng sản lượng và hàng hóa thông qua của ngành vẫn được duy trì ổn định và chiếm tỷ trọng khá cao trong ngành GTVT (18%).
Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, với việc mở tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam với sản lượng thông qua gần 100 triệu tấn/năm góp phần hiệu quả giảm tai nạn, ách tắc trên trục đường bộ Bắc - Nam. Ngoài ra, còn có tuyến vận tải container kết nối cảng biển TP.HCM với cảng biển Cái Mép - Thị Vải với hơn 70% lượng container thông qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu được vận tải bằng sà lan...
Vận tải container trên các hành lang vận tải thủy nội địa phía Bắc mặc dù thị phần còn thấp nhưng thời gian vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực như: Tuyến Hải Phòng - Bắc Ninh từ khai thác 3 chuyến/tuần vào năm 2018, đến nay đạt 35 chuyến/tuần; tuyến Ninh Bình - Hải Phòng mới triển khai từ đầu năm 2024 đến nay đạt 4 chuyến/tuần…
Sản lượng vận tải đường thủy nội địa tăng trung bình khoảng 10%/năm, riêng năm 2023 đạt hơn 476 triệu tấn, chiếm khoảng 19 - 20% tổng lượng hàng hóa vận chuyển, luân chuyển tại Việt Nam.
Về hàng hải, từ năm 1991 đến nay, vận tải biển Việt Nam bước sang giai đoạn mới với những đường hướng phát triển mới. Số doanh nghiệp vận tải từ 10 tăng lên 130 đơn vị.
Sự phát triển của các doanh nghiệp hàng hải thuộc các thành phần kinh tế không chỉ phục vụ tốt yêu cầu xuất, nhập khẩu của địa phương mà còn góp phần giúp ngành hàng hải trưởng thành cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng tổng sản lượng vận tải, bốc dỡ hàng hóa.
Đáng chú ý là sự kiện Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) tiếp nhận tàu Morning Star, trọng tải 21.353 DWT năm 1996. Đây là tàu hàng rời chuyên dụng, đánh dấu bước chuyển mình trong lĩnh vực đầu tư sang loại tàu chuyên dụng cỡ lớn, có tầm hoạt động rộng hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tính tới đầu năm 2024, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam đang duy trì hoạt động khoảng 1.188 tàu với tổng trọng tải là 11,10 triệu tấn, tổng dung tích là 6,79 triệu GT.
Về thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), thị phần đội tàu biển Việt Nam đảm nhận từ năm 2016 - 2022 dao động từ 5 - 8,25%, trung bình đạt 6,8%/năm.
Riêng hàng không, bước sang thập kỷ 90 đã có nhiều thay đổi có tính bước ngoặt, tách khỏi cơ chế quốc phòng, phân định chức năng quản lý nhà nước và chức năng sản xuất kinh doanh. Các đơn vị sản xuất kinh doanh có 13 doanh nghiệp, trong đó hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) là doanh nghiệp lớn nhất.
Ở thời kỳ mới, hệ thống pháp luật và quy hoạch ngày càng được hoàn chỉnh, chính sách tự do hóa vận tải hàng không theo lộ trình đã phát huy hiệu quả, đảm bảo mở rộng thị trường cho các hãng hàng không VN, khuyến khích các hãng hàng không quốc tế bay vào Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường vận tải hàng không.
Tổng thị trường vận chuyển hành khách năm 2014 đạt 33,15 triệu, tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 là 12%/năm; hàng hóa đạt 741 nghìn tấn, tăng bình quân 12,8%/năm.
Chính sách xã hội hóa vận tải hàng không đã khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia. Các hãng hàng không của Việt Nam như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO, Vietjet Air đều là hãng cổ phần, tư nhân hoặc liên doanh với nước ngoài. Thị trường vận tải nội địa có sự cạnh tranh quyết liệt, có lợi cho người tiêu dùng.
Đến tháng 5/2015, đội tàu bay của các hãng hàng không VN có 136 chiếc với độ tuổi trung bình của các tàu bay là 6 tuổi. Các hãng đã đưa vào khai thác các chủng loại tàu bay mới, hiện đại và thông dụng trên thế giới như: B.777, A.330, A.321, A.320, ATR72.
Trong năm 2015, hàng không VN đã tiếp nhận máy bay thân rộng thế hệ mới A350-900 với sức chứa tối đa 305 hành khách và máy bay Boeing 787-9 Dreamliner tại Washington DC. Đây là sự kiện quan trọng trong lộ trình thay thế toàn bộ máy bay hiện nay sang loại thân rộng thế hệ mới, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương đồng thời tiếp nhận, khai thác hai loại máy bay hiện đại thế hệ mới là Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900 XWB.
Đột phá quy hoạch, phát triển đồng bộ vận tải
Lần đầu tiên cả 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT được lập đồng thời, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nêu rõ mục tiêu phát triển vận tải của từng lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không.
Đồng thời, đảm bảo sự kết nối giữa các phương thức vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, xác định đẩy mạnh kết nối giữa đường thủy nội địa và đường bộ, cảng biển; hình thành các tuyến vận tải, trung tâm logistics đa phương thức.
Trong đó, về đường bộ, Quyết định 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030 hình thành hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 2.764 triệu tấn (62,80% thị phần); hành khách đạt khoảng 9.430 triệu khách (90,16% thị phần); khối lượng luân chuyển hàng hóa nội địa đạt khoảng 162,7 tỷ tấn.km (30,48% thị phần); hành khách nội địa 283,6 tỷ khách.km đạt khoảng (72,83% thị phần).
Định hướng đến năm 2050 hoàn thiện mạng lưới đường bộ trong cả nước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải.
Về đường sắt, Quyết định số 1769/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định đường sắt là chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trong đó, về vận tải, mục tiêu đến năm 2030, vận tải đường sắt quốc gia thực hiện khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 21,5 triệu khách. Đây là tiền đề mở ra cơ hội cho vận tải đường sắt tiếp tục tăng trưởng, thực sự trở thành phương thức vận tải quan trọng.
Về đường thủy nội địa, Quyết định số 1829/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Kết cấu hạ tầng Đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định 1587/ QĐ-TTg năm 2024 Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định về vận tải, mục tiêu đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 835 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 418 triệu lượt khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 164 tỷ tấn.km; khối lượng luân chuyển hành khách đạt khoảng 9 tỷ khách.km.
Cụ thể, quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy gồm: 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển), 4 hành lang khu vực miền Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai) và 4 hành lang khu vực miền Nam (TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, TP.HCM - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - TP.HCM và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.
Quy hoạch 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000km). Quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 513 triệu tấn. Quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 68,7 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện đại, đồng bộ, an toàn, có chất lượng dịch vụ vận tải cao góp phần quan trọng vào giảm chi phí logistics và là một trong những phương thức vận tải chiếm thị phần vận tải hàng hóa lớn.
Về hàng hải, theo Quyết định 442/ QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.249 - 1.494 triệu tấn (trong đó hàng container từ 46,3 - 54,3 triệu TEU); hành khách từ 17,4 - 18,8 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển phải đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,2 - 4,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 - 1,3 %/năm.
Quy hoạch các nhóm cảng biển, cảng biển và khu bến cảng như sau: Nhóm cảng biển số 1 (gồm 5 cảng biển: Cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thái Bình, cảng biển Nam Định và cảng biển Ninh Bình). Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 322 - 384 triệu tấn (hàng container từ 13 - 16 triệu TEU); hành khách từ 281 - 302 nghìn lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,0 - 5,3 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,5 - 1,6%/năm.
Nhóm cảng biển số 2 (gồm 6 cảng biển: Cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển Hà Tĩnh, cảng biển Quảng Bình, cảng biển Quảng Trị và cảng biển Thừa Thiên Huế). Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 182 - 251 triệu tấn (hàng container từ 0,4 - 0,6 triệu TEU); hành khách từ 374 - 401 nghìn lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6 - 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,4 - 0,5%/năm.
Nhóm cảng biển số 3 (gồm 8 cảng biển: Cảng biển Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), cảng biển Quảng Nam, cảng biển Quảng Ngãi, cảng biển Bình Định, cảng biển Phú Yên, cảng biển Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), cảng biển Ninh Thuận và cảng biển Bình Thuận). Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 160 - 187 triệu tấn (hàng container đạt từ 2,5 - 3,1 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 3,4 - 3,9 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5 - 5,5 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,7 - 1,8%/năm.
Nhóm cảng biển số 4 (gồm 5 cảng biển: Cảng biển TP.HCM, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng biển Bình Dương và cảng biển Long An). Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 500 - 564 triệu tấn (hàng container từ 29 - 33 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 2,8 - 3,1 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 - 3,8 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9 - 1,0 %/năm.
Nhóm cảng biển số 5 (gồm 12 cảng biển: Cảng biển Cần Thơ, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Bến Tre, cảng biển An Giang, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Trà Vinh, cảng biển Cà Mau, cảng biển Bạc Liêu và cảng biển Kiên Giang). Đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 86 - 108 triệu tấn (hàng container từ 1,3 - 1,8 triệu TEU); hành khách từ 10,5 - 11,2 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 - 6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1 - 1,25%.
Về hàng không, theo Quyết định 648/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về vận tải, mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không khoảng 275,9 triệu hành khách (chiếm 1,5 - 2% thị phần vận tải giao thông và chiếm 3 - 4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh). Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không khoảng 4,1 triệu tấn (chiếm 0,05 - 0,1% thị phần vận tải giao thông).
Tầm nhìn đến năm 2050 hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM.