Khám phá

Ngao du xứ Lạng ngày xuân

28/02/2016, 07:17

Lạng Sơn là tỉnh có nhiều lễ hội dịp Tết, nhất là các lễ hội mang văn hóa tín ngưỡng dân gian.

1
Chùa Tam Thanh

Lạng Sơn là tỉnh có nhiều lễ hội dịp Tết, nhất là các lễ hội mang văn hóa tín ngưỡng dân gian. Du xuân xứ Lạng ba ngày, hai đêm chắc hẳn là lựa chọn của nhiều du khách vì nơi đây có nhiều nét đặc trưng văn hóa địa phương và sự hấp dẫn của ẩm thực vùng biên giới.

Đặc sắc văn hóa tín ngưỡng

Trong chuyến du xuân đầu năm, chúng tôi chọn xe máy để “phượt” lên Lạng Sơn. Xuất phát từ Hà Nội, sau bốn tiếng đồng hồ với 180 km đường trường, chúng tôi đã đến vùng đất của những lễ hội tín ngưỡng và có cơ hội thưởng thức những món đặc sản của núi rừng.

Lâu nay cứ nghe câu ca dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...”. Háo hức được tận mắt thấy địa danh nổi tiếng, chúng tôi hỏi đường đến chùa Tam Thanh. Chùa nằm ngay trung tâm thành phố Lạng Sơn. Dâng nén hương đầu xuân, chúng tôi đi tham quan dãy nhũ đá thiên tạo, lối Thông Thiên, Hồ Cảnh (hồ Âm Ti) với làn nước trong xanh quanh năm không bao giờ vơi cạn.

Xuôi về phía cổng động Tam Thanh, chúng tôi được chị Nguyễn Thu Trang (hướng dẫn viên) giới thiệu: “Động - Chùa Tam Thanh mang giá trị văn hóa, nghệ thuật hàm chứa trong từng di tích được lưu giữ lại bên trong chùa. Nổi bật là hệ thống văn bia ghi lại quá trình tôn tạo chùa và cảm tác của các văn nhân thi sĩ qua nhiều thời kỳ lịch sử. Trong đó, tấm bia “Thiên Động Pháp Luân Thường Chuyển” có niên đại cổ nhất, khắc từ thời Lê Vĩnh Thịnh năm thứ 2 (1677).

Nhất định phải ăn Khau Nhục

“Khau nhục là món ăn chế biến cầu kỳ từ thịt lợn, được tiếp nhận kỹ thuật của người Hoa ở Lạng Sơn và từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản của người dân bản địa.

Khau nhục thường được dùng trong cỗ bàn sang trọng hoặc để tiếp khách phương xa, hương vị khau nhục đậm đà mùi vị thơm, ăn không ngấy.

Ăn Khau nhục là để cùng đoàn kết, cùng sẻ chia, vì vậy ai cũng nên ăn khi đến xứ Lạng”, người bạn bản xứ nói với chúng tôi.

Bên trong chùa có các hiện vật quý như bức phù điêu Phật A Di Đà mang phong cách mỹ thuật thời Lê - Mạc (thế kỷ XVI - XVII) được tạo theo thế đứng trong hình một lá Bồ Đề. Bên dưới tượng là cung Tam Bảo gồm một số pho tượng chủ yếu của Phật giáo dòng đại Thừa. Theo thời gian, chùa vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có hấp dẫn du khách bốn phương, là một trong “Trấn doanh bát cảnh” của xứ Lạng”.

Theo sự hướng dẫn, chúng tôi ngược lên núi viếng thăm nàng Tô Thị. Hình tượng nàng Tô Thị nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tam Thanh, Nhị Thanh. Thiên nhiên đã tạo ra hình tượng người mẹ ôm con đứng chờ chồng trên đỉnh núi cao như một biểu tượng của lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ Việt. Nàng Tô Thị xứ Lạng không chỉ sống trong truyện kể dân gian mà còn xuất hiện trong lễ hội và trở thành tín ngưỡng thờ cúng của nhân dân.

Đỉnh Mẫu Sơn là nơi chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi và được cho biết nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống trong những thung lũng hùng vĩ núi non và tiết trời se lạnh, mát mẻ. Chạy xe máy gần 30 km, đỉnh Mẫu Sơn xuất hiện trước mắt với 80 ngọn núi lớn nhỏ phủ kín mây trắng huyền ảo. Dọc đường đi, chúng tôi thoải mái ngắm cảnh nước non, cùng nhau selfie và giao lưu với người dân tộc Dao, Tày, Mông, Nùng... đang gùi rau, bó củi trên vai.

“Thiên đường” ẩm thực và mua sắm

2
Toàn cảnh Mẫu Sơn

Đến với xứ Lạng, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những món ngon của núi rừng Đông Bắc do chính tay người dân địa phương làm. Buổi sáng thức dậy, chúng tôi tìm đến quán bán bánh cuốn trứng nóng bà Thắm (14 Nguyễn Du, chợ Giếng Vuông) và ngay lập tức bị hấp dẫn bởi hương vị đậm đà của chiếc bánh cuộn hơi khói nồng ấm trong tiết trời lạnh vùng biên. Chạm nhẹ thìa vào bánh, lòng trứng hồng đào tan chảy theo lớp bánh trắng mịn, quyện vào nước chấm đặc quánh chả thịt và măng ớt khiến hương vị của chiếc bánh thơm phức, ngậy béo mà thanh ngọt.

Những người bạn bản xứ cũng giới thiệu thêm các món hấp dẫn khác như quán phở chua trên đường Lê Lai hoặc phở vịt - măng chua, lợn quay, khau nhục, áp chao, coong phù ở dọc các tuyến phố Bắc Sơn, Trần Đăng Ninh hay ở các khu chợ Kỳ Lừa, Giếng Vuông, Đông Kinh - những món ăn rất thích hợp với tiết trời se lạnh của xứ Lạng.

Đỉnh Mẫu Sơn không chỉ nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, mà còn có gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn sữa quay, vịt quay Lạng Sơn, ếch hương, gà thả rong nướng trên than cỏ tranh, cơm lam hay thịt kho lá mắc mật. Rau rừng ở đây rất ngọt và tươi với nhiều loại như su su, rau ngót rừng hoặc hoa chuối. Đặc biệt, giữa thiên nhiên hoang dại, gió núi lạnh mát, nhấp ngụm rượu Mẫu Sơn được chưng cất từ nước suối trên núi với những vị thuốc gia truyền, bạn sẽ có những giây phút không bao giờ quên.

Sau hai ngày rong chơi, ngày thứ ba chúng tôi tìm đến “thiên đường mua sắm” tại chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa. Ở đây, hàng điện máy có giá “bèo” được rao bán tràn lan. Những chiếc rađio, điện thoại, quạt máy, tivi nhỏ có giá bán trên dưới 200 nghìn đồng; Chăn, màn, chiếu được xếp như… núi dọc hai bên chợ với giá “siêu rẻ” đến mức bạn có thể mua hai - ba bộ mà không “xót tiền”. Tuy nhiên, khi đi chợ này, bạn nhớ mặc cả “mạnh miệng” vì có thể sẽ giảm được 50 - 70% lời rao bán ban đầu của người bán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.