Ngày nay, áp lực trong công việc cùng những căng thẳng trong cuộc sống khiến cho số lượng người mắc phải chứng trào ngược dịch dạ dày ngày một gia tăng. Đây là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản.
Trào ngược dạ dày có thể là do sinh lý, chức năng (không ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể) nhưng cũng có thể là do bệnh lý gây nên.
Nếu không cẩn thận, nó có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, viêm thực quản và một số biến chứng hô hấp khác hoặc thậm chí là tử vong.
Ngoài các nguyên nhân như bệnh viêm, loét dạ dày, chế độ ăn uống không đúng cách cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng trào ngược dịch.
Sau đây là 10 loại thực phẩm mà những người bị trào ngược dạ dày cần tránh xa hoặc không nên sử dụng thường xuyên.
Các loại trái cây có múi
Trái cây và rau quả rất quan trọng trong một chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, có một số loại trái cây có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược dịch vị.
Ví dụ như trong chanh và cam có chứa nhiều axit xitric, có thể gây kích ứng và tạo ra nhiều axit hơn trong dạ dày, từ đó làm gia tăng các triệu chứng trào ngược thức ăn và ợ chua.
Đồ uống có ga
Đồ uống có ga là loại nước giải khát ưa thích của khá nhiều người. Tuy nhiên sau khi uống những loại đồ uống này vào có thể sẽ gây kích thích dạ dày, khó chịu đường tiêu hóa, làm xuất hiện các hiện tượng ợ hơi, khó tiêu, đầy bụng.
Nếu sử dụng thường xuyên còn tác động đến thực quản và dạ dày, lâu dần sẽ gây tích tụ các chất độc tố trong cơ thể.
Cà chua
Cũng như các loại trái cây có múi, cà chua là một loại thực phẩm có tính axit rất cao. Trong thành phần của cà chua có chứa nhiều axit tannic có nguy cơ làm tăng nồng độ axit trong dạ dày và khiến tình trạng trào dịch ngược nặng nề hơn.
Vì vậy người bệnh không nên ăn cà chua thường xuyên và tuyệt đối không nên ăn loại thực phẩm này trong lúc đang đói vì nó sẽ khiến tình trạng bệnh trở nặng.
Khoai lang
Khoai lang rất giàu tinh bột, đường và chất xơ có tác dụng kích thích tiết axit dịch vị. Nếu người bệnh ăn khoai lang lúc đói hoặc ăn quá nhiều, axit dịch vị có thể trào ngược lên thực quản và gây ra triệu chứng ợ chua, ợ hơi, đây chính là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản.
Quả bơ
Bơ là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều axit béo không bão hòa rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên chất béo trong bơ cũng làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, do đó làm tăng nguy cơ ợ chua.
Các loại gia vị cay nóng
Các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, mù tạt, … sẽ làm bệnh trào ngược dạ dày trở nên trầm trọng hơn nếu sử dụng thường xuyên.
Đây là những chất gây kích thích lớp màng thực quản, gia tăng cảm giác nóng, ợ chua. Đặc biệt chất capsaicin trong quả ớt có thể gây tăng tiết axit dạ dày.
Trà và cà phê
Đồ uống như trà và cà phê có chứa nhiều caffein. Chất này được biết đến là tác nhân gây khởi phát cơn đau thượng vị, làm giãn cơ vòng tại tâm vị.
Nếu cơ này không đóng kín sẽ khiến thức ăn tại dạ dày trào lên vùng thực quản khi dạ dày vẫn đang tiết acid và co bóp để làm nhỏ thức ăn.
Socola
Trong socola có chứa nhiều chất béo và đường là những chất mà dạ dày rất khó tiêu hóa. Hơn nữa, trong socola có chứa serotoni, hay còn được biết đến với cái tên hormone hạnh phúc, chúng giúp cho tinh thần được thư giãn.
Tuy nhiên serotoni cũng có tác dụng tương tự như caffein khiến cho cơ vòng thực quản bị giãn ra. Do đó, người bị trào ngược dạ dày nên ít sử dụng.
Sữa nguyên kem
Sữa có thể tạm thời giúp pha loãng axit dạ dày, làm giảm cơn khó chịu và chứng ợ chua. Tuy nhiên, chất béo trong sữa lại khó tiêu hóa, nó có thể kích thích dạ dày sản sinh ra nhiều axit hơn.
Do đó, người bị trào ngược dạ dày nên lưu ý khi lựa chọn các loại sữa để sử dụng. Không nên uống sữa nguyên kem mà chỉ nên lựa chọn các loại sữa đã tách béo.
Ngoài ra, chỉ nên uống một lượng vừa phải (tối đa 400 ml/ngày và không quá 240 ml/lần), không nên uống lúc đói hoặc khi vừa ăn no, không uống vào ban đêm hoặc trước khi đi ngủ và nên dùng sữa ấm (khoảng 30 – 35 độ C).
Đồ chiên rán
Đồ chiên rán chứa quá nhiều dầu mỡ, lại khó tiêu hóa nên dễ gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Lúc này, dạ dày sẽ tự động tiết ra nhiều axit dịch vị nên càng làm tăng khả năng trào ngược axit.
Ngoài ra, dầu mỡ chiên và đồ ăn nhiều chất béo có thể khiến cơ vòng thực quản không co lại như bình thường, gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa thức ăn.
Nếu muốn làm giảm triệu chứng trào ngược axit, các bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau đây:
Không ăn quá nhiều, quá nhanh
Ăn vừa phải trong mỗi bữa ăn và tránh ăn quá no. Tốt nhất nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Không nên ngấu nghiến trong bữa ăn, hãy cố ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Tránh tập thể dục sau bữa ăn
Tập thể dục, đặc biệt là các bài tập làm tăng áp lực ổ bụng sẽ làm tình trạng trào ngược trở nên trầm trọng hơn. Nên đợi thức ăn trong dạ dày tiêu hóa bớt rồi mới bắt đầu tập luyện.
Thay đổi lối sống
Nên giảm thiểu các hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng, chẳng hạn như cúi người quá mức, mặc quần bó và thắt lưng quá chặt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận