Chiều 19/1, Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Buổi làm việc kéo dài hơn 3,5 giờ, với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.
Kết quả tích cực
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết năm 2023, tỷ lệ tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM giảm sâu. Đây là tín hiệu rất tích cực của ngành giao thông.
"Công an TP.HCM, lực lượng các quận, huyện vào cuộc, kiểm soát trật tự an toàn giao thông rất quyết liệt. Bên cạnh đó, TP.HCM chăm chút nhiều cho hạ tầng hơn, điều này cũng góp phần giảm sâu tai nạn giao thông trong năm vừa qua", ông Lâm nhận định.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho hay 2023 cũng là năm TP đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Ấn tượng nhất là sự kiện khởi công dự án Vành đai 3 TP.HCM. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, không riêng ngành giao thông.
"Ngoài ra, TP.HCM cũng có nhiều động thái kiểm tra, xử lý nghiêm đối với loạt doanh nghiệp, cơ sở vi phạm, trong đó có Công ty TNHH Thành Bưởi", ông Trần Quang Lâm nói.
Giám đốc Sở GTVT TP cho hay, năm nay, TP.HCM chú trọng vào lĩnh vực chuyển đổi số. Điển hình là quá trình xử phạt, kiểm soát bãi đậu, đỗ xe trên địa bàn, TP luôn ứng dụng công nghệ, thí điểm tiên phong với quy trình hoàn toàn tự động.
"Riêng mức thu xử phạt của Thanh tra Sở GTVT là hơn 15 tỷ đồng, kết quả này cho thấy tính hiệu quả, răn đe cao, góp phần vào kết quả giảm sâu số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn năm 2023", ông Lâm dẫn chứng.
Một tín hiệu tích cực khác được lãnh đạo Sở GTVT chỉ ra là dự án Vành đai 2 lỗi hẹn nhiều năm được thông qua chủ trương đầu tư đoạn phía đông.
TP.HCM ưu tiên vốn khép kín đoạn này với hơn 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TP cũng có 5 dự án BOT lớn kết nối cửa ngõ vào TP sắp được triển khai.
"Vành đai 2, 3, 4 khi được hoàn thành, khép kín đồng bộ sẽ kết nối vào cửa ngõ các tuyến quốc lộ 50, 22, 13... và ngược lại sẽ mở ra không gian kết nối vùng, khơi thông giao thương, đi lại", lãnh đạo Sở GTVT nói và cho biết năm 2024, ngành giao thông xác định nhiệm vụ nặng nề hơn, số vốn đầu tư công TP cần giải ngân hơn 78.000 tỷ đồng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), nhận định sự đồng hành của Sở GTVT góp phần lớn vào kết quả của đơn vị trong năm qua.
Năm 2024, Ban Giao thông được giao 27.500 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đơn vị xác định 2024 sẽ là năm cần tập trung cho những dự án trọng điểm; Giải phóng mặt bằng; Cơ chế, đột phá liên kết vùng.
Ông Phúc cho hay, Ban Giao thông đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm, đó là giải ngân trên 95%, cùng Sở GTVT TP trình chủ trương đầu tư các dự án BOT, phấn đấu khởi công các dự án trọng điểm; Trình Sở GTVT, Sở Xây dựng điều chỉnh 30 dự án; Chia sẻ, cần sự hỗ trợ giúp đỡ của các địa phương giải phóng mặt bằng 30 dự án; Nhiều dự án kéo dài lâu như hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, Tên Lửa, Đồng Văn Cống... phấn đấu hoàn thành trong năm nay.
Ngoài ra, Ban cũng phấn đấu quyết toán gần 30 dự án; Cùng Sở GTVT tham mưu UBND TP các chính sách đặc biệt liên quan các dự án TOD, các dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết 98.
"Ban Giao thông và Sở GTVT như 2 bàn tay, muốn có tiếng vỗ tay tay trái và phải sẽ cần gắn kết với nhau", ông Phúc kỳ vọng.
Năm tăng tốc
Kết luận buổi làm việc, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, kết quả năm 2023 của ngành giao thông cho thấy rất tích cực. Sở GTVT cũng đề ra hướng đi cho năm 2024 tương đối rõ.
Phó chủ tịch cho rằng giao thông là tiêu tiền, nhưng giờ đây, sự đầu tư này đã bắt đầu tạo ra nguồn thu cho TP. Điển hình như nguồn thu đem lại phí cảng biển, sắp tới là thu phí lòng đường, vỉa hè tạm thời...
Ngoài ra, TP chuẩn bị ứng dụng công nghệ vào ngành, đưa cạnh tranh vào quản lý, cung ứng dịch vụ, đấu thầu...
Ông Cường đánh giá kết quả giải phóng mặt bằng năm 2023 hiệu quả. TP.HCM có 224 dự án phải giải phóng mặt bằng, chủ yếu mặt bằng phục vụ ngành giao thông với hơn 28.000 tỷ đồng.
"Đối với ngành giao thông, khó nhất là giải phóng mặt bằng, nhưng 2023 là năm triển khai công tác mặt bằng hiệu quả nhất. Nhờ đó, các công trình tắc nghẽn nhiều năm cũng được tháo gỡ", ông Cường nói.
Theo Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường, 2023 là năm khởi công nhiều dự án quy mô lớn nhất của TP.HCM. Đặc biệt là Vành đai 3, nút giao An Phú, quốc lộ 50, đường vào ga T3 - nhà ga nội địa lớn nhất Việt Nam khi hoàn thành, mở ra hướng phát triển mới.
Bên cạnh đó, TP cũng khởi công nhiều dự án đáng chú ý như Bến Cát - Tham Lương - rạch Nước Lên... Điều này cho thấy khối lượng công việc lớn, nhưng ngành giao thông TP đã rất tập trung, nỗ lực.
Ông Cường cũng nhận định, lần đầu tiên TP.HCM đạt chỉ tiêu hiệu quả nhất về an toàn giao thông trong nhiều năm qua. Đặc biệt là kiểm soát trong quá trình thực thi công vụ, kiểm soát nồng độ cồn, kể cả cán bộ công chức, viên chức vẫn xử lý rất nghiêm.
Vấn đề thu phí hạ tầng, tham mưu cơ chế, chính sách Nghị quyết 98, ra được danh mục dự án BOT trên đường hiện hữu; Quyết định 32 quy định thu phí tạm thời về lòng đường, vỉa hè; Ngoài ra còn nhiều dự án khác như Cảng Cần Giờ, dự án tiếp nhận tài trợ cũng có hiệu quả.
Lãnh đạo TP.HCM đánh giá 2023 là năm rất sôi động đối với phát triển giao thông vùng. "Chúng ta đang làm Vành đai 3, sắp tới có Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài rất triển vọng", ông Cương nói và cho rằng sau 2024, TP.HCM tiếp tục vai trò đi trước mở đường, dẫn dắt phát triển, tạo ra động lực mới.
Báo cáo tình hình hoạt động, ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết vốn đầu tư công năm 2023 giao cho Sở GTVT hơn 1.400 tỷ đồng. Đơn vị giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 85,2%.
Năm 2023, Sở GTVT chú trọng công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phục vụ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách. Đặc biệt là các tuyến vành đai, cao tốc, đường sắt đô thị... góp phần đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM.
Ông Hưng cho hay Sở GTVT TP cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, tham mưu UBND TP cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; Xây dựng Đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); Góp ý đồ án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Về công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp các đơn vị nỗ lực tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua chủ trương đầu tư 41 dự án.
Sở cũng rà soát hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư và hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 24 dự án. Trong số đó có các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như: Vành đai 2 (đoạn 1, 2), Vành đai 4; Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; Cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ; Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; Nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc; Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận