PVN "biến" thách thức thành cơ hội
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, năm 2023 là năm vô cùng khó khăn và khắc nghiệt, tác động lớn đến PVN.
Trong 5 lĩnh vực chính thì có 4/5 lĩnh vực có động lực tăng trưởng khó khăn do đà suy giảm tự nhiên, điều kiện, cơ chế không phù hợp, năm 2023 giá dầu trung bình trên thế giới thấp hơn trên 18% năm 2022.
Kinh tế khó khăn dẫn việc tiêu thụ sản phẩm năng lượng không đạt yêu cầu, công nghiệp khí không được huy động cũng ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến động lực tăng trưởng suy giảm…
Từ đó, PVN đã nhìn nhận, xem xét đánh giá khách quan, chủ quan để có những giải pháp mang tính hệ thống, biện pháp tăng trưởng và hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất năm 2023. Các doanh nghiệp dầu khí dưới sự điều hành của Tập đoàn đã về đích sớm kế hoạch năm 2023.
Ông Hoàng Xuân Dương, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), cho biết lần đầu tiên hơn 10 năm, Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí đã đạt được thành tựu về gia tăng trữ lượng. Tổng công ty đã tìm ra các mỏ dầu khí mới với tổng gia tăng trữ lượng của năm 2023 là 23,72 triệu tấn. Doanh thu đạt được 41.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế là 21.000 tỷ đồng. Tính lợi nhuận trước thuế/doanh thu là 50%.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, năm 2023, doanh nghiệp cũng đã hoàn thành xuất sắc chỉ số sản xuất, sản lượng, hiệu quả sản xuất, doanh thu khoảng 147.000 tỷ đồng, lợi nhuận 67.000 tỷ đồng, vượt các chỉ tiêu đặt ra, đóng góp cho thành công chung của Tập đoàn, ngành dầu khí Quốc gia.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, chia sẻ đơn vị đảm bảo công tác vận hành sản xuất, đảm bảo nguồn nhiên liệu, năng lượng quốc gia, với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô, sản phẩm, đáp ứng 30% nhu cầu quốc gia.
PVN vững vàng đạt mục tiêu năm 2024
Chia sẻ về định hướng năm mới 2024, ông Hoàng Xuân Dương, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), cho biết PVEP đứng trước áp lực phải duy trì sự ổn định. Năm 2023, PVEP đã chặn đứng được suy giảm, tuy nhiên, năm 2024 sẽ nặng nề hơn bởi quán tính sẽ càng nhiều hơn, cao hơn là áp lực lớn nhất để không bị tụt lùi, giảm đi.
Để giải quyết bài toán đó, Tổng công ty cũng đã xây dựng kế hoạch, tìm kiếm giải pháp. Điều quan trọng nhất là phải tìm kiếm những động lực mới, những động lực đã thành công trong 2023 tiếp tục phát huy, từ đó, chúng tôi kế thừa, phát huy và tìm thêm động lực mới cho năm 2024.
Về thăm dò, PVEP đẩy mạnh công tác nghiên cứu để tìm kiếm vị trí, những nơi có thể đặt được những giếng khoan thăm dò trong năm 2024. Phải khoan, phải thăm dò mới có được trữ lượng mới và mục tiêu không thấp hơn 2023. PVEP đang đặt mục tiêu gia tăng trữ lượng của năm 2024 là 4 triệu tấn.
"Về sản lượng khai thác, mục tiêu 2024 vẫn là không để suy giảm, chúng tôi phải có những sản lượng mới từ các mỏ mới hoặc nâng được sản lượng từ những giếng cũ và bắt buộc phải sử dụng công nghệ mới. Các công nghệ để vận hành khai thác cũng như nâng cấp các trang thiết bị để tăng sản lượng khai thác",ông Dương nói.
Ông Hoàng Xuân Dương cũng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư, bổ sung mỏ mới và đưa mỏ mới vào khai thác để đảm bảo khai thác tốt hơn cho những năm sau. Hiện đơn vị này đang chuẩn bị triển khai, phát triển khai thác 7 mỏ để có thể bổ sung sản lượng khai thác trong năm 2024. Dài hạn hơn đó là cùng với tập đoàn đẩy mạnh siêu dự án Lô B - Ô Môn.
PVEP mở rộng với các đối tác ở tập đoàn với nước ngoài để đẩy mạnh công tác đầu tư, bổ sung sản lượng khai thác cho năm 2024 và những năm sau. Để tạo động lực mới, PVEP rất chăm chút cho công tác sáng kiến, sáng chế, động viên cán bơm công nhân viên hăng say lao động để trong từng ngày, từng ngày lao động, chúng ta tối ưu được chi phí để bài toán tài chính của năm 2024 tiếp tục được tốt hơn.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), cho biết PVOIL hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ. Với đặc thù đó, số lượng khách hàng của PVOIL lên tới hàng chục triệu khách hàng.
Ông Dương cho biết, trong bối cảnh xu hướng hiện nay là xu hướng chuyển đổi số, công nghệ 4.0, đơn vị rất chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào trong các hoạt động kinh doanh của mình.
Điều này hướng đến 2 mục tiêu: Mục tiêu quản trị và mục tiêu nâng cao, nâng tầm trải nghiệm của khách hàng. Để qua đó, nâng cao lợi thế cạnh tranh của PVOIL.
Theo ông Cao Hoài Dương, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. PVOIL có đến hơn 95% là khách hàng bên ngoài. Hiện nay, PVOIL cũng rất tự hào là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.
Hiện nay, khách hàng đến PVOIL có rất nhiều phương thức thanh toán: Tiền mặt, thẻ tín dụng, mã QR. Hiện nay, đơn vị cũng đang thí điểm một ứng dụng, và sắp tới cũng sẽ áp dụng trên toàn bộ gần 800 cây xăng.
Theo đó, khách hàng có thể ngồi trong xe, có thể ra lệnh bằng giọng nói, sau đó sẽ được bơm xăng và thanh toán chỉ bằng một nút chạm "OK" trên điện thoại thông minh.
"Chúng tôi cũng có phần mềm cho các khách hàng công nghiệp khi đến mua xăng tại kho xăng dầu, có thể hoàn toàn thực hiện trên điện thoại thông minh. Phần mềm này không chỉ giúp khách hàng thanh toán đơn giản, thuận tiện mà còn giúp khách hàng quản trị" - ông Cao Hoài Dương chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận