Vận tải

Quản chặt kích thước thùng xe tạo công bằng trong vận tải

19/06/2014, 06:50

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT có bổ sung thêm nhiều quy định về kích cỡ thùng xe là không phù hợp với thông lệ quốc tế...

Xe dưới 10 tấn chở quá tải cũng mất an toàn
 

Ông Trần Kỳ Hình
Ông Trần Kỳ Hình
Trong Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT, quy định kích thước thùng xe được bổ sung đối với những nhóm phương tiện nào và vì sao, thưa ông?


Tháng 8/2012, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 32 quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc tải tự đổ, ô tô xi-téc, rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc xi-téc đối với xe có khối lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên. Trong dự thảo mới, Cục Đăng kiểm VN đề xuất quy định kích thước thùng hàng đối với các loại xe chở hàng, gồm cả nhóm xe như trên có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn, nhóm xe tải tự kéo, đẩy, nâng hạ thùng xe; Xe xi-téc chở vật liệu rời, chở khí hóa lỏng. Cùng đó là quy định kích thước giới hạn và kết cấu thùng của xe tải thùng hở, thùng có mui phủ, thùng kín; Quy định chiều dài toàn bộ của xe tự đổ, hệ số thể tích riêng đối với nhóm xe tự đổ, thể tích chứa hàng của xe xi-téc chở khí hóa lỏng.


Việc bổ sung nhóm đối tượng trên để giúp việc kiểm soát tải trọng phương tiện được thực hiện đồng loạt, không phân biệt nhóm phương tiện nào. Bởi thực tế không chỉ nhóm phương tiện trên 10 tấn mà cả nhóm phương tiện dưới 10 tấn cũng chở quá tải trọng cho phép gây mất an toàn cho chính phương tiện đó và cho các đối tượng khác cùng tham gia giao thông. 


Mặt khác, hệ thống đường giao thông hiện nay tại Việt Nam cũng có nhiều cấp kỹ thuật khác nhau, có khả năng chịu tải khác nhau (đường liên huyện, liên tỉnh có cấp chịu tải thấp hơn đường quốc lộ). Do vậy, các xe có khối lượng dưới 10 tấn cũng gây hại kết cấu cầu, đường bộ

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc kiểm soát kích thước thùng chở hàng của nhóm xe có trọng tải từ 8 tấn trở xuống là không cần thiết, vì loại xe này chủ yếu chở hàng ở vùng nông thôn và không gây hại cho cầu đường như loại xe trên 10 tấn?


Như tôi đã đề cập ở trên, loại xe nhỏ hơn 10 tấn cũng có thể chở quá tải trọng cho phép gây ảnh hưởng xấu đến hạ tầng giao thông và độ an toàn của phương tiện, người lái. Mục tiêu bổ sung nhóm đối tượng quản lý kích thước thùng xe không chỉ nhằm ngăn ngừa chở quá tải mà còn vì chính sự an toàn của phương tiện, người điều khiển phương tiện và xã hội. Có thể lấy ví dụ như loại xe trọng tải 5 tấn có hệ thống kỹ thuật phương tiện tương thích với trọng tải đó. Nếu chở quá tải sẽ vượt ngưỡng an toàn thiết kế của phương tiện, hiệu quả phanh kém hơn, khả năng chịu tải của lốp yếu hơn... Trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự ATGT là của tất cả mọi người. Với vai trò, chức năng của mình, Cục Đăng kiểm VN đề xuất quy định trên nhằm bảo đảm an toàn từ góc độ chất lượng, tiêu chuẩn phương tiện.


Mặt khác, trong bối cảnh các doanh nghiệp, giới vận tải đều ủng hộ chủ trương siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chở đúng tải trọng song chỉ lo ngại bị cạnh tranh không lành mạnh bởi các phương tiện chở quá tải. Vì thế, việc quản lý kích thước thùng xe để góp phần ngăn chặn chở quá tải đối với các nhóm phương tiện còn góp phần tạo công bằng trong cạnh tranh vận tải, hạn chế sự bất bình đẳng trong vấn đề cước phí vận tải. 
 

Không giới hạn kích thước thùng xe dẫn đến nguy cơ chủ phương tiện, lái xe lạm dụng để chở quá tải (Xe quá khổ, quá tải trên đường HCM qua Thanh Hóa)Ảnh: Viết Huy
Không giới hạn kích thước thùng xe dẫn đến nguy cơ chủ phương tiện, lái xe lạm dụng để chở quá tải (Xe quá khổ, quá tải trên đường HCM qua Thanh Hóa)


Không vi phạm thông lệ quốc tế 


Từ góc độ khác, có ý kiến lại cho rằng, bổ sung thêm quy định kích thước thùng như trên là không phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là cản trở phương tiện từ các nước ASEAN vào Việt Nam?


Quá trình xây dựng dự thảo văn bản trên, Cục Đăng kiểm VN và các cơ quan liên quan cũng tham khảo các tài liệu kỹ thuật của nước ngoài liên quan tới thùng chở hàng tiêu chuẩn và quy định của quốc tế về kích thước của container chuẩn, nhất là các nước có nhiều xe xuất khẩu sang Việt Nam như: Nga, Nhật, Hàn Quốc… Những người xây dựng cũng tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, giảng viên lâu năm của Đại học Bách khoa, Đại học GTVT, chuyên gia về thiết kế chế tạo ô tô; Cũng như kế thừa các quy chuẩn, văn bản pháp lý liên quan. Tôi cho rằng, việc bổ sung quy định như trên không vi phạm thông lệ quốc tế hay hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các nước ASEAN.


Cần nói thêm là nước ta đang trong quá trình phát triển nên nguyên tắc phát triển và quản lý phương tiện phải song hành, phù hợp với hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Phương tiện nước ngoài nhập khẩu hay lưu thông cũng không thể vượt quá tiêu chuẩn chung.

Cảm ơn ông!

Huy Lộc (Thực hiện)


Tại Hội thảo trưng cầu ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư về kích thước giới hạn thùng chở hàng của xe tải và Thông tư về bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện vừa được tổ chức tại TP HCM, bà Lã Thị Thanh Phương - Phó Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long kiến nghị Bộ cho phép lùi thời gian có hiệu lực của Thông tư mới đến cuối năm 2014 để doanh nghiệp có thời gian giải quyết các hợp đồng tồn đọng và chuẩn bị cho thiết kế và sản xuất theo quy định mới. Còn ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho rằng, hiệp hội đồng tình với chủ trương siết chặt thùng chở hàng. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát quá tải phải được làm từ gốc và cần phân định tính đặc thù của ngành cũng như cần điều tiết 3 chủ thể gồm chủ hàng, đối tượng thuê chở hàng và người chở hàng.

Mai Văn Huyên

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.