Con suy dinh dưỡng vì mẹ chọn lầm cách ăn dặm (ảnh minh họa) |
Giận tím mặt vì con dâu không nghe lời
Nhìn cô cháu gái 8 tháng tuổi sút cân trông thấy, bà Nguyễn Thanh Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) như đứt từng khúc ruột. Bà Minh giãi bày: “Mình chăm con bé đang trên đà tăng cân đều đặn thế mà chả hiểu nghe ai, mẹ nó nhất định đòi cho con ăn dặm theo cách thức cái gì mà bé tự chỉ huy… Thay vì cho con bé ăn bột, ăn cháo như những đứa trẻ khác, hai tháng nay, mẹ con bé cho nó ngồi cùng mâm cơm, rồi tự bốc bải thức ăn của người lớn. Mà con bé có ăn được cái gì đâu, đã thế lại lười uống sữa. Giờ gầy sọp, quấy khóc ời ời”.
Theo lời bà Minh, gần tháng nay, bà không thèm nói chuyện với con dâu nữa, vì dù bà nói thế nào, cô con dâu cũng không đổi ý. “Giận lắm vì nhìn cháu thấy xót quá”, bà Minh nói.
"Các mẹ bỉm sữa nên khéo léo lựa chọn cách kết hợp giữa các cách thức ăn dặm cho trẻ, cần lưu ý đến sự hợp tác và nhu cầu của trẻ. Không nên cực đoan ép trẻ ăn theo chủ quan cá nhân của người lớn, bởi trẻ có thể bị bỏ đói dài dẫn tới suy dinh dưỡng. Các mẹ nên xen kẽ cách thức, bữa ăn thô và ăn nhuyễn, nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho bé phát triển." Ông Trương Hồng Sơn |
Cuối cùng bà cũng đành đầu hàng, xuống nước thương lượng với con dâu để cho cháu đi khám dinh dưỡng. Kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm các chỉ số thể hiện cháu bà chớm ngưỡng suy dinh dưỡng, lại thấp hơn so với chuẩn đến 3cm. Bác sĩ yêu cầu phải thay đổi chế độ ăn, nếu không sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. “May nhờ bác sĩ phân tích, chắc sau chuyến này, con dâu tôi sẽ thay đổi cách thức ăn dặm cho con”, bà Minh hồ hởi khoe.
Không chỉ con dâu bà Minh mà hiện nay khá nhiều bà mẹ bỉm sữa lựa chọn các cách thức ăn dặm cho con dựa trên cảm tính. Chủ yếu là học hỏi nhau qua mạng xã hội với cách ăn dặm kiểu Nhật hay kiểu bé tự chỉ huy rồi áp dụng một cách cực đoan… cho dù chưa hiểu thật rõ về các cách thức này liệu có ảnh hưởng gì đến con trẻ hay không.
Theo ông Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Ứng dụng y học Việt Nam, hiện có 3 trường phái cho trẻ ăn dặm được các bà mẹ bỉm sữa chia sẻ nhau. Đó là ăn dặm truyền thống, trộn tất cả thức ăn vào một bát (cháo, bột…) rồi cho trẻ ăn hoặc ăn dặm kiểu Nhật là cho trẻ riêng cháo và từng loại thức ăn thô phù hợp với trẻ. Cuối cùng là ăn dặm bé tự chỉ huy, tức là cho trẻ ngồi bàn ăn và thích ăn gì tự lấy. “Mỗi phương pháp ăn dặm này đều có ưu và khuyết điểm. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp ăn đúng thời điểm, giai đoạn phát triển, cũng như thể lực của trẻ thế nào mới giúp trẻ phát triển tốt mới là điều quan trọng. Đây là điều không phải bà mẹ nào cũng hiểu và làm đúng”, BS. Sơn chia sẻ.
Lựa chọn cách thức ăn dặm nào cho đúng?
Theo phân tích của BS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi T.Ư, ăn dặm tự chỉ huy là để thức ăn thô cho trẻ chọn. Trẻ phải ngồi được, phải nhặt được thức ăn cho vào miệng, với trẻ dưới 8 tháng, khả năng vận động chưa cao nên việc nắm bắt thức ăn chính xác chưa tốt. Khả năng nhận biết năng lượng của trẻ chưa đủ, nếu không giám sát, theo dõi tăng trưởng của trẻ sẽ rất nguy hiểm.
Cùng nhận định, ông Sơn cho biết: “Mặc dù ưu điểm của ăn dặm chỉ huy sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng cầm, nắm và khẩu vị của trẻ. Tuy nhiên, do đây hoàn toàn là thức ăn thô, không phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Vì vậy, lúc trẻ mới bắt đầu ăn dặm nên áp dụng kiểu ăn truyền thống. Khi trẻ được 8-9 tháng có thể kết hợp ăn chỉ huy và nên xen kẽ. Nếu chỉ áp dụng kiểu ăn dặm chỉ huy trẻ thường ăn ít, dễ mắc suy dinh dưỡng”. Ông Sơn cũng lưu ý, với cách ăn chỉ huy, cha mẹ phải hiểu kỹ về sở thích, thói quen trẻ và dù cho trẻ ngồi cùng mâm với người lớn nhưng phải lưu ý thức ăn dành riêng cho trẻ cần nhạt hơn, thịt cần mềm, hoa quả cần cắt miếng nhỏ tránh để trẻ bị hóc…
Chia sẻ phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, BS. Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết, nếu các mẹ áp dụng được phương pháp này rất tốt. Ưu điểm của ăn dặm kiểu Nhật là hình thành cho trẻ khả năng ăn thô sớm hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống. Thêm vào đó, việc ăn riêng từng loại thức ăn sẽ giúp bé làm quen tốt hơn với mùi vị của từng loại thực phẩm, không bị “hổ lốn” hỗn hợp, không nảy sinh tâm lý ngán ăn... Tuy nhiên, để áp dụng thành công phương pháp này không dễ vì phụ thuộc rất lớn vào sở thích của trẻ. Bởi, có trẻ thích ăn thô sớm, có khi chỉ 10 tháng đã muốn ăn cơm nhưng ngược lại có những trẻ dù hơn 1 tuổi vẫn chỉ thích ăn đồ nhuyễn. BS. Hải cũng cho hay, đã từng gặp bà mẹ kiên trì tập cho con tập ăn dặm kiểu Nhật hàng tháng trời nhưng bất thành vì bé không chịu hợp tác…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận