Chất lượng sống

Sắp có bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm

24/02/2017, 14:22

Sáng 23/2, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao đã tổ chức hội thảo công bố kết quả điều tra người tiêu dùng...

23

Sắp có bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm - Ảnh: Khánh Linh

Theo kết quả điều tra người tiêu dùng VN năm 2016, tỷ lệ người tiêu dùng mua mặt hàng thực phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại chiếm con số áp đảo. Cụ thể, tỷ lệ mua mặt hàng thực phẩm tươi đông lạnh chiếm 63%, rau sạch chiếm 47,5%; còn tại các chợ truyền thống chỉ đạt khoảng từ 9-18% tùy loại mặt hàng. Theo ông Trương Cung Nghĩa, Hội Doanh nghiệp hàng VN CLC, mức độ tập trung người tiêu dùng ở tất cả các kênh phân phối không sôi động bằng những năm trước. Kênh phân phối chợ giảm vị thế so với trước do hệ thống siêu thị hút khách, trong khi kênh phân phối cửa hàng, đại lý, tạp hóa vẫn ổn định do còn tạo được sự thuận tiện trong lựa chọn của người tiêu dùng. Trong chừng mực nhất định, người tiêu dùng vẫn còn quen kiểu mua sắm, giao dịch trực tiếp. Hệ thống phân phối trực tuyến có khởi sắc nhưng chưa chiếm ưu thế, người tiêu dùng chỉ tập trung mua online sản phẩm các ngành thời trang, mỹ phẩm và đồ điện tử giá trị thấp.

Cũng trong kết quả điều tra này, có tới 805 doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam CLC, tăng hơn so với năm trước 127 doanh nghiệp. Trong đó, có 144 doanh nghiệp đạt Hàng VN CLC lần đầu, 42 doanh nghiệp duy trì danh hiệu suốt 21 năm qua.

Kết quả cuộc khảo sát năm nay cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam thể hiện sự lo ngại về ATTP, trong đó 1/4 số người được hỏi lo ngại DN sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất. Đáng lưu ý, dù biết sản phẩm không an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua dùng vì chưa có sản phẩm thay thế trên thị trường, nhất là với ngành Nông sản tươi và thực phẩm đóng hộp…

Qua quá trình điều tra, ông Nghĩa cũng nhận định, “Hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác ngày càng phổ biến. Có DN cho rằng, mất thị trường và phải phá sản cùng vì hàng giả. Xuất hiện tình trạng nhiều DN không sản xuất, chỉ mua sản phẩm của Trung Quốc… về dán nhãn rồi tung ra thị trường”. Mặt khác, theo ông Nghĩa, hiện nhiều cơ sở kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách cảm tính, không có hồ sơ ghi chép từng công đoạn, không thể truy xuất nguồn gốc nguyên liệu…

Để khắc phục tình trạng trên, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam CLC cho biết, bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm sẽ được xây dựng nhằm mục tiêu bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của cả người tiêu dùng lẫn DN làm ăn chân chính. Theo bà Hạnh, bộ tiêu chuẩn này sẽ tổng hợp những tiêu chí phổ quát nhất của Việt Nam với các bộ tiêu chuẩn được thế giới công nhận từ các nền kinh tế phát triển như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Singapore… “Bộ tiêu chí này sẽ là điểm tựa về chất lượng kỹ thuật, là lời cam kết về chất lượng để các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với khu vực và quốc tế”, bà Hạnh cho biết. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.