|
Những ngày tháng bảy tôi thường hay nhìn lên bầu trời. Mây tháng bảy có gì ngổn ngang màu bạc xốp, bạc trắng ngỡ như bềnh bồng mà giấu sau mình những cơn giông ầm ĩ cuối chân trời. Hình như thiên nhiên cũng đồng cảm với lòng người khi tháng bảy về trong lòng ta vời vợi bao nhớ thương những người đã khuất.
Tự nhiên trong tôi vang vọng thiết tha bài hát Màu hoa đỏ: “Có người lính ra đi từ đó không về...”. Ôi cái màu hoa chang chói cho ta hình dung ánh lửa chớp lóe sáng một thời nơi chiến trận. Và máu đào các anh đã thấm vào đất đai Tổ quốc - Tổ quốc bây giờ thật thiêng liêng máu thịt.
Trong ráng chiều tháng bảy hình như trời cũng oi bức hơn không gian như nén lại. Cơn giông của chiến tranh đi qua những vẫn còn đó những cơn giông trong vất vả cuộc sống đời thường. Những cơn sốt rét vẫn âm ỉ trong cơ thể bào mòn từng tế bào, từng hồng cầu. Vết thương vẫn đau nhức khi trái gió, trở trời dù không còn những cơn báo động. Các anh trở về trong vòng tay yêu thương của cộng đồng. Những mái nhà tình nghĩa được dựng lên. Những kèo những cột đan giằng vào nhau để nương tựa, chia sẻ vun đắp những niềm hạnh phúc nho nhỏ.
Trong ráng chiều tháng bảy bao kí ức hiện về với những hiện vật đời lính. Đó là chiếc ba lô con cóc lỗ chỗ vết đạn một thời thấp thỏm trên lưng. Đó là cảnh võng dù chung chiêng với các cảm giác “nằm trên võng cứ thèm nghe tiếng võng”... Tất cả đều vun lên trong ta những nỗi nhớ ấp đầy như mây khói. Có chút gì cay cay khóe mắt. Có chút cồn cào gan ruột. Rồi lắng đọng nhuộm vào ráng chiều cái màu nắng ngút ngàn cuối ngày rừng rực đan xen bao gam màu cung bậc. Được và mất, cho và nhận...
Trong ráng chiều tháng bảy bỗng hắt lên nền trời một sắc cầu vồng lung linh kỳ diệu. Ánh cầu vồng giao thoa bao nỗi niềm đan xen tâm trạng. Cầu vồng tháng bảy chính là sự hồi sinh của những hy sinh mất mát. Cầu vồng ảo ảnh nhưng để lan toả một khát vọng, một ước ao, một bày tỏ, một da diết của những người đã ngã xuống nói với người đang sống hôm nay...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận