Sôi động chuyển đổi phương tiện
Vận tải hành khách công cộng tại Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi trong vòng 20 năm tới chuyển đổi từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe xanh. Trong đó, các dòng xe đô thị thuần điện, xe hybrid, Plug-in hybrid là những lựa chọn phù hợp nhất cho các doanh nghiệp.
Thế nhưng, chỉ đến khi Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM với thương hiệu Xanh SM được thành lập vào tháng 3/2023, taxi điện mới bắt đầu được các doanh nghiệp và người dân quan tâm.
Sau 7 tháng hoạt động, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường, chỉ sau Grab. Đến nay, Xanh SM đã phủ sóng 29 tỉnh, thành cùng đội xe hơn 20.000 ô tô điện với các mẫu chủ đạo gồm VF e34, VF 5 và VF 8. So sánh với các đơn vị khác trong cả lĩnh vực taxi truyền thống và lĩnh vực gọi xe công nghệ, Xanh SM được đánh giá cao nhất về chất lượng dịch vụ, độ phủ, quy mô đội xe và sự hài lòng của khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty GSM cho rằng, ô tô điện càng chạy nhiều sẽ càng tiết kiệm, do đó không thể nói giá xe điện cao thì khả năng hoàn vốn lâu hơn. Nếu ô tô động cơ đốt trong càng chạy lâu càng tốn nhiên liệu thì với ô tô điện, do động cơ và pin tách biệt nên không bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.
Ông Thanh cho biết, 33 đơn vị hợp tác với Xanh SM đều hoàn vốn nhanh hơn so với xe xăng, thậm chí đã có đơn vị sử dụng xe điện hạ giá cước xuống 10.000 đồng/km, đây là mức cước chưa đơn vị taxi xăng nào có được.
Ông Thanh nhìn nhận: "Nếu không có doanh thu, không có lợi nhuận, các đơn vị sao có thể hạ giá cước ở mức như thế?".
Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu hợp tác với GSM như ASV Airports Taxi, HTX vận tải Thanh Hà, Nam Thắng Rạch Giá, Vận tải Quốc tế Sơn Nam, Én Vàng, Xanh Sapa, Bách Đại Dũng, Biển Xanh, Lado Taxi, Sun Taxi, Ahamove...
Trong khi đó, hãng taxi truyền thống Vinasun có chiến lược khác biệt hơn khi công bố kế hoạch đầu tư 550 xe Hybrid trong hai quý cuối năm 2024. Tổng hợp một số kết quả nghiên cứu cho thấy, xe thuần điện của VinFast đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng đến 75 - 80% so với xe dùng động cơ đốt trong.
Xe Hybrid cũng có hiệu suất sử dụng nhiên liệu khá tốt với mức tiết kiệm từ 45 - 50%. Bù lại, xe hybrid không phụ thuộc vào hạ tầng trạm sạc.
Tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh nhiều hãng taxi cùng đầu tư vào xe thuần điện, trong thời gian tới, việc chờ đợi sạc pin có thể sẽ là vấn đề đối với các tài xế.
Ông Đặng Thành Duy, Tổng giám đốc Vinasun Taxi chia sẻ: Theo nghiên cứu và tính toán của Vinasun, tại thị trường Việt Nam còn đang trong quá trình hoàn thiện về cơ sở hạ tầng cũng như vấn đề liên quan rác thải pin. Vì thế Vinasun quyết định chọn dòng xe hybrid vì có thể giảm tới 50% nhiên liệu so với xe xăng, đồng thời không mất chi phí thời gian chờ sạc điện.
"Việc đầu tư xe hybrid không chỉ giúp Vinasun tiết kiệm chi phí vận hành mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của công ty là một doanh nghiệp xanh và bền vững. Ngoài ra, xe hybrid còn mang lại trải nghiệm êm ái, thoải mái và sang trọng cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường", ông Duy nói.
Trong nỗ lực đạt được mục tiêu Net Zero, phương tiện giao thông đường bộ sẽ đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh nhóm phương tiện giao thông công cộng như taxi hay xe buýt, các phương tiện cá nhân bao gồm xe máy và ô tô cũng được xem là trọng tâm trên tiến trình xanh hóa.
Cần đồng bộ hạ tầng đến chính sách
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền, hiện cả nước có khoảng 1 triệu phương tiện kinh doanh vận tải, vận chuyển hơn 4 tỷ lượt khách mỗi năm. Khi chuyển đổi sang xe điện, giá cước vận tải sẽ giảm theo, tạo điều kiện cho số lượt hành khách tăng lên. Con số 4 tỷ lượt khách hiện tại có thể vươn tới 7 tỷ, 8 tỷ lượt hoặc thậm chí vượt xa hơn nữa trong tương lai.
Để phát triển giao thông xanh một cách bền vững, ông Quyền cho rằng, không nên chỉ dừng lại ở quy định mà đòi hỏi sự đồng bộ từ hạ tầng đến chính sách. Điều này nhằm đảm bảo lợi ích tối ưu cho người dân và đất nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong lĩnh vực vận tải đường bộ.
Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp vận tải chính là nguồn vốn để đầu tư, tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng «xanh hóa». Để có thể chuyển đổi từ xe cũ sang các dòng xe thân thiện môi trường, doanh nghiệp vận tải buộc phải thay thế phương tiện.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa hoàn thành khấu hao tài sản của các xe hiện tại. Đối với xe nhỏ, việc thanh lý có thể dễ dàng nhưng với các xe lớn cần nhiều thời gian. Chưa kể, khi đầu tư một phương tiện lên tới hàng tỷ đồng nhưng lúc thanh lý chỉ thu lại vài trăm triệu.
"Bên cạnh đó, khi nguồn cầu tăng có thể thúc đẩy giá thành xe giảm, cùng với các chính sách hỗ trợ thêm của Nhà nước như giảm lãi suất, sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải đạt được mục tiêu chuyển đổi phương tiện trong thời gian tới", ông Quyền nhìn nhận.
Làm gì để đạt mục tiêu?
Triển khai các cam kết của Việt Nam tại COP26, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mêtan của ngành GTVT.
Trong phát triển hạ tầng giao thông xanh, hiện Việt Nam đã xây dựng được một số tuyến đường sắt đô thị, hàng trăm xe buýt điện, hàng chục nghìn ô tô điện, xe máy điện đang vận hành.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới là kết quả bước đầu, cần tiếp tục dành nguồn lực, có cơ chế, chính sách ưu tiên để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng phương tiện. Đây là vấn đề rất quan trọng để thực hiện mục tiêu đầy thách thức là giảm phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, có 3 kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong GTVT đến năm 2050 gồm: Kịch bản phát triển GTVT theo hướng phát thải thông thường; kịch bản quốc gia tự thực hiện giảm phát thải bằng nguồn lực trong nước và kịch bản hướng tới phát thải ròng bằng 0 có sự hỗ trợ của quốc tế.
Các kịch bản này sử dụng 4 giải pháp chính gồm: Sử dụng năng lượng hiệu quả, chuyển đổi phương tiện cá nhân sang công cộng, chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, chuyển đổi nhiên liệu, năng lượng.
Từ đó, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, để đạt được các mục tiêu cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển xe điện; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng lưới điện đáp ứng lộ trình chuyển đổi; tăng cường hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ; có cơ chế huy động nguồn lực và phân bổ vốn đầu tư.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc huy động nguồn lực để thực hiện cam kết là thách thức rất lớn. Do nguồn lực rất lớn nên ngoài vốn mồi của Nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng, cần tiếp tục khơi thông nhằm huy động các nguồn lực khác tham gia.
Nhiều việc phải làm
Trong kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT đến năm 2030 vừa được ban hành, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030, ô tô điện chiếm 30% và xe máy điện chiếm 22% trong tổng số xe lưu hành.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, từ nay đến năm 2030, Cục Đăng kiểm VN, Cục Đường bộ VN và Cục Đường cao tốc VN cần sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến ô tô điện, xe mô tô, xe gắn máy điện. Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về trạm dừng nghỉ, trong đó có số lượng vị trí lắp đặt trụ sạc điện, hạ tầng cung cấp điện trong trạm dừng nghỉ.
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, với mục tiêu phát triển xanh và bền vững, Luật Đường bộ 2024 đã quy định việc tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; phát triển giao thông thông minh; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, vật liệu bền vững, thân thiện môi trường…
Để giảm phát thải trong giao thông đường bộ, một trong những giải pháp hữu hiệu là khuyến khích phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện.
Luật Đường bộ 2024 cũng có quy định cụ thể về việc các trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện này. Như vậy, tới đây việc phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ không chỉ khuyến khích xây dựng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường mà còn khuyến khích, tạo điều kiện để các phương tiện lưu thông trên đó sử dụng năng lượng xanh.
Theo đó, đến năm 2030 toàn bộ xe máy đảm bảo đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100km; toàn bộ ô tô từ 9 chỗ trở xuống được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu.
Phương tiện mới áp dụng quy định trên theo lộ trình đạt 30% tổng số phương tiện vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.
Giai đoạn 2024 - 2030, các thành phố lớn tiếp tục phát triển xe buýt CNG (sử dụng khí thiên nhiên) bảo đảm mục tiêu đến 2030, tổng số xe buýt CNG là 623 xe gồm 423 xe tại TP.HCM và 200 xe tại Hà Nội.
Ngoài ra, Bộ GTVT đưa ra các biện pháp chuyển đổi vận tải từ đường bộ sang các phương thức vận tải thân thiện môi trường như đường sắt, đường thủy nội địa và đường ven biển, trong đó có tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy. Bộ GTVT cho biết kế hoạch trên nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giảm 5,9% lượng phát thải so với kịch bản phát triển thông thường.
Cần chính sách hỗ trợ người dùng
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội: Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sử dụng xe xăng sang xe điện có rất nhiều ưu điểm. Với ô tô điện, những chi tiết cấu thành lên ô tô giảm đi rất nhiều. Do đó, chi phí chăm sóc bảo dưỡng cũng giảm nhiều, không cần phải thay dầu mỡ, thay lọc gió, thay lọc dầu.
Ô tô điện cũng có nhiều lợi ích như không có hộp số. Trong khi mô-tơ điện bền hơn động cơ đốt trong nên những bộ phận về cơ khí của ô tô điện bền hơn xe động cơ đốt trong. Vì ít chi tiết cấu thành nên rủi ro của xe cũng ít hơn. Từ đó, tổng chi phí để nuôi một xe taxi điện cũng giảm hơn so với xe xăng truyền thống. Mặt khác, đi taxi điện êm, không mùi xăng nên chất lượng phục vụ khách hàng cũng tốt hơn.
Việc lựa chọn các dòng xe hybrid nói riêng để kinh doanh dịch vụ vận tải cũng hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, hầu hết các xe hybrid có giá bán cao hơn so với xe động cơ đốt trong cùng kiểu loại, trang bị nhưng có ưu điểm là tiết kiệm nhiên liệu hơn và bảo vệ môi trường.
Nếu lựa chọn xe hybrid, chi phí đầu tư ban đầu có thể cao hơn xe động cơ đốt trong nhưng bù lại trong quá trình sử dụng xe được lợi hơn về chi phí nhiên liệu. Xe hybrid nếu sử dụng càng nhiều trong thời gian ngắn như các xe kinh doanh vận tải thì chi phí nhiên liệu tiết kiệm được càng nhiều, từ đó càng sớm bù lại được khoản chênh lệch về giá bán ban đầu.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp vận tải mua nhiều xe, đàm phán được giá bán tốt hơn với nhà phân phối thì còn giảm được khoản chênh lệch về giá bán. Vì vậy, sử dụng xe hybrid để kinh doanh dịch vụ vận tải, chạy nhiều là hoàn toàn phù hợp và khả thi.
Để thúc đẩy xe xanh kinh doanh vận tải cần có các chính sách hỗ trợ người dùng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Tuỳ vào mức độ phát thải của các loại xe xanh mà từ đó có thể đưa ra chính sách ưu đãi cho người mua tương ứng, ví dụ xe điện không phát thải thì ưu đãi cao nhất, xe hybrid phát thải thấp thì vẫn ưu đãi như thấp hơn. Ưu đãi có thể áp dụng vào hỗ trợ mua xe, miễn lãi suất khi vay mua xe xanh.
Xe điện mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Taxi Én Vàng tại Hải Phòng: Bài tính đơn giản là 1km vận tải xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng để mua xăng. Còn xe điện chỉ tốn chỉ 400 - 600 đồng. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng.
Giải pháp của Én Vàng khi vận hành xe điện là lựa chọn hình thức thuê pin để có thời gian kiểm chứng hiệu quả, chất lượng. Bởi khi chạy nhiều, phải tính đến nhu cầu, khả năng khai thác và phương thức phù hợp. Chính sách thuê pin mang lại hiệu quả. Bình quân 1 tháng xe chạy 4.000 - 6.000km thì lái xe lợi 3.000.000 - 4.000.000 đồng so với xe xăng.
Trước đây, xe xăng có thể tự xây dựng hệ thống bảo trì, bảo dưỡng đơn giản nhưng với xe điện, câu chuyện lại nằm ở phần mềm. Ban đầu, tài xế chưa quen, có trục trặc không biết xử lý sao. Nhưng để khắc phục, doanh nghiệp mời kỹ thuật viên VinFast sang đào tạo vận hành, sử dụng các phần mềm, tính năng của xe.
Vận tải là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thói quen sang sử dụng năng lượng sạch. Trước hết, cần tăng cường truyền thông đến người dân về lợi ích bảo vệ môi trường của ô tô điện và các dòng xe xanh.
Ngoài ra, cần có quy hoạch bắt buộc về cơ sở hạ tầng trạm sạc, ưu tiên, khuyến khích những nơi tập trung đông người như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch... sử dụng xe năng lượng sạch để bảo vệ môi trường. Cùng đó, cần những chính sách trợ giá từ Chính phủ như chính sách miễn phí trước bạ cho xe điện hiện tại, cần kéo dài hơn nữa.
Taxi điện đang là xu thế
Ông Nguyễn Ngọc Đồng, Giám đốc Taxi Đồng Thúy (LADO TAXI) tại Lâm Đồng: Công ty đang có tổng cộng 1.200 xe điện và xe xăng. Riêng địa bàn Lâm Đồng có 200 xe điện và 400 xe xăng, còn lại là xe hoạt động các tỉnh, thành phố khác. Trong năm 2024, GSM cung cấp cho Lado Taxi khoảng 500 xe điện và đến năm 2025, 2026 là 2.000 xe.
So với xe xăng, xe điện giảm 50% chi phí năng lượng vận hành dẫn đến lợi nhuận từ xe điện tăng cao so với xe xăng, giúp công ty tiết kiệm đến 37% chi phí tổng thể. Mỗi xe điện chỉ cần có doanh thu 1.000.000 đồng/ ngày là công ty đạt điểm hòa vốn. Lái xe chạy 1.300.000 - 1.400.000 đồng doanh thu mỗi ngày là có lợi nhuận tốt.
Khi Lado Taxi chuyển sang kinh doanh xe điện, vấn đề nan giải nhất chính là số trạm sạc còn ít. Thời gian đầu, xe điện cũng xảy ra những lỗi về phần mềm. Nhiều lúc công ty có đến 5 - 6 xe phải vào xưởng kiểm tra. Tuy nhiên, Công ty GSM có chính sách hỗ trợ mỗi xe nằm xưởng 1.000.000 đồng/ ngày, cũng giúp công ty bớt gánh nặng chi phí nằm xưởng. Đây là những chính sách rất tốt của GSM dành cho các doanh nghiệp nhỏ đang đứng trên vai "người khổng lồ" để phát triển.
Dự kiến, Lado Taxi sẽ thay thế 90% xe xăng cũ và có đội xe 3.000 chiếc vào năm 2026. Hiện tại, các hãng taxi truyền thống không thể kinh doanh 100% xe điện hay 100% xe xăng, nhưng nếu đi theo xu hướng thế giới thì hầu hết sẽ chuyển sang xe điện. Điển hình như Trung Quốc, xe điện đã phổ biến mọi nơi.