Sáng 26/7, CBRE Việt Nam tổ chức họp báo công bố về tình hình thị trường BĐS nhà ở tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận 6 tháng đầu năm 2022.
Theo CBRE, năm 2021, thị trường BĐS Đà Nẵng chứng kiến sự suy giảm nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng bị ngưng trệ khi hoạt động du lịch "đóng băng".
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận dự báo tăng sức cung, cầu trong 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: Thanhnien
Kể từ giai đoạn mở cửa đầu năm 2022 đến nay, Đà Nẵng dần lấy lại đà phát triển khi chú trọng hơn vào các dự án BĐS nghỉ dưỡng và tiếp tục mở rộng phát triển chuỗi đô thị thông minh với kỳ vọng đưa thành phố vào bản đồ đô thị sống và nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, Đà Nẵng sở hữu một tiềm lực rất lớn về phân khúc BĐS nghỉ dưỡng với sự hiện diện của hàng loạt khu resort hàng hiệu cao cấp. Giờ đây, thành phố tiếp tục thay đổi diện mạo khi chú trọng đầu tư hơn vào những dự án khu đô thị thông minh, hiện đại.
"Đây chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong những khu vực thu hút được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu trong nước và quốc tế trong thời gian tới”, bà Dung cho biết.
Đại diện CBRE đánh giá, phân khúc đất nền tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận trong nửa đầu năm 2022 có khoảng 11 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 1,556 nền, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 60%, tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, phân khúc căn hộ trong 6 tháng đầu năm 2022 có 5 dự án mở bán, tập trung toàn bộ tại Đà Nẵng, cung cấp ra thị trường khoảng 386 căn, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới ở mức thấp, chỉ đạt 44%, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
"Còn tại Quảng Nam không ghi nhận nguồn cung mới mở bán, sự khan hiếm này có thể sẽ kéo dài trong 2 - 3 năm tới", CBRE nhận định.
Phân khúc nhà phố - biệt thự ghi nhận 7 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 656 căn, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ chung trên toàn thị trường đạt khoảng 83% tương đương 542 căn, gấp 2.5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, condotel tuy vẫn có nguồn cung nhưng về cơ bản không cao.
Đặc biệt, theo CBRE, ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, thị trường đón nhận nguồn cung mới đến từ 3 dự án với khoảng 103 căn, gấp 6.8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 54%, gấp 28 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.
Lượng tiêu thụ trong kỳ hầu hết tập trung vào những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín và có giá bán dao động từ 15 - 30 tỷ đồng/căn. Chi phí đầu vào, lạm phát ngày càng tăng tạo áp lực lên giá bán, do đó giá bán sơ cấp ghi nhận mức tăng từ 8% - 10% so với nửa đầu năm 2021.
Theo dự báo từ DKRA Việt Nam, nguồn cung mới của phân khúc đất nền trong 6 tháng cuối năm dao động từ 2,000 - 2,500 nền, tập trung chủ yếu ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), thị xã Điện Bàn, TP.Hội An (Quảng Nam).
Sức cầu chung toàn thị trường dự báo tăng, tập trung vào các dự án có pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn thiện và đặc biệt các dự án gần khu vực giáp sôngsẽ có lợi thế cạnh tranh.
Còn ở phân khúc căn hộ, phân khúc nhà phố/biệt thự... sẽ chỉ duy trì nguồn cung như 6 tháng đầu năm hoặc trở nên khan hiếm hơn, nhất là ở các vùng phụ cận Đà Nẵng.
Theo CBEW Việt Nam, đối với bất động sản nghỉ dưỡng, sức cầu chung thị trường có thể tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm nhưng khó có sự gia tăng đột biến. Giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng tăng do áp lực chi phí đầu vào, lạm phát, lãi suất,... Những dự án được quản lý vận hành bởi thương hiệu quốc tế 4 - 5 sao tiếp tục được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận