Bà lang Bích “lấy gió” và bấm huyệt chữa cho một trẻ tự kỷ |
Bằng phương pháp “lấy gió” và bấm huyệt, bà lang Nùng cho biết, đã chữa được chứng tự kỷ cho trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phương pháp này chưa được kiểm chứng khoa học.
“Lấy gió” và bấm huyệt, chữa được tự kỷ(?)
Thời gian qua, thông tin bà lang Nùng Lục Thị Bích (Thịnh Liệt, Hà Nội) chữa khỏi chứng tự kỷ cho trẻ khiến nhiều gia đình có con mắc hội chứng này sôi sục tìm kiếm. Phương pháp chữa trị của bà Bích được giới thiệu khá đơn giản, chỉ cần “lấy gió” bằng hai đồng bạc, bấm huyệt, bôi rượu ngâm lá dân tộc và với thời gian điều trị 3 - 4 tháng.
Chiều 30/3, trong vai người có con mắc tự kỷ đến tìm hiểu, chúng tôi tìm đến nơi chữa bệnh của bà Bích. Căn nhà nhỏ nằm gần cuối đường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa là nơi ở, vừa là nơi hành nghề chữa bệnh của bà Bích. Không biển báo nhưng rất dễ nhận ra nơi chữa bệnh bởi tiếng khóc của những đứa trẻ đang được điều trị trong nhà bà Bích. Tiếp khách, một người đàn ông tự giới thiệu là người phụ việc cho biết, chỉ với “lấy gió” và bấm huyệt, bà Bích có thể chữa được nhiều bệnh, trong đó có tự kỷ.
Tuy nhiên, cách chữa bệnh bước đầu khá phản cảm bởi “lấy gió” với nhiều vết bầm tím trên cơ thể, sau đó mới bấm huyệt. Khi nhận bệnh nhân, tùy từng mức độ bệnh, bà Bích sẽ quyết định thời gian, thông thường 3 - 4 tháng làm liên tục chỉ trừ ngày nghỉ cuối tuần. Theo đó, bà Bích bắt đầu bằng việc “lấy gió” cho trẻ từ cổ, ngực, lưng và hai tay, chân, bấm huyệt. Việc này thực hiện trong 2 tuần. Thời gian sau, chỉ “lấy gió” cổ, bấm huyệt; đánh gió bằng đồng bạc.
“Bà Bích bắt đầu chữa tự kỷ cho trẻ từ cuối năm 2012, đến nay có 20 trẻ đã được chữa khỏi. Có đứa trẻ tự kỷ không chịu nói, đêm khó ngủ hay tăng động đã được chữa trị. Hiện, lượng bệnh nhân đăng ký đông lắm, khoảng chừng 300 trẻ đến từ nhiều nơi, cả Pháp, Mỹ… Do đông bệnh nhân nên giờ bà Bích phải đào tạo thêm một người phụ “lấy gió”, còn bà Bích chỉ bấm huyệt thôi”, người đàn ông cho biết.
Trong lúc tìm hiểu, tận mắt PV đã chứng kiến cảnh một bé trai chừng 3 tuổi, nằm xấp trên thảm, cha và mẹ giữ chặt chân tay để một người phụ nữ giúp việc “lấy gió” khiến cả tấm lưng đỏ sậm. Còn ở giường bên cạnh, bà Bích đang day huyệt đầu, cổ cho một trẻ chỉ chừng hơn 1 tuổi với sự trợ giúp của người mẹ.
Đưa cậu con trai 5 tuổi đến điều trị được gần một tuần, chị N.T.T cho biết: “Con trai chị được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ từ khi mới 2,5 tuổi. Chị đã cho con tham gia nhiều hình thức can thiệp, kể cả uống thuốc nhưng hiệu quả còn hạn chế. Cháu vẫn chậm giao tiếp, thích chơi một mình và học hành, vui chơi đều mất tập trung. Lần này nghe có người nói bà Bích chữa được nên chị đã đưa con đến thử”.
Còn anh T.M.K. cho biết, không rõ con trai có bị mắc chứng tự kỷ hay không, song cháu thường không chịu nói, ít giao tiếp, khó ngủ, hay chạy. Sau một thời gian tới điều trị tại nhà bà Bích, kết quả khả quan, trẻ hòa đồng giao tiếp, nói có tiến bộ.
Cần phải được kiểm chứng khoa học
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Vũ Song Hà, Phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe & dân số, người có nhiều năm nghiên cứu về hội chứng tự kỷ cho hay: “Tự kỷ là một rối loạn phát triển phức tạp, do sự bất thường trong phát triển của não bộ. Cho đến nay, chưa có một biện pháp nào có thể chữa khỏi được tự kỷ và các biện pháp can thiệp được thừa nhận về mặt khoa học hiện đều đòi hỏi quá trình lâu dài và tích cực”.
Việt Nam hiện có khoảng 160 nghìn trẻ mắc chứng tự kỷ. Một số “dấu hiệu sớm” của tự kỷ: Không cười lớn hoặc có biểu hiện vui vẻ hay yêu thương từ lúc 6 tháng tuổi trở đi; Không phát ra các âm thanh chia sẻ qua lại, cười hoặc những biểu hiện cảm xúc qua nét mặt khi 9 tháng tuổi; Không có những cử chỉ giao tiếp qua lại như: Chỉ, khoe, với và vẫy khi 12 tháng tuổi; Không chỉ vào những đồ vật để chia sẻ sự hứng thú; Không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi; Dễ buồn hay tức giận với những thay đổi nhỏ… |
Bà Hà cũng cho biết, trong danh sách các biện pháp can thiệp với trẻ tự kỷ có kiểm chứng khoa học hiện không có phương pháp “lấy gió, bấm huyệt”. “Các gia đình có con mắc chứng tự kỷ vốn đã rất dễ bị “nhiễu” thông tin về can thiệp tự kỷ. Cần phải được làm rõ đầu vào trẻ điều trị tại đây có được xác định là trẻ tự kỷ hay không? Trong quá trình điều trị tại đây có tham gia can thiệp nào khác không?”, bà Hà đặt vấn đề.
Bà Hà cũng cho biết, việc phát hiện sớm và can thiệp sớm có ý nghĩa quan trọng cho việc trị liệu trẻ mắc chứng tự kỷ. Tới nay, việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường tập trung vào hoạt động luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp, xã hội và kỹ năng tự phục vụ bản thân…
“Chính vì vậy, nếu quá tin vào các biện pháp can thiệp, điều trị chưa có đủ các bằng chứng khoa học sẽ khiến trẻ mất cơ hội can thiệp sớm, đúng đắn. Không chỉ tốn kém thời gian, tiền bạc, các phương pháp chưa được kiểm chứng còn gây mất lòng tin của các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ”, bà Hà cho biết.
Cùng quan điểm, ông Phạm Việt Hoàng, BV Đa khoa Tuệ Tĩnh cho hay, phương pháp bấm huyệt, cạo gió đã được ứng dụng trong điều trị Đông y. “Bấm huyệt cũng đang dần được ứng dụng trong can thiệp chứng tự kỷ. Tuy nhiên, để đánh giá về sự thành công của phương pháp này vẫn cần có sự kiểm chứng khoa học cụ thể”, ông Hoàng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận