Chưa quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ xe, lái xe
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay vận tải đường bộ phải đảm nhận tỷ trọng lớn, chưa cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, còn các đơn vị vận tải nhỏ lẻ, manh mún; vẫn còn tình trạng xe chạy rỗng, hiệu quả kinh doanh chưa cao; thị trường vận tải hàng hóa hiện mới đang từng bước minh bạch.
Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ quản lý vận tải còn thiếu và không được thường xuyên cập nhật nhằm nắm bắt kịp sự thay đổi của thị trường vận tải thực tế; công tác quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe vẫn còn bất cập.
Cụ thể, hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 mới chỉ quy định trách nhiệm đối với lái xe ô tô vận tải hành khách (Điều 70), chưa quy định trách nhiệm cụ thể đối với lái xe ô tô vận tải hàng hóa.
Về trách nhiệm của chủ phương tiện, hiện nay chưa có quy định cụ thể về chủ phương tiện cũng như trách nhiệm của chủ phương tiện, mới chỉ quy định trách nhiệm của người kinh doanh vận tải hàng hóa đối với hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải hàng hóa trái quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Các quy định hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể các trách nhiệm khác của đơn vị kinh doanh vận tải khi thực hiện không đúng các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh dẫn đến tai nạn giao thông như: Giao phương tiện cho người chưa được khám sức khoẻ, ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến dẫn đến người lái xe phải lái xe quá giờ, làm việc quá thời gian trong ngày theo quy định hoặc lái xe phải chạy quá tốc độ.
Về quản lý lái xe kinh doanh vận tải, theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT thì đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện quản lý lái xe, thực hiện cập nhật thông tin về lái xe vào Hồ sơ lý lịch lái xe và cung cấp thông tin thông qua phần mềm quản lý lái xe của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, việc này vẫn đang được thực hiện thủ công, dữ liệu cập nhật vào Hồ sơ lý lịch lái xe do đơn vị kinh doanh vận tải tự cập nhật và lưu trữ tại đơn vị, nguyên nhân là do chưa có nguồn kinh phí để xây dựng phần mềm quản lý, chưa liên thông được các hệ thống quản lý vận tải hiện có.
Kinh doanh vận tải còn thiếu minh bạch giữa các loại hình
Tại báo cáo, Chính phủ nhìn nhận: Hiện nay, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hoạt động kinh doanh vận tải đang được phân loại thành: xe buýt, xe taxi, xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng taxi tải, kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng, kinh doanh vận tải hàng hóa nguy hiểm.
Các loại hình kinh doanh vận tải chưa được phân định rõ ràng đã gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thiếu minh bạch giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau.
"Tình trạng "xe dù, bến cóc" diễn biến phức tạp và ngày càng khó kiểm soát giữa xe tuyến cố định và xe hợp đồng trá hình, một số loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải mới hình thành chưa có quy định để quản lý kịp thời (xe hợp đồng điện tử) dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với xe taxi", báo cáo nêu rõ.
Từ đó, Chính phủ cho rằng cần nghiên cứu các giải pháp quản lý khoa học, toàn diện để sửa đổi các loại hình kinh doanh vận tải tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho phù hợp với thực tế nhằm mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và các loại hình vận tải, hạn chế "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng trá hình tuyến cố định.
Sửa Luật siết chặt quản lý, đổi mới hoạt động vận tải
Đồng thời, Chính phủ cũng kiến nghị tiếp tục rà soát để xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động vận tải. Tăng cường đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về vận tải nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý vận tải. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, đặc biệt là việc theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Theo tìm hiểu của PV, tại dự thảo Luật Đường bộ dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp sắp tới, Điều 64 đã bổ sung quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, như: Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn của xe trước khi tham gia giao thông; Khi vận chuyển hàng hóa, phải mang theo giấy vận tải và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc sắp xếp hàng hóa bảo đảm an toàn; không chở quá khối lượng hàng hoá cho phép tham gia giao thông hoặc vượt quá khổ giới hạn của xe; Không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng định vị vệ tinh toàn cầu, sóng viễn thông hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe.
Cùng đó, bổ sung trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; phải đảm bảo công tác quản lý an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô; Không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật…
Ngoài ra, tại dự thảo Luật TTATGT đường bộ cũng bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu về: Người điều khiển xe cơ giới; giấy phép lái xe chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; Sức khỏe của người lái xe, sẽ là cơ sở quan trọng để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải cũng như đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận