Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính |
Sáng 29/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, đây là Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư nhận định, hiện nay tổ chức Nhà nước ở cơ quan T.Ư địa phương còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo. Bên cạnh đó, số bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ dù đã có nhiều đổi mới nhưng hiện vẫn còn 30 đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ, đơn vị. Trong khi đó, ở Nhật Bản con số này chỉ là 11 đơn vị, Singapore là 15, Trung Quốc 20… So với các nước châu Âu, Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều. So với các nước, Trưởng ban Tổ chức Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam vẫn là cao nhất.
Về đơn vị hành chính cấp địa phương, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư thông tin, năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, tăng 178 huyện, 1.136 xã…
Cũng theo ông, những năm qua chỉ có xu hướng là phải tách đơn vị hành chính ra chứ không có nhập vào. Trong 10 năm qua chỉ giảm duy nhất được một tỉnh là việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.
Đề cập đến hiệu quả trong việc việc sáp nhập đơn vị hành chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư lấy dẫn chứng việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. "Lúc bàn thì khó khăn vô cùng, với rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Ví như sáp nhập vào rồi thì truyền thống văn hóa, lịch sử, kinh phí, đặc biệt là công tác cán bộ sẽ ra sao? Sáp nhập phòng đã khó vì hai ông trưởng phòng nay chỉ còn chọn một ông. Sáp nhập cấp tỉnh còn khó khăn gấp bội vì cũng là Uỷ viên Trung ương”, Trưởng ban Tổ chức chia sẻ.
Nhưng ông cũng đánh giá, sau gần 10 năm nhìn lại thì thấy quyết sách sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội là “đúng đắn, thành công, hiệu quả”, mở ra không gian cho sự phát triển. Mọi khó khăn lúc đầu đặt ra đến nay cũng đều được giải quyết.
“Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường sao không làm được? Hà Tĩnh hiện nay đang sáp nhập thôn, bản. Tỉnh Hòa Bình đang nghiên cứu nhập xã. Ở một số nơi đang nghiên cứu sáp nhập huyện. Sáp nhập được là giảm ngay đội ngũ", ông Chính nhấn mạnh và khẳng định, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội là bài học sống động, cho thấy khó mấy cũng làm được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận