Giao thông

Từ đường bay "vàng", cần chấm dứt việc cổ súy những thông tin sai lệch

09/09/2014, 17:46

Để tạo động lực cho hàng không phát triển, cần sớm chấm dứt việc cổ suý những luồng thông tin sai lệch, thiếu công bằng, gây nhiễu loạn thông tin...

Các phi công bay thử nghiệm đường bay thẳng từ Hà Nội đi TP HCM qua không phận Lào, Campuchia trên hệ thống buồng lái giả định
Các phi công bay thử nghiệm đường bay thẳng từ Hà Nội đi TP HCM qua không phận Lào, Campuchia trên hệ thống buồng lái giả định

Không biết bao nhiêu giấy mực, thời gian, tiền bạc, của cải và cả uy tín của ngành HKVN, của các tờ báo và những người tham gia…đã tiêu tốn vào cuộc tranh luận liên miên từ mấy năm nay  quanh cái gọi là đường bay "vàng”(ĐBV).

Cái tên ĐBV được nêu ra từ những năm 1980 do phi công Mai Trọng Tuấn đề xuất trong dự án “VUETA” với nội dung là mở cửa bầu trời, mặt đất…khai thác mọi tiềm năng để phát triền hàng không, du lịch…trong đó có đường bay thẳng HN-SG. Phải nói VUETA đề ra điều kiện tất yếu cho sự phát triển của ngành HKVN. 

Tuy nhiên, dự án đó còn phụ thuộc tình hình kinh tế-xã hội từng thời kỳ nên đến nay mới được thực hiện một số nội dung. Riêng đường bay thẳng HN-TPHCM thì chưa đủ điều kiện triển khai. 

Lý do tại sao đường bay nhìn trên bản đồ thì rất hiệu quả mà thực tế chỉ giảm được 5 phút bay so với đường bay hiện hữu thì như các chuyên gia, đại biểu ngành HKVN, quân đội, các hãng HKVN đã đưa ra. Cục Hàng không VN cũng đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng và thông tin cho báo chí. Tôi không có chuyên môn để khẳng định đúng, sai nhưng đủ hiểu biết để nhận định những phản bác của TS Trần Đình Bá về đường bay này mang nhiều ngộ nhận.

Đáng tiếc, những phát ngôn không có cơ sở, không đúng sự thật và mang tính quy chụp của ông Bá đã được nhiều tờ báo đăng tải mà không có sự kiểm chứng hoặc thẩm định đã làm nhiễu thông tin, làm mất lòng tin của xã hội vào cơ quan nhà nước. 

Là một nhà báo đã từng làm trong ngành hàng không lâu năm, từng tham gia nhiều loạt bài đấu tranh chống tiêu cực, tôi xin được mạn phép bày tỏ quan điểm quanh câu chuyện đường bay "vàng" đã khiến những người trong ngành bức xúc lâu nay.

Thứ nhất, việc nối hai điểm với nhau bằng một đường cong một đường thẳng thì ai cũng biết ngay đường thẳng ngắn hơn và mọi sự di chuyển đều muốn theo đường thẳng. Thế nhưng, tại sao bản thân các hãng hàng không Việt Nam lại không chọn và đòi hỏi khai thác con đường này? Nếu đường bay này khả thi thuận lợi thì các hãng hàng không phải là người đòi hỏi trước tiên. 

Đã từng làm báo ở ngành hàng không tôi biết việc liên tục khảo sát để nắn, chỉnh các đường bay sao cho tối ưu nhất là một trong những nhiệm vụ của nhà chức trách (Cục Hàng không VN) và là đòi hỏi cấp thiết từ phía các doanh nghiệp vận tải. 

Những năm gần đây việc nắn chỉnh một số đường bay trong mạng bay ở VN đã làm lợi cho các hãng hàng không VN hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, việc nắn, chỉnh đường bay  phụ thuộc nhiều yếu tố: Sự cho phép của cơ quan quản lý bầu trời (Bộ Quốc phòng), tình hình tiến bộ kỹ thuật dẫn đường, tình hình biến chuyển ở mặt đất…

Việc nhiều báo đăng tải ý kiến của ông Trần Đình Bá phát biểu cáo buộc Cục, các hãng hàng không cố tình bưng bít, trốn tránh không mở các đường bay tối ưu, gây thiệt hại mỗi năm 300 triệu USD, theo tôi vừa thiếu căn cứ vừa hết sức vô lý. Bởi vì đó là nhiệm vụ của nhà chức trách  hàng không, là lợi ích của các hãng HK. Không có bất cứ lý do, lợi lộc gì khi nhà chức trách, các hãng vận tải HKVN trốn tránh khai thác một đường bay mới có lợi hơn cho họ so với đường bay cũ. Và thực tế, khi bay kiểm tra trên buồng lái giả định với các phương thức bay tối ưu nhất, đường bay thẳng từ Bắc vào Nam qua Lào, Campuchia giảm được 5 phút bay chứ không phải 26 phút bay như một số ý kiến đưa ra trước đó. Tuy nhiên, để giảm được 5 phút bay này, Cục Hàng không VN, Bộ GTVT cũng đang đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục nghiên cứu, có phương án tổ chức lại bầu trời, đàm phán với Lào Campuchia về phí quá cảnh, chuẩn bị hạ tầng mới có thể áp dụng theo lộ trình.

Việc ông Bá lý giải do không khai thác ĐBV nên các hãng hàng không VN thua lỗ “trên bờ phá sản” cũng hoàn toàn không chính xác. Thời gian gần đây do khủng hoảng kinh tế, phần lớn các hãng HK trên thế giới đều gặp khó khăn chứ không riêng HKVN. Hãng Quantas của Australia, một hãng HK lớn, lâu đời có thành tích an toàn, kinh doanh cỡ nhất thế giới đã lỗ 2,5 tỷ USD trong tài khóa 2012-2013. Từ tháng 5 năm 2014, do TQ đưa giàn khoan vào biển VN gây căng thẳng hai nước Việt –Trung, lượng khách đi máy bay giảm đột ngột, thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hong kong và nội địa…của các hãng hàng không sút giảm nên các hãng HKVN bị lỗ hoặc giảm lợi nhuận cũng là chuyện dễ hiểu.

Vừa qua, nhân ĐBV có nhiều thông tin không chính xác, thậm chí cáo buộc, mạt sát vô căn cứ về các hãng hàng không, nhà chức trách hàng không được đăng tải công khai trên nhiều tờ báo mà không được đối chứng, kiểm chứng. Điều này gây tổn hại cho uy tín các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt khi có hãng đang thực hiện cổ phần hóa. 

Cũng như nhiều ngành khác, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó khăn, việc tăng cường quản lý, tiết kiệm mọi mặt kể cả khai thác các đường bay tối ưu đồng thời tăng cường chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…là rất cần thiết.

Thiết nghĩ, để tạo động lực cho hàng không phát triển, cần sớm chấm dứt việc cổ suý những luồng thông tin sai lệch, cố tình bóp méo, thiếu công bằng, gây nhiễu loạn thông tin, gây suy giảm lòng tin của nhân dân về tính trung thực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Nguyễn Đình Ấm

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.