Khái niệm về BIM còn mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt việc triển khai áp dụng trong các công trình giao thông còn chưa phổ biến, mặc dù hiệu quả của BIM đã được đánh giá rất cao, các nước phát triển áp dụng rộng rãi từ nhiều năm nay. BIM góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí…
Lợi ích trong giai đoạn thiết kế lẫn thi công
BIM là quá trình tạo lập và sử dụng thông tin công trình bằng kỹ thuật số, được ứng dụng trong quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành công trình. BIM là trụ cột trong quá trình chuyển đổi số của ngành xây dựng. Việc áp dụng BIM giúp quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành tự động hóa, minh bạch, hạn chế sai sót, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Cụ thể trong giai đoạn thiết kế: Ứng dụng BIM để tạo lập các mô hình thiết kế, xử lý các xung đột, giao cắt, giảm thiểu các sai sót, bất hợp lý mà trong quá trình thiết kế truyền thống thường hay mắc phải.
Kiểm soát khối lượng từ mô hình: Mô hình thiết kế chi tiết để trích xuất khối lượng chính xác, khắc phục nhược điểm lâu nay trong công tác thiết kế truyền thống là hay sai sót trong vấn đề bóc tách khối lượng do thực hiện một cách thủ công.
Tăng cường tương tác, phối hợp giữa các bên tham gia dự án: Tương tác các bên tham gia dự án thông qua môi trường dữ liệu chung (CDE: Common Data Environment) một cách tập trung, nâng cao hiệu quả của sự phối hợp, giúp giảm thời gian hội họp.
Tiếp theo giai đoạn thiết kế, giai đoạn thi công áp dụng BIM để quản lý tiến độ, sản thi công thực tế một cách chặt chẽ, khoa học thông qua việc ứng dụng BIM 4D và BIM 5D.
Đặc biệt, số hóa dữ liệu, mô hình BIM được lập ra trong giai đoạn thiết kế được bổ sung các thông tin trong giai đoạn thi công để làm mô hình hoàn công. Các mô hình được lưu trữ trực tuyến giúp cho việc chia sẻ được thuận lợi phục vụ cho việc quản lý vận hành.
Ứng dụng BIM trong một số công trình trọng điểm
Tại TP.HCM, đơn vị tiên phong trong việc cung ứng giải pháp của BIM áp dụng trong công trình giao thông là Công ty IDECO Việt Nam.
Ông Trần Văn Tâm, Giám đốc Công ty IDECO cho rằng, việc triển khai áp dụng BIM càng sớm càng tốt, triển khai ngay từ giai đoạn ban đầu có hiệu quả càng cao, phát huy tối đa lợi ích của BIM vì BIM mang tính kế thừa, các thông tin áp dụng cho giai đoạn đầu sẽ được sử dụng triệt để cho giai đoạn sau.
Lợi ích của áp dụng BIM cho toàn bộ vòng đời của dự án. Nếu được triển khai ngay từ giai đoạn thiết kế, thì tư vấn BIM và tư vấn thiết kế nên cùng một đơn vị, nếu 2 đơn vị này khác nhau thì dễ dẫn đến sự chồng chéo, giảm hiệu quả của việc áp dụng BIM.
IDECO là công ty đầu tiên trên cả nước triển khai ứng dụng BIM trong một số công trình trọng điểm như Metro 2 (Bến Thành - Tham Lương); Nút giao thông An Phú; Đường Trần Quốc Hoàn nối vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Vành đai 3 TP. HCM…
Theo ông Tâm, các dự án triển khai áp dụng BIM tại TP.HCM trong thời gian qua đều là các dự án trọng điểm, có quy mô phức tạp và đều triển khai với tiến độ rất gấp. Việc áp dụng BIM với các mô hình có tính trực quan, dễ hình dung, giảm các sai sót do nhầm lẫn.
Mặc khác, việc ứng dụng các phần mềm trong tiến trình BIM đều mang tính tự động cao, các bản vẽ và khối lượng được trích xuất từ mô hình, giảm các sai sót trong triển khai chi tiết các bản vẽ và bóc tách khối lượng do cách làm thủ công khi áp dụng các phần mềm CAD thông thường.
Ngoài ra, các dự án này đều nằm trong đô thị, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm chằng chịt. Việc áp dụng BIM đã xử lý các giao cắt góp phần chuẩn hóa hồ sơ, giảm việc xử lý hiện trường cho sai sót của hồ sơ thiết kế.
Đơn cử như ứng dụng BIM trong di dời hạ tầng dự án metro số 2. Hồ sơ thiết kế bao gồm các mô hình BIM như hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, các mô hình di dời tạm, mô hình phụ trợ thi công, mô hình thiết kế… các công trình ngầm.
Với BIM việc thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế dễ dàng hơn với sự hỗ trợ từ các mô hình BIM thông qua môi trường dữ liệu chung CDE để các bên liên quan dự án tương tác với mô hình và phối hợp với nhau trong suốt quá trình thiết kế, giám sát, quản lý dự án và thi công.
Hiện nay có rất nhiều hãng cung cấp môi trường dữ liệu chung như ứng dụng BIM 360 của Autodesk, Trimble Conect của hãng Trimble, BCDE của hãng Bentley,…
Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp trên đều chưa đáp ứng hết nhu cầu của các bên tham gia dự án và đặc biệt chưa phù hợp với thực trạng ngành xây dựng nước ta, khi áp dụng vào dự án mang lại hiệu quả tương tác không cao.
Từ những nhu cầu thực tế, IDECO phát triển môi trường dữ liệu chung BIMNEXT, có các tính năng phân quyền người dùng, nhóm người dùng, mô hình cộng tác, chia sẻ thông tin, chức năng lưu trữ, tổ chức dữ liệu,…. để các bên thuận lợi trong quá trình tương tác, nhằm mang lại hiệu quả cao về quản lý chất lượng và tiến độ công trình.
"Việc rút ngắn thời gian từ công tác chuẩn bị đến triển khai thi công cũng như giảm các sai sót, phát sinh trong quá trình thi công có ý nghĩa lớn trong việc tiết kiệm chi phí cho dự án". ông Tâm nói và cho biết BIM còn có ý nghĩa phục vụ công tác quản lý, vận hành khi đưa công trình vào khai thác sử dụng, phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận