Ngày 28/9, Sohu đưa tin khán giả Trung Quốc phát hiện hai bộ phim cung đấu đình đám một thời là “Diên Hi công lược” và “Hậu cung Như Ý truyện” bị gỡ bỏ trên các nền tảng xem online. Hiện, khi tìm kiếm về “Diên Hi công lược” trên iQIYI, chỉ còn trailer cùng một số đoạn cắt ngắn. Trong khi đó, “Hậu cung Như Ý truyện” biến mất hoàn toàn trên Tencent.
Mặc dù phía nhà phát hành từ chối giải thích về vấn đề trên, nhưng động thái này được cho là “phát súng” đầu tiên của Cục Điện ảnh Trung Quốc sau gần một năm ban hành lệnh cấm phim cung đấu.
Beijing Daily giải thích rằng, những cuộc chiến tranh giành sự sủng ái hay củng cố quyền lực trong phim cung đấu là “tác nhân xấu” với xã hội Trung Quốc. Dòng phim này đang gián tiếp cổ xúy lối sống xa hoa, hào nhoáng của các triều đại phong kiến. Điều này đi ngược lại với tinh thần lao động cần cù, siêng năng và tiết kiệm mà Nhà nước đề cao.
Những bộ phim này thậm chí còn biến những nhân vật như hoàng đế, phi tần trở thành giới thần tượng, mất đi giá trị lịch sử. Ngoài ra, những thủ đoạn, âm mưu, đấu đá lẫn nhau không phù hợp với các giá trị cốt lõi theo chủ trương của xã hội.
Trên BBC, Giáo sư Stanley Rosen, chuyên gia người Trung Quốc tại Đại học Nam California khẳng định: “Cục Điện ảnh Trung Quốc đang mạnh tay hành động trước khi mọi chuyện đi theo chiều hướng tệ hơn”. Ông cho rằng hai tác phẩm đình đám trên đang truyền bá những giá trị lệch lạc. Nội dung phim cũng không thể hiện được tinh thần và giá trị cốt lõi mà các nhà quản lý văn hóa Trung Quốc muốn thấy.
Đồng quan điểm, ông Tống Cảnh - giáo sư thuộc trường Đại học Trung văn Hương Cảng cho hay: “Nhiều bộ phim cung đấu sở hữu sức lan tỏa mang tính toàn cầu. Việc hạ lệnh cấm có thể tác động tiêu cực đến vị thế của nền điện ảnh Trung Quốc. Tuy mạo hiểm, nhưng đây là nước đi cần thiết”.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc - cái nôi của phim cung đấu đã có những quy định chặt chẽ với dòng phim này như vậy. Phải chăng, sau hàng loạt phim có kịch bản từ tiểu thuyết ngôn tình, đã đến lúc khán giả cần khắt khe hơn với dòng phim cung đấu. Bởi, phim ảnh không chỉ là giải trí mà còn bao hàm cả tư tưởng văn hóa, giá trị lịch sử.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận