Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)

Hành trình Vượt sóng - Vươn xa - Tiến vào kỷ nguyên mới

Gần 30 năm kể từ ngày thành lập, đã có lúc chặng hành trình của “con tàu” Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) bị sóng gió làm chao đảo. Nhưng vượt qua khó khăn, VIMC vẫn sừng sững giữa đại dương để vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới. 

Tiên phong mở đường

Những ngày cuối năm 2024, trên đại dương bao la, hàng chục con tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vẫn bận rộn trong hành trình chở các chuyến hàng cập bến an toàn.

Gần 30 năm qua, mặc dù thị trường biến đổi không ngừng, VIMC đã trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong mở cửa hợp tác, hội nhập quốc tế, cung cấp dịch vụ phạm vi toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Hành trình Vượt sóng - Vươn xa - Tiến vào kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Tòa nhà Ocean Park - Trụ sở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).

Được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (lúc đó có thương hiệu Vinalines) mang trên vai sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam.

Thời điểm thành lập, Tổng công ty có 24 doanh nghiệp thành viên với đội tàu có 49 chiếc hầu hết đều đã "già", tổng trọng tải chưa đến 400.000 DWT. Hệ thống cảng biển với 6.900m cầu bến chưa được nâng cấp, không có bến chuyên dụng, trang thiết bị lạc hậu, năng suất thấp.

Vạch xuất phát tuy nhiều khó khăn nhưng với những nỗ lực của ban lãnh đạo và các nhân viên, đến năm 2000, đội tàu của Tổng công ty đã tăng lên 79 chiếc, tổng trọng tải hơn 844.000 DWT. Giai đoạn này, Vinalines trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa vào khai thác chuyên tuyến vận tải container nội địa bằng các tàu container mới, tạo ra bước phát triển lớn trong vận tải container ở Việt Nam.

Năm 2001, Đề án phát triển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2001 - 2005, định hướng đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành bước đệm cho Vinalines trên hành trình từng bước đổi mới, tổ chức và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo dựng uy tín, thương hiệu Vinalines trên thương trường hàng hải khu vực và quốc tế.

Hành trình Vượt sóng - Vươn xa - Tiến vào kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

VIMC chú trọng phát triển đội tàu xanh, giảm phát thải.

Sau 10 năm thực hiện sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thay đổi căn bản với 46 doanh nghiệp thành viên. Thành quả tích cực thấy rõ khi hết năm 2005, Vinalines nắm trong tay gần 9.000m cầu cảng, 104 tàu biển với tổng trọng tải gần 1,2 triệu DWT, tuổi tàu trung bình giảm xuống còn 17,4.

Kết quả sản xuất kinh doanh cũng đầy ấn tượng khi sản lượng vận tải biển năm 2005 đạt gần 22 triệu tấn, tăng hơn 5 lần so với năm 1995. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 37 triệu tấn, tăng hơn 3 lần và tổng doanh thu năm 2005 cũng tăng gấp 5 lần so với năm 1995, đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

"Vượt sóng"

Bước đệm 10 năm đầu thành công đã tăng cường vị thế của Vinalines trên trường hàng hải khu vực và quốc tế. Những năm 2005 - 2010, Tổng công ty trở thành doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về đội tàu vận tải biển (150 tàu, 3,4 triệu tấn trọng tải). Giai đoạn này, hệ thống cảng nước sâu cũng dần được hình thành và xây dựng.

Những tưởng hành trình sẽ êm đềm, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2008 đã khiến "con tàu" Vinalines rơi vào vòng xoáy đầy bão táp. Như lời Chủ tịch Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn, giai đoạn tái cấu trúc từ 2010 - 2020 là thử thách lớn với Tổng công ty và toàn ngành hàng hải quốc tế. Nhu cầu vận tải biển giảm mạnh, chi phí vận hành tăng khiến nhiều doanh nghiệp phải rút lui hoặc thu hẹp quy mô.

Hành trình Vượt sóng - Vươn xa - Tiến vào kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Cảng biển là một trong những trụ cột kinh doanh của VIMC.

Nhớ lại thời kỳ khó khăn đó, theo ông Sơn, Vinalines phải đối mặt với gánh nặng nợ xấu từ các dự án đầu tư trước đây, sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ quốc tế, sự già hóa của đội tàu…

"Để vượt qua thách thức, Tổng công ty đã triển khai các giải pháp chiến lược như tái cơ cấu toàn diện, tập trung thoái vốn khỏi các dự án không hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị và tối ưu hóa nguồn lực; chuyển đổi mô hình kinh doanh, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển dịch vụ logistics tích hợp và áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành. Đồng thời, tái đầu tư vào con người và công nghệ, ưu tiên đào tạo nhân lực và xây dựng đội tàu hiện đại, thân thiện với môi trường", ông Sơn chia sẻ.

Những bước đi táo bạo và quyết đoán đã giúp Tổng công ty vượt qua khủng hoảng để bước tới giai đoạn mới với nhiều thay đổi, hình thành một diện mạo hoàn toàn mới.

Vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới

Bước qua khó khăn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên. Với việc tập trung hoạt động vào 3 lĩnh vực là vận tải biển, khai thác cảng biển, dịch vụ hàng hải và logistics, Vinalines từng bước đi vào hoạt động ổn định, kinh doanh có lãi.

Năm 2018, một cột mốc được thiết lập trên hành trình đầy biến động của Vinalines. Với phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng công ty rẽ hướng sang hành trình mới: Cổ phần hóa.

Hành trình Vượt sóng - Vươn xa - Tiến vào kỷ nguyên mới- Ảnh 4.

Hơn 5 triệu cổ phiếu (trên tổng số 480 triệu cổ phiếu) được đăng ký mua thời điểm đó đã cho thấy "con tàu" Vinalines vẫn băng sóng ra khơi.

Đặc biệt, ngày 18/8/2020 trở thành dấu mốc quan trọng khi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chính thức chuyển thành Công ty cổ phần với bộ nhận diện thương hiệu mới: VIMC.

Từ đây, VIMC liên tục đột phá về tăng trưởng và lợi nhuận. Chỉ 2 năm đầu cổ phần hóa, VIMC đã mang về tổng doanh thu 41.850 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,7%/năm.

Doanh thu thực hiện hàng năm tăng hơn 50% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận đạt 7.359,55 tỷ đồng. Tổng công ty cũng lọt Top 50 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.

"Trái ngọt" đạt được đã không dễ dàng, giữ được thành quả ấy cũng đầy gian nan, nhất là trong bối cảnh ngành hàng hải đang đứng trước nhiều đổi thay.

Với vai trò là doanh nghiệp chủ lực trong ngành hàng hải Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC khẳng định, doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển và khẳng định vị thế.

Chiến lược phát triển tập trung vào ba lĩnh vực cốt lõi gồm: Cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và hạ tầng logistics, định hướng phát triển xanh và bền vững giúp VIMC xây dựng nền tảng vững chắc để hiện thực hóa tầm nhìn, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng hải hàng đầu khu vực.

Chúng tôi tự hào rằng, dù khó khăn đến đâu, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn luôn vững vàng với sứ mệnh “chinh phục đại dương, đưa Việt Nam ra thế giới.
Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Cụ thể, doanh nghiệp đang tích cực đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tập trung phát triển đội tàu thế hệ mới, thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và bảo vệ môi trường biển.

"Đặc biệt, trong bối cảnh các thỏa thuận thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội, VIMC tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có cùng lợi thế địa lý để phát triển thành một trung tâm logistics khu vực, đáp ứng nhu cầu giao thương của các nước trong khu vực và quốc tế", ông Tĩnh nói và cho biết thêm, doanh nghiệp cũng chú trọng mô hình phát triển "xanh", hướng tới sự phát triển bền vững, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ hệ sinh thái biển.

26/12/2024, 15:58