Hoành tráng với những hiệu ứng công nghệ
Người cầm lái - vở nhạc kịch thuần Việt được xây dựng bằng hình thức giao hưởng kết hợp đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là câu chuyện về cuộc đời, những năm tháng tuổi trẻ ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, người sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình ảnh trong vở nhạc kịch “Người cầm lái”
Hoành tráng với những hiệu ứng công nghệ
Người cầm lái - vở nhạc kịch thuần Việt được xây dựng bằng hình thức giao hưởng kết hợp đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm là câu chuyện về cuộc đời, những năm tháng tuổi trẻ ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, người sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với 3 hồi “Quê hương”, “Tiếng vọng non sông”, “Chuyến tàu định mệnh”, tác phẩm khai thác các chất liệu âm nhạc truyền thống từ những điệu múa dân gian đương đại, tới nhạc cụ dân tộc.
Ngoài ra, sự mới lạ còn ở việc kết hợp truyền thống cùng hiện đại, có nghệ thuật Opera hòa quyện với thi pháp thể loại của sân khấu truyền thống.
Để làm nổi bật tư tưởng và tầm vóc của Người, sân khấu được nghiên cứu kỹ lưỡng. Không gian sân khấu mở nhằm tạo không gian tôn vinh nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ và nhạc công dân tộc độc tấu, song tấu, hòa tấu trên nền dàn nhạc giao hưởng.
Đặc biệt, sân khấu tận dụng tối đa hiệu ứng công nghệ để tác động trực quan vào xúc cảm và sự thấu hiểu của người xem.
Cụ thể, phối cảnh sân khấu là sự tương tác giữa hiệu ứng công nghệ của hình họa visual ảo, kết hợp tổng thể thiết kế sân khấu có cảnh trí cứng và cảnh động (là nghệ thuật trình diễn của nghệ sĩ múa, dàn hợp xướng).
Trong đó, sân khấu có thiết kế nổi hình bản đồ Việt Nam. Lần đầu tiên, một màn hình led cong được dựng ôm lấy bản đồ, để tạo ra hiệu ứng về thị giác, thính giác.
“Điều này nhằm gửi gắm thông điệp và suy tưởng mở cho khán giả hình dung về chặng đường từ Bắc vào Nam, từ đất liền ra biển cả, vượt trùng dương đến với những nền văn minh xa xôi của Người”, Tổng đạo diễn Tuyết Minh chia sẻ.
Bỏ hết show diễn để vào vai Bác Hồ
Đại úy Lê Hồng Tuân đảm nhận vai Bác Hồ từ lúc là Nguyễn Tất Thành tới khi là Già Thu
Theo đạo diễn Tuyết Minh, thách thức lớn nhất khi dựng vở nhạc kịch chính là truyền tải hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau.
Trong vở, hình tượng của Bác được tái hiện qua nhiều độ tuổi, từ lúc là Nguyễn Sinh Côn 5 tuổi cùng cha mẹ và anh cả từ Nam Đàn vào kinh thành Huế. Kế đó là một thanh niên tuổi đôi mươi Nguyễn Tất Thành lập chí lớn ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Một Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài và một Già Thu khi Người về nước năm 1941.
Có khoảng 10 bài hát đã được viết mới hoàn toàn để phục vụ cho việc truyền tải điều này. Ca từ các bài nhạc được cô đọng từ những câu văn dài thành các câu thơ vần, sau đó cô gọn và hoán vị từ ngữ để phát huy hết được vẻ đẹp của thanh sắc tiếng Việt, cũng như bám sát nội dung cảnh diễn.
Đồng thời, tác phẩm lần này quy tụ ê-kíp hùng hậu với hàng trăm nghệ sĩ, đảm nhận các vai trò từ hát, diễn xuất, múa… NSND Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an nhân dân còn hé lộ trong quá trình dựng vở, nhà hát liên tiếp có hàng chục nghệ sĩ nhiễm Covid-19, gây gián đoạn trong việc tập luyện. Tuy nhiên, tất cả đều nỗ lực để khắc phục khó khăn.
Trong đó, Đại úy Lê Hồng Tuân là tâm điểm của vở nhạc kịch khi anh đảm nhận vai diễn Bác Hồ từ khi là thanh niên Nguyễn Tất Thành tới khi là Già Thu.
Với Đại úy Tuân, đây vừa là vinh dự, cũng là áp lực không nhỏ với anh để có thể truyền tải được phong cách và một hình tượng lớn.
Ngay từ khi nhận được kịch bản, anh đã dành tất cả thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu kịch bản cũng như các tài liệu về Bác, để hình dung được phong cách và hoạt động của Người vào thời điểm đó.
Suốt mấy tháng qua, Đại úy Tuân còn gác hết các show diễn, nghỉ đi dạy nhạc bên ngoài để có thêm thời gian luyện tập, tập trung cho vai diễn đạt được kết quả tốt nhất.
Theo Đại úy Tuân, bản thân anh có lợi thế khi được sinh ra ở vùng quê Nghệ An nên không phải học nói tiếng Nghệ. Việc của anh là cần rèn giũa, tiết chế các âm sắc nặng trong giọng nói. Ngoài ra, xuất thân là ca sĩ nên phần hát không làm anh quá áp lực.
Điểm khiến Hồng Tuân lo lắng nhất là phần diễn xuất, bởi nhạc kịch đòi hỏi diễn viên không chỉ có khả năng hát mà còn diễn xuất, nhảy múa.
May thay, Nhà hát Công an nhân dân, nơi Hồng Tuân công tác có đoàn kịch nói. Đích thân Giám đốc Nhà hát đã cử các đạo diễn kịch sang dạy anh diễn xuất. Riêng về phần vũ đạo, anh dí dỏm: “Bác là người điềm đạm nên may là tôi không phải múa”.
Vở diễn “Người cầm lái” được Thạc sĩ, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh lên kịch bản nhạc kịch và tổng đạo diễn; với sự chỉ đạo nghệ thuật của Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an Nhân dân.
Cố vấn nghiệp vụ công an nhân dân cho vở diễn là Trung tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bảy; Cố vấn nghệ thuật: PGS.TS. Tạ Quang Đông; Cố vấn âm nhạc: PGS.TS. Đỗ Hồng Quân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận