Điều tra

Vụ dí roi điện ở Quảng Nam: Công an sử dụng roi điện trong trường hợp nào?

04/10/2021, 11:06

Người thi hành công vụ được sử dụng công cụ như roi điện, dùi cui điện trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật.

Người thực thi công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong trường hợp nào?

Vụ việc công an phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) sử dụng roi điện dí vào thanh niên còng tay đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Hậu, Công ty Luật hợp danh FDVN nhìn nhận: Hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang xác minh để làm rõ vụ việc, do đó, chưa thể kết luận các nội dung liên quan cụ thể vào lúc này.

Tuy nhiên, theo quy định về việc sử dụng công cụ hỗ trợ, người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ như roi điện, dùi cui điện trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật, trường hợp không cần thiết thì không cần sử dụng.

img

Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật hợp danh FDVN.

Luật sư Trần Hậu cho biết: Theo quy định tại Điều 61 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì người được giao công cụ hỗ trợ như roi điện, dùi cui điện khi thực hiện nhiệm vụ trong 5 nhóm các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, các trường hợp mà đối tượng đang có những hành vi hoặc thuộc các hoàn cảnh, trường hợp bắt buộc và cần thiết phải sử dụng cô cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 23 của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

Thứ hai là, ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ ba là, ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Thứ tư là, ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy.

Cuối cùng là, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.

"Từ các quy định đã dẫn cho thấy, chỉ trong những trường hợp nêu trên, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ mới được sử dụng. Trong trường hợp sử dụng công cụ hỗ trợ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Hậu chia sẻ.

img

Hình ảnh nam thanh niên bị người mang sắc phục công an liên tục dí roi điện vào người được lan truyền trên mang xã hội. Ảnh cắt từ clip trên mạng xã hội Facebook.

Cần quản lý, giám sát nghiêm việc sử dụng công cụ hỗ trợ

Luật sư Hậu cho biết thêm: Ngoài ra, khi sử dụng công cụ hỗ trợ như roi điện, dùi cui điện thì phải tuân thủ nguyên tắc theo quy định tại Điều 22 của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.

Theo đó, cần phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định, trong đó có các nguyên tắc như: Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng công cụ hỗ trợ; Chỉ sử dụng công cụ hỗ trợ khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Nếu việc sử dụng công cụ hỗ trợ không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay...

"Như vậy, không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng công cụ hỗ trợ, đồng thời cần phải tuân thủ những nguyên tắc theo luật định. Trường hợp sử dụng không đúng trường hợp, không đúng nguyên tắc thì sẽ có thể bị xem là có dấu hiệu vi lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ và là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 4, Điều 5 của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)", luật sự Hậu nhấn mạnh.

Theo luật sư Hậu, hiện nay, vụ việc đang được xem xét bởi các cơ quan có thẩm quyền xem có sự việc vi phạm pháp luật về sử dụng công cụ hỗ trợ hay không? Trong trường hợp nếu có sự vi phạm thì pháp luật hiện hành có quy định người vi phạm có thể phải bị xử phạt hành chính theo các quy định tại Điều 10 ghị định số 167/2013/NĐ-Chính phủ; hoặc nếu hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ trái luật của người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi như chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ; hoặc nếu có các hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ trái pháp luật khác được quy định tại Điều 306 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

"Việc xử lý trách nhiệm vi phạm nếu có của các cá nhân sẽ được thực hiện nếu có vi phạm và cần được xác minh làm rõ. Nếu việc sử dụng công cụ hỗ trợ đúng pháp luật sẽ phát huy hiệu quả công vụ, mang lại lợi ích cho việc thực thi pháp luật, còn trong trường hợp có hành vi lạm dụng thì lại dẫn đến những hệ lụy tác hại không đáng có. Vậy nên, vấn đề sử dụng công cụ hỗ trợ trong công vụ cần được quản lý, giám sát thực sự nghiêm túc", luật sư Hậu nhìn nhận.

Trước đó, Báo Giao thông có thông tin phản ánh, ngày 3/10, trên mạng xã hội lan truyền clip nam thanh niên liên tục bị một người mang sắc phục công an dí roi điện vào người xảy ra ở Quảng Nam. Trong khi xác minh làm rõ vụ việc, cơ quan thẩm quyền Quảng Nam đã tạm đình chỉ công việc một cán bộ công an phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.