Sự sống trở lại trên dòng sông
Dọc theo bờ sông Thái Bình chảy qua địa bàn tỉnh Hải Dương, khung cảnh hiện tại đã khác hẳn so với những ngày sau khi bão số 3 (Yagi) tràn qua.
Thay vì hình ảnh hàng trăm lồng cá tan hoang, xiêu vẹo, giờ đây là cảnh người dân tất bật chăm sóc những lồng cá.
Các loại cá như chép giòn, điêu hồng, cá lăng... đang được nuôi dưỡng khỏe mạnh để kịp phục vụ nhu cầu thị trường tết Ất Tỵ.
Ông Đinh Bá Hà, Phó chủ tịch UBND xã Thái Tân, huyện Nam Sách cho biết, toàn xã từng có tới 70 lồng cá bị chìm hoặc hư hỏng nặng. Ngay sau khi bão tan, người dân đã khẩn trương khôi phục sản xuất. Đến nay, khoảng 430 lồng cá đã hoạt động trở lại.
"Thời tiết từ sau bão tương đối thuận lợi, cộng với giá cá tăng đã tạo động lực lớn cho bà con yên tâm tiếp tục chăn nuôi," ông Hà cho hay.
Anh Hoàng Đình Chinh, một người nuôi cá tại thôn Mạc Bình, xã Thái Tân, chia sẻ: "Nguồn nước sau lũ sạch hơn, cá ít bệnh tật hơn. Gia đình tôi đã khôi phục được 42 lồng cá, trong đó có 25 lồng sẽ được xuất bán vào dịp Tết. Với giá bán từ 115.000 - 120.000 đồng/kg, mỗi lồng cá mang lại lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng".
Tương tự, tại xã Hà Thanh - vùng nuôi cá lồng lớn nhất huyện Tứ Kỳ với gần 600 lồng, hiện nay nhiều hộ đã hồi phục sản xuất và bán được cá với giá cao hơn trước.
Chị Nguyễn Thị Nhàn ở thôn Hữu Chung chia sẻ, gia đình chị đã bán được 4 lồng cá trắm với giá tốt hơn sau bão, giúp chị có thêm động lực tiếp tục đầu tư cho 9 lồng cá dự kiến xuất bán dịp Tết.
"Sau bão lũ, cá lồng khan hiếm, giá bán cao hơn trước nên bà con phấn khởi. Thời tiết trong giai đoạn này thuận lợi, nước sông sạch hơn nên việc khôi phục vùng nuôi cá lồng đang diễn ra khá tốt", Chủ tịch UBND xã Hà Thanh Phạm Xuân Thức cho hay.
Hỗ trợ từ chính quyền và doanh nghiệp
Thiên tai không chỉ làm mất mát tài sản mà còn khiến nhiều hộ nuôi cá lồng ở Hải Dương đối diện với bài toán kinh tế nan giải. Ông Nguyễn Văn Tựu ở xã An Thượng, TP Hải Dương cho biết, trận bão đã cuốn trôi toàn bộ 8 lồng cá của gia đình, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Không còn tài sản thế chấp, ông phải vay mượn người quen để khôi phục tạm thời hai lồng cá.
"Tôi chỉ mong ngân hàng tạo điều kiện khoanh nợ, giảm lãi suất và mở rộng nguồn vốn vay để có thể tái thiết nghề nuôi," ông Tựu nói.
Tương tự, anh Đỗ Danh Chức ở xã Minh Tân, huyện Nam Sách, đã phải chi khoảng 700 triệu đồng để sửa chữa và thay thế lồng cá hư hỏng. Tuy nhiên, anh vẫn chưa thể khôi phục như trước do thiếu vốn.
"Nếu ngân hàng xem xét mở rộng vốn vay dựa trên tài sản đang thế chấp, chúng tôi sẽ có thêm điều kiện cải tạo cơ sở vật chất và trả tiền thức ăn chăn nuôi," anh Chức chia sẻ.
Để giúp người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống và thức ăn chăn nuôi.
Công ty Cargill Việt Nam và Công ty HAID Hải Dương đã hỗ trợ 2 triệu con cá rô phi giống, 10 tấn thức ăn chăn nuôi và gần 20 triệu đồng tiền mặt cho người dân. Một số đại lý cũng thực hiện chính sách giãn nợ và giảm giá từ 5-7 nghìn đồng/bao thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, giá thức ăn hiện vẫn ở mức cao, khoảng 440 nghìn đồng/bao trả ngay và 460 nghìn đồng/bao trả chậm, tạo áp lực lớn cho các hộ nuôi.
Ông Đào Minh Thiêm, Chủ tịch Hiệp hội Cá lồng xã Hà Thanh đề xuất: "Nhà nước nên có chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp giãn thời gian thanh toán để bà con giảm bớt khó khăn".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận