Chiếc áo khoác trị giá tới 12.459 USD bà Clinton mặc khi diễn thuyết về bất bình đẳng |
Dư luận Mỹ được phen xôn xao sau khi phát hiện nữ ứng viên Tổng thống thuộc đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton mặc một chiếc áo hiệu Giorgio Amarni có giá lên tới 12.459 USD trong cuộc vận động tranh cử.
Không phải người Mỹ nào cũng mua được
Bài phát biểu tại New York của bà Clinton tập trung vào chủ đề bất bình đẳng trong thu nhập, tạo công ăn việc làm và giúp người dân bảo đảm cuộc sống khi về hưu. Bà Clinton đã nỗ lực thể hiện mình là người mà công chúng Mỹ nên lựa chọn trong cuộc tranh cử Tổng thống sắp tới, theo New York Post ngày 5/6.
Thế nhưng, bà Clinton dường như đã tạo ra một “cơn bão dư luận”, khi người ta phát hiện cựu Ngoại trưởng Mỹ mặc một chiếc áo khoác trị giá tới 12.459 USD (280 triệu VND) khi diễn thuyết về quyền bình đẳng trong xã hội. Tờ New York Post bình luận, bà Clinton dường như đã lột xác kể từ khi tham gia tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ này. Bởi trong quá khứ, khi còn là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà Clinton không gây được ấn tượng với các trang phục mà bà mặc, nếu không muốn nói có phần… lôi thôi và cẩu thả. Khi trở thành Thượng nghị sĩ New York và làm việc trong Nhà Trắng, bà đã cải thiện được nhiều về việc ăn mặc.
Tuy nhiên, so với Đệ nhất phu nhân hiện tại của nước Mỹ là bà Michelle Obama - người thậm chí có tới vài lần xuất hiện trên bìa tạp chí thời trang Vogue, Hillary Clinton tỏ ra “yếu thế” rõ rệt về cách ăn mặc.
New York Post cho rằng, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một nữ ứng viên đầu tư cho trang phục để tham gia tranh cử Tổng thống, nhất là với một người có tiềm năng như bà Clinton, bà hoàn toàn có thể đầu tư những bộ cánh hàng hiệu, những bộ sưu tập đắt tiền… Song, mức giá 12.459 USD không phải người Mỹ nào - hay không nhiều người Mỹ có thể mua chúng. Năm 2015, ước tính thu nhập trung bình của người dân đạt trên 40.000 USD/ năm.
“Cuộc sống vốn dĩ không công bằng”
Khoan bàn tới chuyện đắt rẻ của thương hiệu thời trang nổi tiếng Italia, điều khiến dư luận Mỹ xôn xao là việc bà Clinton mặc nó để diễn thuyết về sự bình đẳng trong xã hội.
Cũng chẳng có gì đáng bàn khi bà Clinton muốn thay đổi hình ảnh của mình trong mắt công chúng trong cuộc chạy đua Tổng thống. Bà thậm chí đã “thay máu” một loạt đội ngũ tư vấn trang phục, chỉ mặc và chọn những thương hiệu thời trang cao cấp của châu Âu. Đặc biệt, Hillary Clinton chọn đội ngũ chuyên gia tư vấn hình ảnh gồm cựu trợ lý của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Kristina Schake, chuyên gia trang điểm Barbara Lacy.
Người ta ước tính, toàn bộ chi phí cho những trang phục, các thiết kế được Clinton chọn trong mùa bầu cử này, ít nhất là 200.000 USD. Trong đó gồm cả những trang sức như: Bộ ngọc trai Mikimoto đắt tiền, Chanel, dây chuyền của các hãng Marco Bicego, Joan Hornig và Robert Lee Morris… (mỗi món đồ đều có giá hàng ngàn USD).
Ở góc độ thời trang, các chuyên gia có cái nhìn tích cực về sự thay đổi phong cách ăn mặc của bà Clinton. Nhưng, “ở một khía cạnh nào đó, người ta thấy cách bà Clinton thể hiện đi ngược lại với những thông điệp của bà”, tờ New York Post bình luận về việc bà Clinton mặc chiếc áo khoác hàng hiệu diễn thuyết về sự bình đẳng. Trong khi những người khác thậm chí mỉa mai rằng: “Hy vọng bà Clinton thành công trên con đường tranh cử của mình hơn là lĩnh vực thời trang của bà.”
Lauren Rothman, một chuyên gia tư vấn hình ảnh ở Washington cho rằng, Hillary Clinton nên kiềm chế phô trương nếu không muốn vấp phải những phản ứng dữ dội. “Thực tế, những lựa chọn thời trang của bà chỉ khiến người ta chú ý rằng bà ấy đã chi bao nhiêu. Bởi giống như ứng viên Sarah Palin khi tham gia tranh cử (năm 2008) cử tri vốn chỉ nhớ đến những bộ cánh thời trang hào nhoáng”.
Câu chuyện của Clinton làm nhiều người nghĩ tới một câu nói nổi tiếng của tỷ phú người Mỹ Bill Gates: “Cuộc sống vốn dĩ không công bằng. Hãy chấp nhận nó!”. Có vẻ như điều này hoàn toàn trái ngược với thông điệp mà bà Clinton muốn gửi tới dân chúng Mỹ. Đến chiều tối qua, chính giới và đảng Cộng hòa vẫn chưa bình luận gì về việc này.
Tuy nhiên, các nhà quan sát lo ngại, bê bối sử dụng email cá nhân cho công việc, sử dụng hòm thư mật để trao đổi thông tin riêng trước đó và sự cố hàng hiệu lần này rất có thể sẽ tạo cơ hội cho đối thủ của bà Clinton (Donald Trump) tận dụng để công kích trong cuộc đua giành phiếu vào Nhà Trắng.
Bà Clinton trở thành nữ ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên Ngày 7/6, theo khảo sát của tờ AP, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đạt được số phiếu cần thiết để trở thành người đại diện Đảng Dân chủ chạy đua Tổng thống. Theo CNN, hiện bà Clinton đã đạt được 1.812 phiếu thường và 572 phiếu siêu đại biểu - vượt 1 phiếu so với quy định (2.383 phiếu). Nếu kết quả được xác thực trong vài ngày tới, bà Clinton sẽ trở thành phụ nữ đầu tiên trong lịch sử 240 năm của nước Mỹ đại diện một chính đảng tham gia cuộc đua Tổng thống. Ngày thứ ba 7/6, các bang California, New Jersey, New Mexico, Montana, Nam Dakota sẽ bỏ phiếu sơ bộ. Vòng bỏ phiếu sơ bộ cuối cùng được tổ chức vào ngày thứ ba tới (14/6). Bà Clinton từng phát biểu rằng, mặc dù không phải là ứng cử viên Tổng thống trẻ nhất, song bà mong mình sẽ là “nữ Tổng thống Mỹ trẻ nhất”.Trong khi đó, đối thủ của bà Clinton - Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố sẽ bám trụ đến cùng, cho đến Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ dự kiến diễn ra từ ngày 25-28/7 (thời điểm chốt lại ứng viên cuối cùng). Xuân Minh |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận