Bộ GTVT luôn chủ động làm việc với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông, vận tải để tiếp thu ý kiến nhằm hoạch định chính sách - Ảnh: Tiến Mạnh |
2015 là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI (2011 - 2015), đây cũng là năm toàn ngành kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, ngành GTVT đã hoàn thành vượt kế hoạch tất cả các mục tiêu của nhiệm kỳ và ghi dấu ấn bằng những kết quả nổi bật được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ghi nhận. Nhân dịp năm mới 2016, Báo Giao thông công bố 10 sự kiện tiêu biểu đáng khích lệ của ngành GTVT năm 2015.
1. Bộ GTVT là “ngôi sao cải cách” trong xây dựng, thực thi pháp luật
Tại lễ công bố chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2014 (MEI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức tháng 6/2015, Bộ GTVT được đánh giá là “có cú lội ngược dòng” ngoạn mục nhất so với các Bộ, ngành còn lại và đứng ở Top đầu của cả 5 bảng xếp hạng các chỉ số. Trước đó 2 năm, gần như tất cả các chỉ số của Bộ GTVT đều xếp ở nhóm cuối.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) thuộc nhóm nghiên cứu MEI đánh giá, kết quả tổng thể MEI 2014 cho thấy một bức tranh nhiều hy vọng hơn, với nhiều mảng sáng hơn so với MEI 2012. Trong đó, Bộ GTVT được coi là “ngôi sao cải cách” với rất nhiều tiến bộ ở cả 5 chỉ số. Trong từng chỉ số, điểm tăng thêm của Bộ GTVT cũng cao gấp nhiều lần điểm tăng thêm trung bình của các Bộ (cao hơn gấp 6 lần ở Chỉ số hiệu quả rà soát, kiểm tra tổng kết thi hành pháp luật; Hơn gấp 3 lần ở Chỉ số chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Hơn gấp 2 lần ở Chỉ số hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật).
2. Lần thứ hai liên tiếp dẫn đầu cải cách hành chính
Bộ GTVT cũng lần thứ hai liên tiếp dẫn đầu 19 Bộ, ngành về các chỉ số cải cách hành chính với 81,83 điểm, theo kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ. Chưa bao giờ doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng đối thoại với cơ quan quản lý như thời gian qua. Chỉ riêng Bộ trưởng Đinh La Thăng và các Thứ trưởng đã hơn 10 lần trực tiếp giải đáp kiến nghị, thắc mắc của các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt tại các hội nghị đối thoại. Hàng trăm ý kiến, kiến nghị của người dân được lãnh đạo Bộ tiếp thu, giải quyết thông qua đường dây nóng hoặc qua báo chí.
Năm 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành vượt kế hoạch xây dựng các VBQPPL, đẩy mạnh thực hiện các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Cũng trong năm, Bộ GTVT đã nỗ lực hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hàng hải sửa đổi và trình Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mang tính đột phá, tạo đà đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp chỉ đạo tại dự án xây dựng cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa - Ảnh: Phúc Tuấn |
3. Năng lực hạ tầng giao thông thăng hạng ấn tượng
Mức thăng hạng ấn tượng của Việt Nam được ghi nhận trên hai chỉ số mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông. Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (2011 - 2015) theo như báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); Năm 2014, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,5/5 điểm, xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng LPI của thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2013; Tốc độ phát triển của thị trường logistics ở Việt Nam trung bình đạt từ 16 - 20%/năm.
Có được kết quả đó là do trong những năm qua, dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn ưu tiên nguồn lực đáng kể đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, dù trong bối cảnh nguồn lực rất khó khăn, ngành GTVT vẫn huy động được nguồn vốn lớn để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.
Trong 5 năm qua, ngành GTVT đã hoàn thành hơn 300 công trình hạ tầng giao thông lớn, góp phần thay đổi diện mạo đất nước. Trong số này có rất nhiều cụm công trình, công trình hiện đại, tầm cỡ như: Các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; Tháng 12/2015, cụm công trình cửa ngõ mới của Hà Nội là Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài, đường nối Nhật Tân - Nội Bài và cầu Nhật Tân được JICA trao giải cống hiến; Nhiều công trình đường cao tốc như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương...
Về giao thông nông thôn, 5 năm qua, ngành GTVT đã xây dựng mới, nâng cấp được 47.436 km; mở mới 61.400 km đường thôn xóm, hoàn thành đề án “Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số” đầu tư xây dựng 4.145 cầu, trong đó có 3.664 cầu cứng và 481 cầu treo tại 50 tỉnh, thành. Đến nay, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng 235 cầu, đưa vào khai thác 195 cầu.
4. Thông xe toàn tuyến QL1 Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vượt kế hoạch 12 - 18 tháng
Tính đến hiện tại, đây là 2 dự án có nhiều kỷ lục nhất: Quy mô lớn nhất (tổng mức đầu tư hơn 116.600 tỷ đồng), GPMB nhiều nhất, trải dài nhất nhưng lại hoàn thành nhanh nhất (rút ngắn từ 12 - 18 tháng). Việc thực hiện dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, trong khi chỉ sử dụng gần 54% kinh phí từ ngân sách Nhà nước, huy động được hơn 46% kinh phí ngoài ngân sách (54 nghìn tỷ đồng) là bước đột phá lớn, hiện thực hóa chủ trương của Đảng về thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Quá trình triển khai các dự án đã tiết giảm so với tổng mức vốn dự kiến ban đầu khoảng 17.082 tỷ đồng. Trong số này, các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Trái phiếu Chính phủ tiết giảm hơn 14.200 tỷ đồng. 2.823 tỷ đồng còn lại được tiết giảm từ các dự án đầu tư theo hình thức BOT.
Sau khi các dự án được đưa vào khai thác, tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã giảm ít nhất 7 - 10 giờ chạy xe. Tuyến từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh và ngược lại cũng giảm ít nhất 3 - 4 giờ chạy xe.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Ảnh: Lã Anh |
5. Khai thác đường cao tốc hiện đại nhất: Hà Nội - Hải Phòng
105,5 km cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư hiện đại, sử dụng công nghệ mới có lớp tạo nhám, chống ồn, camera giám sát toàn tuyến đưa vào khai thác không chỉ mở đường cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng thông ra biển lớn chỉ với 1 giờ đồng hồ (so với 3 giờ trước đây) mà còn mở ra phương thức mới trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là tuyến cao tốc có quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay do Ngân hàng Phát triển Việt Nam chủ trì thu xếp vốn trong nước, nước ngoài và cho vay đầu tư theo cơ chế thị trường. Sau khi hoàn thành có thể chuyển nhượng quyền khai thác tuyến để lấy vốn đầu tư dự án khác.
Việc thông xe cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nâng tổng số đường cao tốc tại Việt Nam lên 704 km, vượt kế hoạch 104 km (hơn 20%) so với mục tiêu ban đầu. Tại lễ khánh thành tuyến đường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá điều này rất có ý nghĩa khi chúng ta vượt chỉ tiêu trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. “Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu có 2.000 km đường cao tốc. Tuy nhiên, Bộ GTVT đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 có thể đạt 2.500 km đường cao tốc. Tôi rất mong chúng ta đạt được mục tiêu này để tạo đột phá, phát triển KT - XH”, Thủ tướng nhấn mạnh.
6. Quốc hội nhất trí đầu tư CHK quốc tế Long Thành, hàng không nhiều chuyển biến
Với giải trình thuyết phục và công phu của Chính phủ, Bộ GTVT…, 93% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là dự án quan trọng đối với vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, được đông đảo cử tri quan tâm. Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Việc đầu tư CHK quốc tế Long Thành là việc làm quan trọng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng không, giải quyết bài toán quá tải của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và hướng tới việc hình thành phát triển một CHK trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), Việt Nam là nước thứ ba có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2015, ghi nhận hàng loạt cơ sở hạ tầng hàng không được đầu tư nâng cấp như: Nhà ga T2 Nội Bài, sân bay Thọ Xuân, sân bay Pleiku… và sự tăng trưởng thị phần ấn tượng của Vietjet, chất lượng dịch vụ 4 sao của Vietnam Airlines. Dù hạ tầng giao thông và nhà ga Tân Sơn Nhất quá tải gây chậm chuyến dây chuyền, tỷ lệ tàu bay đúng giờ, hành lý thất lạc trong năm 2015 đã giảm đáng kể so với năm trước.
7. Năm thứ tư liên tiếp TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí
Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2012 đến nay, TNGT giảm cả ba tiêu chí cho thấy, công tác đảm bảo ATGT đã dần đi vào chiều sâu, TNGT được kéo giảm bền vững. Trong cả nhiệm kỳ 5 năm (2011 - 2015) đã giảm hơn 12.000 người chết so với nhiệm kỳ 2006 - 2010 (tương đương mức giảm hơn -20%).
Có được điều đó là nhờ sự định hướng rõ ràng, chỉ đạo, giám sát thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và cả hệ thống chính trị, toàn xã hội đã vào cuộc, cùng hướng tới mục tiêu kéo giảm 5 - 10% TNGT mỗi năm. Đặc biệt là sự chủ động, đổi mới quản lý của Bộ GTVT trong công tác quản lý vận tải, siết chặt kinh doanh vận tải, đổi mới chương trình đào tạo, quản lý người lái và phương tiện.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ phấn đấu kéo giảm số người chết do TNGT xuống dưới 5.000 người.
Cảng biển thu hút vốn đầu tư kỷ lục (Trong ảnh: Tàu lớn đang làm hàng tại cảng Hải Phòng) - Ảnh: Thanh Bình |
8. Vốn xã hội hóa huy động kỷ lục, tiết giảm lớn vốn đầu tư
Năm 2015, ngành GTVT tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, ngành GTVT đã huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Giai đoạn 2011 - 2015, số vốn ngoài ngân sách kêu gọi cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ lên tới mức kỷ lục 180.883 tỷ đồng (chiếm 81,45% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay); Lĩnh vực cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng, (chiếm 77% tổng số vốn huy động được từ trước đến nay).
Cùng với huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nhanh hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, công tác quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư được Bộ GTVT thực hiện hiệu quả. Bộ đã rà soát 68 dự án và tiết giảm được một lượng lớn vốn đầu tư lên đến 57.242 tỷ đồng so với tổng mức vốn đầu tư dự kiến ban đầu.
9. Ngành có tốc độ cổ phần hóa nhanh nhất nước
Năm 2015, ngành GTVT tiếp tục được đánh giá có tốc độ cổ phần hóa nhanh nhất nước. Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT sẽ thực hiện triển khai CPH 70 doanh nghiệp, nhưng Bộ GTVT đã đăng ký và đề xuất thực hiện CPH thêm 67 doanh nghiệp nữa.
Tính đến hết năm 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành CPH 137 doanh nghiệp, vượt gần 100% so với kế hoạch giao. Trong số này, có nhiều tổng công ty có quy mô lớn, trước đây rất khó thực hiện CPH như: Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV), Hàng không VN (VNA), Hàng hải VN (Vinalines)... Bộ GTVT cũng là ngành tiên phong tái cơ cấu, CPH các đơn vị sự nghiệp công lập, đánh dấu bằng sự kiện IPO và CPH thành công Bệnh viện GTVT T.Ư.
Đánh giá về kết quả CPH tại Bộ, ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) khẳng định: “Chưa có Bộ nào triển khai CPH mạnh mẽ như Bộ GTVT. Chính phủ từng đánh giá, nếu tất cả các Bộ đều làm được như Bộ GTVT, không còn phải lo gì”.
Không dừng lại ở số lượng và tiến độ, chất lượng và hiệu quả các doanh nghiệp sau khi tái cơ cấu, CPH cũng được đánh giá cao. Hầu hết các tổng công ty sau CPH đều duy trì được mức tăng trưởng cao về cả doanh thu và thu nhập người lao động. Các doanh nghiệp trước đây thua lỗ, trì trệ, nhiều kiện cáo như: Vinawaco, CIENCO8, Tổng công ty vận tải thủy... sau CPH đều thoát cảnh nợ nần, hoạt động ổn định.
10. Bộ đầu tiên quy hoạch lại báo chí, nâng cao hiệu quả truyền thông
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ GTVT là Bộ đi đầu trong công tác quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại các cơ quan báo chí trong ngành theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Đến nay, Bộ GTVT chỉ còn 1 báo và 1 tạp chí. Từ 1/4/2015, Bộ GTVT đã dừng xuất bản Báo Đường sắt và các Tạp chí Đường bộ VN, Hàng hải VN, Hàng không VN, Đăng kiểm, Đường thủy nội địa VN và tập trung nâng cao chất lượng Báo Giao thông, Tạp chí Giao thông vận tải.
Việc sắp xếp lại các báo, tạp chí của ngành vào Báo Giao thông vừa tiết kiệm được chi phí, vừa hội tụ nguồn lực để cơ quan truyền thông của Bộ phát triển chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, nâng cao được chất lượng truyền thông của ngành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận