Hồ sơ tài liệu

110 nhà báo thiệt mạng năm 2015, Iraq và Syria là “địa bàn chết”

29/12/2015, 17:22

Năm 2015, tổng cộng 110 nhà báo thiệt mạng trên toàn thế giới.

iraq
Iraq và Syria đứng đầu danh sách "địa bàn nguy hiểm nhất thế giới đối với nhà báo". (Ảnh: AFP)

2/3 trong số đó thiệt mạng ở các quốc gia được cho là “hòa bình” và 67 người chết trong khi tác nghiệp, RSF cho hay.

Cũng theo tổ chức này, Iraq, Syria là địa bàn tác nghiệp nguy hiểm nhất đối với phóng viên, số nhà báo tử vong lần lượt là: 11 và 10. Tiếp theo là Pháp, nơi có 8 nhà báo bị sát hại trong một cuộc tấn công vào tạp chí biếm họa.

43 phóng viên khác thiệt mạng trong những hoàn cảnh không rõ ràng và 27 nhà báo tự do, 7 nhân viên truyền thông bị giết.

Báo cáo của RSF cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết của các nhà báo là do “bạo lực có chủ ý nhằm vào các đối tượng này”, đồng thời chứng minh sự thất bại trong công tác bảo vệ phóng viên của các tổ chức quốc tế. RSF cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc có các động thái cần thiết can thiệp vấn đề này.

Trong bản báo cáo, RSF chỉ rõ sự lớn mạnh của các tổ chức phi chính phủ - chủ yếu là các nhóm chiến binh nhà nước Hồi giáo cực đoan trong tội ác chống lại các nhà báo.

Điều đáng nói, năm 2014, 2/3 số nhà báo thiệt mạng ở các vùng, phạm vi xảy ra chiến tranh. Nhưng năm 2015, điều này hoàn toàn ngược lại, 2/3 số nhà báo thiệt mạng ở các quốc gia hòa bình.

“110 nhà báo thiệt mạng trong năm 2015 – Chúng ta cần một hành động khẩn cấp. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cần phải chỉ định một đại diện đặc biệt – nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà báo, không thể chậm trễ nữa”, người đứng đầu RSF nói.

Kể từ năm 2005 tới nay, có tổng số 787 nhà báo bị sát hại trong quá trình tác nghiệp. Năm 2014, con số này là 66 người.

Tháng 1 năm nay, một vụ tấn công rúng động vào văn phòng của tạp chí biếm họa Charlie Hebdo (Pháp) đã làm 12 người thiệt mạng. Trong đó có 8 nhà báo.

“Đó thực sự là một thảm kịch chưa từng có tiền lệ đối với một quốc gia phương Tây”, RSF nhận định. Các nhà báo và nhân viên của Charlie Hebdo hiện vẫn sống trong sự bảo đảm an ninh nghiêm ngặt từ sau thảm kịch nói trên, một số thậm chí phải thay đổi nơi cư trú.

Riêng tại Aleppo - thị trấn ở phía bắc Syria được xem là “một ổ mìn” đối với các phóng viên chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.

Phóng viên tự do người Nhật Bản Kenji Goto từng bị sát hại bởi nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hồi tháng 1 năm nay tại Syria.

Kenji Goto được mô tả là một phóng viên chiến trường nổi tiếng của Nhật Bản, dũng cảm đến Syria để giải cứu bạn mình là Haruna Yukawa, một công dân Nhật bị IS bắt làm con tin. Nhưng cuối cùng cả 2 đã bị IS chặt đầu và công bố trong một đoạn video rùng rợn.

Ấn Độ: Quốc gia nguy hiểm nhất châu Á đối với nhà báo

Báo cáo của RSF cho thấy, Ấn Độ là nơi 9 nhà báo bị giết kể từ đầu năm 2015. Một trong số họ tới đây để điều tra về mối quan hệ “mờ ám” giữa các tổ chức tội phạm với các chính trị gia, số khác điều tra về việc khai thác mỏ bất hợp pháp.

5/9 nhà báo thiệt mạng trong khi tác nghiệp, 4 trường hợp còn lại chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên Ấn Độ là quốc gia chỉ xếp sau Pháp về số nhà báo thiệt mạng trong năm nay.

Đại diện RSF cũng lên tiếng thúc giục chính phủ Ấn Độ "hãy lên một kế hoạch mang tầm quốc gia" để bảo vệ các nhà báo.

Tại Bangladesh - một quốc gia khác trong khu vực, 4 blogger đã thiệt mạng.

Ngoài ra, có 54 nhà báo bị bắt làm con tin vào thời điểm cuối năm 2015, 26 người trong số này bị bắt ở Syria. 153 nhà báo hiện bị giam giữ, 23 người bị giam ở Trung Quốc và 22 người khác ở Ai Cập, theo RSF.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.