Di vật của liệt sỹ Nuôi |
“Thằng con trai hàng đêm mẹ ngóng trông đã về”
Dù ở tuổi “xưa nay hiếm”, tai hơi lãng nhưng mẹ Lưu Thị Linh (mẹ của liệt sĩ Hồ Văn Nuôi, ở xóm 10, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), vẫn đi lại nhanh nhẹn, tự tay chăm lo hương khói cho con. Những lúc rảnh rỗi, mẹ lại lật giở trong túi nilon, xem lại tờ giấy báo tử, giấy khen… đã úa màu thời gian, đó là tất cả những gì mẹ còn giữ được về con trai.
“17 tuổi đi lính, nó cứ cầm lấy tay tôi bảo: Bố mẹ ở nhà cố gắng nuôi các em ăn học, hết 3 năm nghĩa vụ con về. Thế mà, nó đi mãi…", mẹ Linh khóc nghẹn.
Sau khi nhập ngũ, anh Nuôi được phiên chế vào hải quân ở Hải Phòng. Đầu năm 1988, chỉ còn 3 tháng nữa là ra quân, anh được lệnh tăng cường vào Trường Sa tham gia chiến dịch CQ-88, bảo vệ đảo Gạc Ma. “Cái ngày nghe tin thằng Nuôi hy sinh, mẹ đang làm cỏ ngoài ruộng ngã xuống ngất lịm. Thương con mà mẹ ốm liên miên một thời gian dài, còn bố nó như hóa điên”.
Những ngày sau đó, ông Hồ Văn Thịnh, bố anh Nuôi, bỏ đi lang thang một mực không chịu về vì: “Chưa tìm được thằng Nuôi!”. Nỗi đau mất con và nắng gió cuộc đời đã khiến ông kiệt sức và mất sau đó 4 năm.
Gần 20 năm mòn mỏi chờ đợi, đầu năm 2010 hài cốt liệt sỹ Hồ Văn Nuôi được tìm thấy và đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Nghi Tiến. “Lúc biết tin đã tìm thấy thi thể thằng Nuôi, mẹ mừng lắm. Thế là thằng con trai hàng đêm mẹ ngóng trông đã trở về”, mẹ Linh nhoà lệ.
Mẹ Linh kể về người con trai yêu quý |
Đặt tên Dư mà mẹ thiếu con mãi mãi!
Chúng tôi đến thăm nhà mẹ Lê Thị Niệm (SN 1928, xã Hòa Phong, Tây Hòa, Phú Yên) đúng dịp cả nhà đang tất bật chuẩn bị cho ngày giỗ liệt sĩ Phan Tấn Dư (SN 1966), người cũng anh dũng hy sinh trong hải chiến Gạc Ma 30 năm về trước trên tàu HQ-604.
Mẹ Niệm đang ngồi ở góc nhà, cạnh tấm bằng Tổ quốc ghi công, cầm trên tay tấm ảnh đen trắng đã phai màu. Đó là tấm ảnh duy nhất về người con trai thứ 11 của bà.
Mẹ kể: Khi đó, cả nhà lo cuốn rạ vì sợ mưa ướt thì nghe loáng thoáng trên loa truyền thanh xã thông báo tin về những người lính hy sinh ở đảo đá Gạc Ma, trong đó có tên Phan Tấn Dư. “Cứ nghĩ một ai đó trùng tên với Dư vì nó mới về ăn Tết. Thế nhưng, khi nghe họ đọc lại lần nữa: Phan Tấn Dư con ông Phan Bình Đố và bà Lê Thị Niệm ở Tây Hòa thì trời đất như sầm lại”, giọng mẹ Niệm rưng rưng.
Kể về gia đình mình, mẹ Niệm cho biết, bà sinh hạ được 13 người con. Vì nhiều con nên đến đứa thứ 11 mẹ đặt tên con là Dư, 2 đứa sau đặt tiếp là Thừa, Thãi. “Có lẽ vì mẹ đặt nó tên Dư để rồi suốt đời mẹ thiếu nó”, mẹ Niệm vẫn bảo thế khi có ai nhắc đến con mình.
Mẹ Niệm với tấm ảnh duy nhất về người con trai |
San sẻ nỗi đau…
Nhằm chia sẻ nỗi đau, cũng như tưởng nhớ công lao to lớn của những chiến sĩ Gạc Ma đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, năm 2004, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã chung tay xây dựng cho mẹ Linh một ngôi nhà tình nghĩa, để mẹ có nơi ở và hương khói cho anh Nuôi.
Ông Đặng Văn Lương, Trưởng phòng Thương binh xã hội huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: “Hiện tại, mẹ Linh đang hưởng chế độ mẹ liệt sĩ, chế độ người cao tuổi với số tiền hỗ trợ gần 1,7 triệu đồng/tháng. Hàng năm đến ngày hải chiến Gạc Ma, huyện tổ chức đến gia đình thắp hương tưởng nhớ các anh cũng như tặng quà tri ân cho thân nhân liệt sĩ”.
Ngày 14/3/1988, tại 3 đảo đá ngầm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, trong lúc các lực lượng công binh Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đang tiến hành tiếp cận xây dựng đảo, các tàu chiến trang bị vũ khí hạng nặng của quân Trung Quốc đã tấn công, bắn cháy và bắn chìm 3 tàu vận tải HQ604, HQ605 và HQ505. Cuộc chiến không cân sức đã khiến 64 chiến sĩ hải quân nước ta hy sinh và nhiều chiến sĩ khác bị thương. |
Trong số 8 người con Nghệ An hy sinh tại trận hải chiến Gạc Ma, mới có 2 hai liệt sỹ người Nghi Lộc tìm được hài cốt. “Là thế hệ đi sau, chúng tôi rất tự hào và biết ơn những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ bờ cõi nước nhà và nguyện sẽ cố gắng chăm lo, phụng dưỡng để những thân nhân các liệt sĩ được sống trong no đủ, hạnh phúc trong quãng đời còn lại”, ông Lương cho biết.
Còn với mẹ Niệm, ngoài cô con gái út đang hàng ngày chăm lo cơm nước, sinh hoạt, hiện mẹ được bù đắp phần nào bởi những người con rất đặc biệt, đó là những người đồng đội năm xưa của anh Dư, đặc biệt là cựu binh Nguyễn Văn Dũng, nguyên là lính thông tin cùng đơn vị với liệt sĩ Dư, thuộc Lữ đoàn 146 - Vùng 4 hải quân.
Trong ngày 14/3 cách đây 30 năm, khi đó ông Dũng làm nhiệm vụ kết nối thông tin đã bị thương và sau khi hồi tỉnh thì “không biết vì sao còn sống”. Vết thương làm tổn thương toàn bộ xương chậu, mất khả năng chân trái đã khiến cựu binh Dũng mất 61% sức khỏe, thương binh hạng 2/4.
Mẹ Niệm kể: Cách đây hơn 20 năm, có một thanh niên trẻ từ Nha Trang tìm đến nhà rồi bảo mình là đồng đội cùng đơn vị với Dư, đi tìm gia đình mẹ khắp nơi đến nay mới gặp. “Các đồng đội con ngã xuống, con may mắn được ở lại, xin cho phép con phụng dưỡng mẹ”, mẹ Niệm nhắc lại lời anh Dũng.
Từ đó, hễ khi nào rảnh, anh Dũng lại lặn lội từ Nha Trang ra thăm mẹ Niệm, rồi sửa chữa nhà cửa cho mẹ. Trong thâm tâm, mẹ coi anh Dũng như con trai mình.
“Đồng đội tôi đã hy sinh và ngay cả hài cốt cũng không tìm thấy nên tôi muốn đóng góp, làm một chút gì đó cho người thân của đồng đội…”, cựu binh Dũng tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận