Giá dầu thô tăng góp phần giúp thu ngân sách 6 tháng tăng 14,3% so với cùng kỳ - Ảnh: Trần Hải |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu ngành Tài chính thời gian tới phải tăng cường quản lý thu chống thất thu ở khu vực kinh tế phi chính thức gồm kinh tế hộ gia đình, kinh tế ngầm, nhà đầu tư không hợp pháp…
Khi các “đầu tàu” hụt hơi
Nếu loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chỉ có 31 địa phương đảm bảo tiến độ thu ngân sách 6 tháng như dự toán; đáng chú ý là có 32 địa phương thu thấp, trong đó, có 13 đơn vị đạt dưới 45% dự toán năm. Thông tin này được Bộ Tài chính cho biết tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành tài chính ngày 18/7.
Theo báo cáo của TP Cần Thơ, thu ngân sách từ nội địa 6 tháng đầu năm của địa phương này tăng 10% so với cùng kỳ 2017 nhưng lại có 2 nguồn thu đạt thấp là thu từ khối FDI chỉ đạt gần 31% dự toán và thu từ khu vực ngoài quốc doanh chỉ đạt 41% chỉ tiêu.
Bộ Tài chính cho biết, giá dầu thô thanh toán bình quân 6 tháng khoảng 71 USD/thùng, tăng 21 USD/thùng so với giá dự toán, đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách nửa đầu năm nay. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2017. Tổng số chi đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Bội thu 2.500 tỷ đồng. |
Ông Võ Văn Thành, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, thành phố thu ngân sách được hơn 21.090 tỷ đồng, riêng thu nội địa 11.315 tỷ đồng. Dù đạt 50% dự toán Trung ương giao nhưng vẫn có khu vực thu không đạt, như khu vực DNNN và FDI mới đạt lần lượt 34,2% và 35,5% chỉ tiêu. “Đây là hai khu vực có số thu luôn hụt so với dự toán Trung ương giao”, ông Thành nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng nêu một ví dụ gây bất ngờ nhưng ở chiều ngược lại là Bắc Giang. Theo đó, qua 6 tháng, Bắc Giang đã hoàn thành trên 90% kế hoạch thu của cả năm và dự kiến cả năm sẽ vượt mạnh chỉ tiêu. Song, điều đó cũng cho thấy có “độ vênh” giữa chỉ tiêu và thực tế ở nhiều địa phương.
Do đó, Phó Thủ tướng đồng tình với kiến nghị của Hải Phòng là khi xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2019 và các năm sau, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải đánh giá lại sát với thực tế của mỗi địa phương. “Trước nay, chúng ta áng chừng tới tháng 9 xem tỉnh ước thu bao nhiêu nhân với tỷ lệ GDP, lạm phát tôi nghĩ không sát. Lúc tôi làm Bộ trưởng, kể cả ngành Thuế báo cáo không đúng đâu. Đừng để tình trạng một số địa phương hụt thu quá mức để ngân sách Trung ương phải bù vào chỗ hụt ấy”, Phó Thủ tướng nói và cho biết, trong 63 địa phương, còn 20 đơn vị thu ngân sách đạt dưới 50% chỉ tiêu, trong đó Hà Nội đạt xấp xỉ, TP.HCM có số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ hoàn thành lại thấp hơn. Trong khi các địa phương lớn như TP HCM lại là địa phương chủ lực trong thu ngân sách. Do đó, TP HCM và các địa phương lớn phải hoàn thành kế hoạch của năm 2018 để tránh rủi ro.
Phải tăng cường chống thất thu
Tại hội nghị sơ kết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu sửa đổi một số Luật Thuế trên quan điểm sửa nuôi dưỡng nguồn thu và khoan sức dân. Đồng thời, phải phù hợp, đúng bản chất, cải cách nhưng không được làm méo mó sắc thuế. “Cần tính toán, có thể giảm tỷ lệ thu nhưng lại tăng mức động viên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lấy ví dụ như Thuế Thu nhập cá nhân năm 2012, khi quyết định tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng cho người nộp thuế, có nhiều ý kiến lo ngại sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhưng đến nay thì số thu tăng rất nhiều lần (số thu thuế thu nhập cá nhân năm 2012 đạt 44.959 tỷ đồng, dự toán năm nay thu 96.869 tỷ đồng). Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao khẳng định không tăng Thuế Giá trị gia tăng (VAT) của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017. Đây là tin tốt đối với người dân và thị trường.
Còn đối với dự án Luật Thuế tài sản, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Luật Thuế tài sản chủ yếu là thuế nhà và thuế đất. Theo đó, nghiên cứu theo hướng tăng thuế suất thuế đất phi nông nghiệp. Còn với thuế nhà, với mức Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng tính thuế đối với nhà 700 triệu đồng, dự kiến tổng số thu được cũng chỉ hơn 2.000 tỷ đồng/năm. Còn nếu nâng ngưỡng lên 1 tỷ đồng sẽ thu được 1.500 tỷ đồng/năm. Chi phí quản lý đối với thuế này rất lớn, trên thế giới có nước chi 2 đồng cho quản lý mới thu được 1 đồng tiền thuế tài sản. Trong khi đó, nợ đọng thuế hiện nay là hơn 70.000 tỷ đồng.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính thời gian tới phải tăng cường quản lý chống thất thu ở khu vực kinh tế phi chính thức gồm kinh tế hộ gia đình, kinh tế ngầm, nhà đầu tư không hợp pháp… Số thu từ khu vực nhà hàng khách sạn, hộ kinh doanh cá thể bị thất thu thuế rất lớn. Bớt việc khoán thuế, gây thất thu rất nhiều và rất khó quản lý đội ngũ cán bộ thuế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận