Thiên Ngọc Minh Uy đứng đầu trong 5 công ty đa cấp bị xử phạt nhiều nhất trong năm 2016 |
Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương vừa tổng kết công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp năm 2016.
Theo đó, doanh nghiệp bị chính quyền địa phương xử phạt nhiều nhất là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy với mức tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty Cổ phần Liên Minh Tiêu dùng Việt Nam bị phạt 605,4 triệu đồng; Công ty cổ phần Everrichs bị phạt 537 triệu đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên sư Việt Nam bị phạt 430 triệu đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư-Thương mại Trường Giang Việt Nam cũng bị phạt 420 triệu đồng.
Các vi phạm phổ biến được Sở Công Thương phát hiện và xử lý bao gồm: Ký kết hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp không bằng hình thức văn bản hoặc không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp; Không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ báo cáo định kỳ về hoạt động bán hàng đa cấp; Không thông báo với Sở Công Thương sau khi sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với hàng hóa chưa đăng ký với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi chưa có xác nhận...
Xét về địa phương, trong các vụ việc vi phạm, Hà Nội là địa phương xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia đa cấp nhiều nhất năm 2016 với số tiền gần 2,58 tỷ đồng. Tiếp đến là Đà Nẵng với số tiền xử phạt là 694,5 triệu đồng, Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 477 triệu đồng.
Trong năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã kết thúc điều tra và xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng.
Theo thống kê, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2015, tương đương mức giảm khoảng 2,5%. Trong số đó, doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng là 59% và mỹ phẩm là 24%. Ngoài ra, doanh thu từ đồ gia dụng chiếm 6,6%, doanh thu từ quần áo thời trang chiếm 2%, doanh thu từ thiết bị chiếm 0,5%, còn lại 8,2% là các mặt hàng khác. Qua kiểm tra và đánh giá thực tế, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp rất thấp. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp chỉ đạt trung bình 2,2% và có trên 50% doanh nghiệp báo cáo lỗ.
“Đóng góp thực sự của các doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước không đáng kể, chủ yếu đến từ thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả, không phải từ thuế thu nhập doanh nghiệp”, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận