Đường sắt

50% đầu máy, toa xe đường sắt trên 30 năm cần thay thế

17/10/2017, 07:52

Đường sắt cần đến hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư phương tiện mới thay thế khoảng 50% đầu máy, toa xe...

13

Hành khách trên toa xe hỗn hợp tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long

Hàng trăm phương tiện quá hạn đăng kiểm, đang chờ thanh lý

Cục Đăng kiểm VN cho biết, thống kê đến ngày 15/8/2017, có hàng trăm toa xe, đầu máy của Tổng công ty Đường sắt VN đã quá hạn đăng kiểm. Tuy nhiên, đây đều là các phương tiện đang chờ thanh lý hoặc chưa có nhu cầu sử dụng, đang sửa chữa.

Cụ thể, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội có 654 toa xe hàng đều là những toa xe sản xuất từ những năm 1978 - 1980 mà công ty chưa có nhu cầu sử dụng. Cùng đó, là hàng loạt toa xe sản xuất từ những năm 1963-1971 ở trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, có tới 57 toa xe sản xuất từ những năm 1967 đang chờ thanh lý. Về toa xe khách, công ty có 32 toa, trong đó có tới 27 toa sản xuất từ những năm 1971 đã quá hạn đăng kiểm đang chờ thanh lý.

Với số vốn hơn 4.600 tỷ đồng, từ nay đến năm 2021, TCT Đường sắt VN sẽ đầu tư 100 đầu máy mới, 150 toa xe khách, 300 toa xe vận chuyển container và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60 km/h. 

Không bị “tồn” nhiều toa xe không sử dụng như CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội nhưng số lượng toa xe khách và toa xe hàng chờ thanh lý hoặc sửa chữa của CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng lên tới con số vài chục xe, trong đó có toa xe sản xuất từ năm 1962.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Hoan, Ủy viên phụ trách HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội khẳng định, số toa xe quá hạn đăng kiểm là do quá cũ, lạc hậu, thời gian vận dụng đã hàng chục năm nên đang xem xét thanh lý hoặc để không, chưa sử dụng đến.

“Công ty đang quản lý 3.241 toa xe hàng, nhưng có đến 1.943 xe đã sử dụng 30 năm; trong đó có 292 toa xe thời gian sử dụng đã trên 48 năm. Tương tự, có 535 toa xe khách thì 117 xe vận dụng từ 30-40 năm. Trong khi đó, 10 năm gần đây không được đầu tư đóng mới toa xe khách, chỉ cải tạo nâng cấp phần nội thất thùng xe”, ông Hoan nói và nhấn mạnh: 100% toa xe khách, toa xe hàng vận dụng của công ty đều có giấy chứng nhận của Cục Đăng kiểm VN. Với các toa xe hiện không có nhu cầu sử dụng, khi có nhu cầu sử dụng, chúng tôi sẽ đưa đi sửa chữa để Cục Đăng kiểm VN cấp phép.

Ông Mai Thế Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, số liệu mà đăng kiểm đưa ra đến nay có sự thay đổi vì một số toa xe đã được sửa chữa, cấp giấy đăng kiểm và ra vận dụng. Ngoài ra, là các toa xe đang chờ phúc tra để thanh lý. Hiện, công ty đang trình đề xuất thanh lý 117 toa xe cả khách và hàng. Trong lô này có toa xe khách vận dụng từ những năm 1978 - 1979, còn xe hàng có những xe vận dụng từ năm 1966.

Cần hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư phương tiện mới

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hiện tổng công ty đang quản lý 294 đầu máy, thì có đến 11 đầu máy Úc được sản xuất năm 1962. Loại đầu máy chủ lực hiện nay của ngành Đường sắt là đầu máy Đổi mới D19E được lắp ráp tại Việt Nam gần đây nhất cũng đã từ năm 2012. “Đầu máy, toa xe lạc hậu dẫn đến tiêu hao nhiên liệu lớn, tốn kém chi phí sửa chữa, bảo dưỡng nhưng hiệu quả không cao. Trong khi đó, Luật Đường sắt 2017 quy định niên hạn sử dụng của đầu máy, toa xe”, ông Hoạch nói.

Giải quyết tình trạng trên, TCT Đường sắt VN vừa trình Bộ GTVT phương án vay hơn 3.200 tỷ đồng vốn tín dụng của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cộng với gần 1.400 tỷ đồng vốn đối ứng của TCT và các Công ty CP Vận tải đường sắt để thực hiện đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020.

“Một trong những nguyên nhân khiến khách hàng “quay lưng” rời bỏ vận tải đường sắt thời gian qua là chất lượng dịch vụ, trong đó có chất lượng phương tiện. Chính vì vậy, việc thay thế những đầu máy già cỗi đang là nhu cầu cấp thiết của ngành đường sắt. Chất lượng phục vụ có thể cải thiện được nhưng muốn nâng cao chất lượng phương tiện thì phải đầu tư”, Chủ tịch HĐTVT Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh lý giải.

Cũng theo ông Minh, mục tiêu của đường sắt là hiện đại hóa và thay thế dần các đầu máy, toa xe cũ, lạc hậu để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đồng thời, với những đầu máy mới còn giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí bảo trì, sửa chữa để giảm giá thành vận tải. Từ đó, nâng sức cạnh tranh của vận tải đường sắt, thu hút khách hàng.

Chia sẻ lý do đề nghị được vay vốn từ VDB, ông Vũ Anh Minh cho biết, nếu vay vốn ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao trong khi lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam ổn định, thời gian vay vốn dài, doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm tiền vay. Tuy nhiên, hiện các dự án của tổng công ty không thuộc đối tượng vay vốn tại VDB nên khó tiếp cận nguồn vốn vay này. Để đáp ứng kịp thời việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như ngành Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ chấp thuận để các dự án đầu tư ngành Đường sắt được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.