Cảng hàng không Phú Quốc sẽ được nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý - Ảnh: PQ |
Vốn xã hội hoá: Nhiều song chưa mạnh về chất
Theo thống kê của Cục Hàng không VN, thực hiện xã hội hoá (XHH) đầu tư vào hàng không, giai đoạn 2001-2014, ngành hàng không đã huy động hơn 135 nghìn tỷ đồng thực hiện đầu tư xây dựng trên tất cả các lĩnh vực. Trong số này, vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm khoảng 6.100 tỷ đồng, tương ương 5%.
Riêng trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không (CHK), trong tổng số hơn 48.300 tỷ đồng đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm hơn 6.100 tỷ đồng, tương đương gần 13%.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác CHK. Văn bản nêu rõ “Bộ GTVT đã lựa chọn một số sự án có điều kiện thuận lợi để triển khai thí điểm trong đó ưu tiên CHK quốc tế Phú Quốc do cảng này đã được đầu tư hoàn chỉnh và đi vào khai thác, không có căn cứ quân sự và không có hoạt động quân sự thường xuyên, quy mô không quá lớn”. |
“Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ cho hàng không rất hạn chế, chỉ chiếm 1,5% trong tổng vốn cấp cho ngành GTVT và chiếm gần 13% trong tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Nguồn vốn đầu tư XHH mặc dù chiếm 87% tổng vốn đầu tư, nhưng đến 83,2% trong số này là được cân đối từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV và Tổng công ty Quản lý bay VN - VATM), phần còn lại không đáng kể là từ nguồn vốn cổ phần. Do đó, nguồn vốn XHH chưa được mạnh về chất, chưa được khai thác tối đa so với tiềm năng, chưa được đa dạng về hình thức huy động”, ông Thanh nhận định.
Đẩy mạnh huy động vốn XHH đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án huy động vốn xã hội hoá để đầu tư vào lĩnh vực này. Cục Hàng không VN đã lên một kế hoạch chi tiết triển khai Đề án.
“Trước mắt, sẽ triển khai thí điểm nhượng quyền khai thác đối với CHK quốc tế Phú Quốc, sảnh E và nhà ga T1 Nội Bài. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình, sẽ thí điểm tại dự án Nhà để xe ô tô CHK quốc tế Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga hành khách CHK Đà Nẵng và xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh”, ông Thanh nói và cho rằng, việc nhượng quyền khai thác được áp dụng theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M).
Nhượng quyền theo nguyên tắc nào?
Khẳng định xây dựng và triển khai Đề án huy động vốn XHH để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không là đòi hỏi cấp thiết để triển khai các giải pháp đột phá, thu hút các nguồn lực trong xã hội song ông Thanh cũng nhấn mạnh việc XHH phải đảm bảo giữ nguyên hiện trạng sử dụng chung sân bay giữa hàng không dân dụng và quân sự, đồng thời phải được xem xét trên cơ sở phân loại sân bay có vai trò, vị trí quan trọng với quốc phòng, an ninh; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, xã hội. Đặc biệt, phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, chống lạm dụng vị thế độc quyền.
Từ đây, ông Thanh cho biết, nguyên tắc cơ bản đặt ra với tổ chức nhượng quyền là không được làm thay đổi chức năng của công trình theo quy hoạch CHK được phê duyệt, mục đích sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất và không ảnh hưởng đến quyền kinh doanh, khai thác của các doanh nghiệp đang khai thác.
“Trong trường hợp tổ chức nhận nhượng quyền không đáp ứng những yêu cầu nói trên, Bộ GTVT có thể xem xét chấm dứt việc quản lý khai thác công trình của tổ chức này”, ông Thanh nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Vietjet cho biết, nhượng quyền khác là đột phá để tạo hạ tầng tốt nhất cho các hãng có thể hoạt động trên các sân bay, nhà ga, có dịch vụ tốt hơn. Khi các công ty tư nhân đứng ra làm, khả năng tài chính tốt hơn, sử dụng công nghệ mới vào dây chuyền tốt hơn.
“Khi xin nhượng quyền, chúng tôi hiểu khai thác nhà ga như thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng hàng không, chứ không phải nhượng quyền để có chỗ tốt nhất cho chúng tôi. Tôi ủng hộ việc phải có quy định cụ thể để chống độc quyền”, bà Hà nói.
Về yêu cầu “tổ chức nhận nhượng quyền phải thực hiện quy hoạch, kế hoạch, nâng cấp mở rộng CHK của Bộ GTVT”, bà Hà khẳng định muốn vậy phải có quy hoạch sớm và chính xác. Việc tuân theo thế nào để đảm bảo hài hoà lợi ích các bên. Bà Hà cũng thống nhất quan điểm phải quản lý giá để đảm bảo sự công bằng.
Đồng quan điểm, đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh, không phải lo chuyện làm giá. Vấn đề là phải kiểm soát tuân thủ hoàn toàn các quy định về giá vé, có khung trần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận