C49 bắt quả tang Trần Văn Bùi (39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bán 2kg chất tạo nạc salbutamol cho Võ Văn Thanh (26 tuổi, quê Tiền Giang) tháng 12/2015 |
Hơn 6 tấn salbutamol được nhập về Việt Nam nhưng không phải để sản xuất thuốc mà được bán trôi nổi ra thị trường làm chất tạo nạc cho lợn, gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Tái nhập khẩu chất cấm vì... thiếu thuốc
Giữa tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cho phép tái nhập khẩu chất cấm salbutamol sau gần 9 tháng tạm dừng nhập chất này. Hai đơn vị được nhập khẩu lượng tối thiểu 100kg là Công ty Cổ phần Dược Vacopharm và Công ty Cổ phần Dược phẩm T.Ư I-Pharbaco (mỗi đơn vị 50kg).
Salbutamol vốn là chất được sử dụng để chế thuốc làm giãn phế quản trị hen suyễn và vẫn được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, từ lâu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã khuyến cáo không sử dụng chất này trong chăn nuôi. Tại Việt Nam, từ năm 2002, chất này cũng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Thế nhưng, để tăng lợi nhuận trong kinh doanh, nhiều đơn vị đã nhập loại chất này với mục đích làm thuốc chữa bệnh nhưng thực chất lại bán ra ngoài để làm chất tạo nạc cho lợn.
Trả lời Báo Giao thông về việc cho phép tái nhập khẩu chất cấm salbutamol lần này, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường cho biết, lý do tiếp tục cho nhập salbutamol dù có một số lượng cũ salbutamol còn tồn trong kho của doanh nghiệp nhưng công an đang niêm phong để điều tra. Hơn nữa, các đơn vị nhập khẩu “không muốn dính dáng đến lượng salbutamol phi pháp đó”. “Cũ không dùng được, mới thì không có nên thiếu thuốc. Vì thế, phải có thuốc cho dân dùng nhưng cũng phải làm sao để tránh lạm dụng”, ông Cường nói.
Hơn 6 tấn Salbutamol chưa biết “đi đâu, về đâu”
Trước đó, báo cáo sơ kết công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an dẫn số liệu của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho thấy, cả nước có 20 công ty được phép nhập khẩu salbutamol, trong đó có 16 doanh nghiệp đã tiến hành nhập. Đáng chú ý, trong hai năm 2014-2015 đã nhập tổng số 9.140 kg salbutamol. C49 đã phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT tiến hành làm việc, kiểm tra 17 công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, đã phát hiện một số cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Qua rà soát, làm việc với các cơ sở nhập khẩu kinh doanh salbutamol, đã phát hiện 6.268 kg salbutamol được bán ra thị trường sử dụng vào mục đích khác. Điển hình vi phạm như: Công ty Hóa dược Minh Anh (Bình Dương) bán 2.050 kg; Công ty TNHH Thuốc thú y Khoa Nguyên (TP HCM); Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông (Hà Nội); Công ty TNHH TACN Trường Phú (Hải Dương)… có hành vi kinh doanh, sử dụng salbutamol trong chăn nuôi…
Tuy nhiên, theo C49, các cơ sở nhập khẩu salbutamol không bắt buộc phải chứng minh năng lực sản xuất thuốc có chứa salbutamol, năng lực kinh doanh salbutamol nên việc cấp phép nhập khẩu không đúng với nhu cầu thực tế. Một số cơ sở đã lợi dụng để nhập salbutamol và bán tự do ra thị trường nhưng chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Khi PV Báo Giao thông đặt câu hỏi cho Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường về trách nhiệm trong việc cho nhập với một số lượng lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế vào hai năm 2014-2015, ông Cường lý giải khi đó không biết salbutamol là chất cấm dùng cho chăn nuôi, chỉ đến khi Bộ NN&PTNN công bố danh mục chất cấm thì mới biết (?)
Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Bộ NN&PTNT lại khẳng định Bộ NN&PTNT ban hành danh mục chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có chất salbutamol từ năm… 2001. Theo ông Dũng, đến nay vốn có hiện tượng pha chế chất cấm salbutamol vào thức ăn chăn nuôi do cố tình hoặc người bán khuyến mại để khuyến khích người chăn nuôi mua sử dụng.
Buôn chất cấm “có lãi ngang ma túy”
Về thông tin còn hơn 6 tấn chất cấm salbutamol được bán ra ngoài để sử dụng vào mục đích khác, ông Dũng thừa nhận sẽ rất khó xác định hơn 6 tấn đó đi đâu, dùng vào mục đích gì, đã sử dụng bao nhiêu và còn tồn bao nhiêu. Theo ông Dũng, đây chính là sơ hở, lỗ hổng trong mối quan hệ phối hợp giữa hai Bộ Y tế và NN&PTNT. “Về trách nhiệm để 6 tấn chất cấm salbutamol trôi nổi bên ngoài, cơ quan công an chưa có kết luận chính thức, vẫn đang điều tra tiếp”, ông Dũng nói và cho biết thêm, giá nhập salbutamol chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/kg nhưng bán đến tay người chăn nuôi có thể cao gấp 10 lần, lên tới 15 triệu đồng/kg.
Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, nếu ăn phải thịt lợn vỗ béo bằng chất tạo nạc, người sử dụng sẽ ăn trực tiếp tồn dư của các chất đó, chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Nếu tích lũy trong cơ thể một thời gan dài, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. |
Bình luận về con số hơn 9 tấn salbutamol được Cục Quản lý dược cho nhập khẩu trong hai năm 2014-2015, TS. BS. Trần Bá Thoại, Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam cho rằng: “Theo các kết quả nghiên cứu, mỗi năm cũng chỉ cần chưa đến 1 tấn. Vậy mà trong hai năm nhập hơn 9 tấn là quá nhiều”, TS. Thoại khẳng định.
Chia sẻ với Báo Giao thông về lo ngại khi đến nay còn 6 tấn chất cấm salbutamol “nằm ngoài tầm kiểm soát”, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, hậu quả sẽ khôn lường nếu số lượng đó dùng để pha vào thức ăn chăn nuôi. “Tác hại của salbutamol lên sức khỏe người tiêu dùng nếu được trộn vào thức ăn chăn nuôi đã quá rõ ràng, không cần bàn luận nhiều. Giờ cần làm rõ Bộ Y tế quản lý thế nào, trách nhiệm của Bộ Y tế ra sao?
Nếu đưa salbutamol ra ngoài thị trường thì ai là người chịu trách nhiệm? Ở đây Cục Quản lý dược của Bộ Y tế cho nhập khẩu salbutamol với số lượng rất lớn trong hai năm qua thì ai là người trong Cục Quản lý dược phải chịu trách nhiệm?”, TS. Thịnh đặt câu hỏi và cho rằng phải hình sự hóa vụ việc, bởi salbutamol là chất cấm mua vào thì rẻ nhưng bán ra rất đắt và “có lãi ngang buôn ma túy”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận