Hàng loạt thủy điện ở Gia Lai “phớt lờ” quy định về an toàn hồ đập thủy điện ứng phó với lũ - Ảnh: Tạ Vĩnh Yên |
Phương án chống lũ ở đâu?
Mới đây, sau khi kiểm tra công tác quản lý an toàn đập thủy điện, Sở Công thương Gia Lai cho biết, phát hiện nhiều “tồn tại” chưa được hoặc chậm khắc phục. Cụ thể, Thủy điện Chư Prông, huyện Ia Grai, có dung tích trên 1.240 triệu m3 nước. Tuy nhiên, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vị trí bê tông trên thân đập bị thấm nước. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện hai khe hở giữa thân đập này nước đã thẩm thấu và chảy thành dòng… Chưa hết, khu vực bể áp lực của Thủy điện Chư Prông có nguy cơ sạt lở cao; Thủy điện Đắk Sông 2 (huyện Kông Chro) có dung tích khoảng 85,2 triệu m3, tuy nhiên, nền đập và vai phải đập dâng đã ngấm nước nhẹ. Đập tràn của thủy điện này đã ngấm nước toàn bộ thân…
Ngoài ra, Sở Công thương Gia Lai cho biết, có đến 10 công trình thủy điện đã và đang tích nước phát điện có phương án quản lý an toàn đập nhưng không còn phù hợp quy định mới. Đó là các thủy điện: Plei Krông, Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A cần phải xây dựng lại phương án bảo vệ đập, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du. Nhiều thủy điện khác phải xây dựng lại hoặc bổ sung xây dựng tình huống vỡ đập và phương án bảo vệ đập, phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du. Đáng ngại hơn khi công trình Thủy điện Đắk Sông 3A và Thác Ba đến nay vẫn chưa triển khai phương án bảo vệ đập, phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du…
Chủ đập “chây ỳ” khắc phục
Ngay cả khi những “tồn tại” mang tính cấp thiết trên được cơ quan chức năng chỉ ra, nhiều công trình thủy điện lại thờ ơ với việc khắc phục hoặc chỉ mới lập phương án khảo sát tìm cách xử lý. Thậm chí chủ đầu tư cho biết, có những công trình thủy điện không thể khắc phục trong năm 2016 mà tiếp tục chuyển sang năm 2017 để xử lý vì lý do mùa mưa.
Đáng nói, đoàn kiểm tra của Sở Công thương đã phát hiện nhiều mối nguy hiểm từ đập thủy điện trong mùa mưa song tới nay các chủ đầu tư mới cho biết, đang tìm kiếm, liên hệ các đơn vị khảo sát có chuyên môn để xử lý.
Theo Sở NN&PTNT Gia Lai, một số công trình chưa xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão và an toàn đập; Nhiều hồ chưa thực hiện cắm mốc giới bảo vệ đập và hành lang bảo vệ hồ chứa. 6 hồ chứa (1-10 triệu m3) chưa kiểm định an toàn đập… Nhiều khó khăn từ công tác quản lý đang được đệ trình lên các cấp thẩm quyền xem xét giải quyết. |
Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa lũ, với diễn biến thời tiết tiêu cực xuất hiện ngày càng dày. Rừng đầu nguồn bị xâm lấn và triệt hạ để phát triển các cây công nghiệp không còn tác dụng nhiều khi trữ nước và điều tiết nguồn nước. Đơn cử như rạng sáng 17/9, trên dòng suối Đôi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) đã xuất hiện lũ cục bộ khiến 6 người dân buộc phải trèo lên một cây cao giữa rẫy để thoát thân khỏi dòng lũ lớn. Lần đầu tiên, người dân nơi này bị một dòng lũ ập đến mà không hề được thông báo về tình hình mưa lũ thượng nguồn.
Trước tình trạng trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên vừa có công văn chỉ đạo tiếp tục xử lý những tồn tại ở các công trình thủy điện. Ông Thuyên nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra sự cố an toàn đập, mất an toàn hạ du, gây thiệt hại thì các chủ đập phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Ông Nguyễn Tấn Hữu, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương Gia Lai cho biết, đơn vị này sẽ kiến nghị UBND tỉnh không cho phép tích nước trong mùa mưa, nếu các chủ đập không khắc phục, xử lý những hạn chế bất cập đã được phát hiện. “Quá hạn 15/10, nếu các chủ đập không giải quyết, chúng tôi sẽ chỉ đạo Thanh tra sở kiểm tra, xử lý hành chính; Với những dự án thủy điện vượt quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ đề xuất UBND tỉnh xử lý theo luật định”, ông Hữu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận