Trang TTĐT Xehay.vn ngang nhiên tư vấn, đánh giá sản phẩm của các hãng xe nổi tiếng rồi tự xuất bản bài viết, video lên trang web hoặc dẫn nguồn không rõ ràng. |
Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh tay xử lý rất nhiều sai phạm, nhưng nhiều trang Thông tin điện tử tổng hợp (TTĐT) vẫn tìm cách lách luật để hoạt động không đúng chức năng gây ẩn họa khôn lường. Chỉ trong vòng hơn 2 năm qua đã có hàng chục trang thông tin điện tử và mạng xã hội bị xử phạt với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, nhiều trang thậm chí bị thu hồi giấy phép.
Chỉ cần bỏ ít thời gian tìm kiếm trên mạng, không khó để tìm ra các trang TTĐT có cách thức tổ chức thể hiện nội dung không khác gì báo điện tử chính thức, thuộc đủ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và ô tô-xe máy...
Không thể phủ nhận lợi ích và tác dụng mà những trang TTĐT đã mang lại cho độc giả, nhưng trên thực tế có khá nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp gây bức xúc cho cộng đồng bởi sử dụng chiêu bài sao chép, cắt dán, lấy cắp thông tin từ các cơ quan báo chí làm thành sản phẩm của mình rồi giật tít, câu view nhằm lôi kéo công chúng và gây hại cho doanh nghiệp.
Các trang thông tin điện tử này thường tung tin với nhiều nội dung gây sốc, làm biến dạng thông tin theo hướng giật gân, khai thác sâu vào đời tư cá nhân hoặc bôi nhọ uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân, gây hoang mang trong dư luận và tạo sự bất ổn trong xã hội.
>>>Trang tin điện tử đang sống “ký sinh” trên báo chí
>>>Vì sao 5 trang thông tin điện tử bị phạt 67,5 triệu đồng?
Trang TTĐT Xe đời sống liên tục sản xuất tin bài tuy nhiên lại không được cấp phép làm điều này |
Mới đây, trang thegioisao.info đã đăng tải thông tin "Ca phẫu thuật nghệ sỹ Hoài Linh thất bại, hàng trăm nghệ sĩ bật khóc khi nghe tin", trích dẫn nguồn tin từ ViTimes khiến dư luận không khỏi xôn xao. Trong khi đó, ViTimes cũng không phải là một tờ báo điện tử, website này không có thông tin về giấy phép hoạt động hay người chịu trách nhiệm nội dung. Thậm chí, bài viết gây sốc về ca phẫu thuật của Hoài Linh cũng không có trên trang này.
Trước đó, một trang thông tin điện tử có uy tín khác cũng đã đăng tải bài viết về việc Phương Thanh từng bị lừa mất nhà. Tuy nhiên, Phương Thanh cho biết cô chưa từng trả lời bài phỏng vấn trên trang đó, cũng như chưa bao giờ chia sẻ những thông tin như bài viết đề cập.
Một ngày sau khi Báo Giao thông đăng tải bài viết “Triển lãm xe máy VN được bảo trợ bởi nhiều web xuất bản ‘chui’” phản ánh tình trạng hàng loạt các TTĐT về lĩnh vực ô tô xe máy “qua mặt” cơ quan chức năng để hoạt động báo chí trái phép, số lượng tin bài tự sản xuất của một số trang tin điện tử không giảm mà có chiều hướng gia tăng, mà nội dung chủ yếu tập trung vào quảng bá cho các Triển lãm xe máy đầu tiên ở Việt Nam.
Trang tin điện tử tổng hợp Xedoisong.vn liên tục cập nội dung tự sản xuất với những bút danh cụ thể và không dẫn nguồn, mặc dù theo nội dung ghi ở chân trang web thể hiện rõ đây là một trang TTĐT.
Tương tự, website autovn.com.vn, một trong những cái tên nằm trong danh sách bảo trợ truyền thông của triển lãm xe máy Việt Nam, không hề có bất kỳ một chứng thực nào trên trang, nhưng hầu hết các bài viết từ trước cho đến thời điểm hiện tại chỉ đề duy nhất tên tác giả.
Cách dẫn nguồn rất khó hiểu trên trang xe-vietnam.com, nhưng đang được các trang TTĐT áp dụng triệt để - Ảnh chụp màn hình xe-vietnam.com |
Một số trang tin còn lại như autopress, autotv hay xe-vietnam… đã có động thái bổ sung nguồn dẫn theo kiểu đối phó bằng một cụm từ viết tắt, mà độc giả khó có thể biết được đó là trang báo nào và có nếu tìm được trang dẫn nguồn thì nội dung tương tự cũng không tồn tại.
Hiểm họa
Truy lại các bài viết trên các trang tin điện tử về ô tô-xe máy (mà hầu hết do doanh nghiệp vận hành), không khó để nhận ra trên các trang này có tổ chức sản xuất nội dung đánh giá và tư vấn sản phẩm, thậm chí khuyên bạn đọc, người tiêu dùng nên mua sản phẩm này, bỏ sản phẩm kia... gây bức xúc cho không ít doanh nghiệp. Như Báo Giao thông đã đưa, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng những thông tin đánh giá xe hay một sản phẩm nào đó đã gây ảnh hưởng xấu tới sản phẩm cùng phân khúc, có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh.
Cũng theo phản ánh của một chủ doanh nghiệp kinh doanh ô tô xe máy hàng đầu ở Hà Nội xin được giấu tên với Báo Giao thông, anh đã phải khốn khổ, cạy cục đủ cửa, thậm chí phải chi tiền để xin được chỉnh sửa thông tin, gỡ thông tin đăng tải trên hàng loạt Trang TTĐT không có chức năng sản xuất nội dung.
Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP,Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó. |
Không chỉ đánh giá sản phẩm, nhiều Trang TTĐT còn ngang nhiên tư vấn các kỹ năng lái xe an toàn, vượt đèo, đổ đèo, đi cao tốc, chạy xe đêm, chống buồn ngủ...thông qua hàng loạt bài viết và video. Chưa cần bàn đến vấn đề an toàn giao thông, việc trang TTĐT tự sản xuất bài viết, video rồi xuất bản là không được phép. Nhiều trang có dẫn nguồn từ một Tạp chí điện tử, chuyên trang điện tử hay báo điện tử nào đó. Tuy nhiên, khi phóng viên truy ngược lại các trang mà họ dẫn nguồn thì hầu hết đề chưa từng xuất bản bài viết hay video đó.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khẳng định, việc đánh giá sản phẩm, nhất là về phương tiện đòi hỏi phải có những quy trình ngặt nghèo và phải được chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền. Nếu cá nhân hay tổ chức tự thực hiện đánh giá xe và công khai lên các kênh truyền thông (có cấp phép) thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã làm. Nhưng điều này rất nguy hiểm và có thể làm doanh nghiệp mất uy tín vì những thông tin không đúng sự thật.
Việc một số trang TTĐT đang hoạt động dưới hình thức dẫn nguồn nhưng không có nội dung gốc (một hình thức sản xuất nội dung chui) đang diễn ra hết sức phổ biến. Khi các trang TTĐT vi phạm không được xử lý triệt để, thì việc lợi dụng kẽ hở để trục lợi là hoàn toàn có thể dự đoán trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận