Xã hội

“Anh Chánh Văn” kể chuyện biển đảo

16/10/2016, 08:25

“Anh Chánh Văn” nổi tiếng một thời kể chuyện đem triển lãm biển đảo đi khắp nước.

15

"Anh Chánh Văn" Đoàn Công Huynh

Giờ đây, “anh Chánh Văn” năm nào lại đang mải mê với các dự án tuyên truyền về biển đảo trên cương vị Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT.

Người giúp nhiều thế hệ học trò “lớn lên không sợ hãi”

Ông có vẻ không muốn gợi lại chuyện cũ, nhất là thời làm báo Hoa Học Trò. Ông nói, cũng chỉ là công việc của một giai đoạn thôi, dù đó là giai đoạn dài của đời người, đầy tâm huyết: “Bạn đừng nghĩ ngôi nhà Hoa Học Trò là ngôi nhà của đời người đối với tôi. Không, đó cũng là một trong những ngôi nhà tôi đã ở qua. Ngôi nhà nào cũng đẹp, cũng ý nghĩa, cũng đầy kỷ niệm”.

Chia sẻ về quãng thời gian gắn bó với tờ báo Hoa Học Trò, ông Đoàn Công Huynh nhớ lại, những năm 1990 là giai đoạn nồng nhiệt đổi mới, báo chí khởi sắc, “trăm hoa đua nở”. Tờ báo Hoa Học Trò ra đời đáp ứng đời sống tinh thần của giới trẻ. Bắt đầu là nhu cầu thông tin cảm xúc, thông tin tâm lý, khám phá bản thân. Sau đó là phát triển dần theo chiều rộng và chiều sâu của đất nước thời mở cửa. “Chúng tôi đã không mệt mỏi khơi thông một dòng truyền thông trong điều kiện mà những thông tin dành cho lứa tuổi này còn sơ khai, thiếu thốn. Và quan điểm thì còn nhiều thành kiến, chật hẹp. Chúng tôi chỉ cố gắng chuẩn bị cho các em sẵn sàng đội ngũ, lớn lên cùng đất nước vào cái hồi đổi mới đó”, ông chia sẻ.

Ông Đoàn Công Huynh SN 1963 tại Thừa Thiên - Huế. Ông giữ mục tư vấn trên báo Hoa Học Trò với bút danh “Chánh Văn” từ năm 1991 đến năm 2005, nguyên là cán bộ giảng dạy khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, nguyên Tổng biên tập báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, nguyên Phó cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại. Hiện, ông là Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thay vì giáo điều và áp đặt thì tờ báo Hoa Học Trò khi ấy trò chuyện, chia sẻ với các em như một người bạn tin cậy. Cho rằng tuổi học trò đẹp nhưng đầy cực nhọc, ở cái thuở không nhiều thông tin và tâm lý xã hội thì chưa cởi mở, ông tâm sự: “Chúng tôi muốn giúp các em “trưởng thành không đau đớn” và “lớn lên không sợ hãi”. Lứa tuổi của các em là lứa tuổi bắt đầu xuất hiện nhiều khác lạ và có cả những nứt vỡ trong cơ thể, cho nên “trưởng thành không đau đớn” không phải là một khẩu hiệu dễ thực hiện. Lớn lên không sợ hãi khi phải tiếp xúc, mở cửa, khi phải đi ra với thế giới, ở cái thuở giáo dục còn khiếm khuyết, kỹ năng thiếu hụt. Một cách khiêm tốn, chúng tôi đã thành công, khi nhìn lại, có những thế hệ đang lớn lên và trưởng thành như vậy, họ đang ở khắp thế giới. Họ còn đóng góp gì nữa thì thời gian sẽ kiểm toán giúp chúng ta”.

“Khi ấy, anh Chánh Văn, một nhân vật báo chí, là người ẩn mình cầm chịch, dẫn dắt lối chơi, làm truyền thông với khách hàng và “PR” cho sản phẩm là tờ báo Hoa Học Trò. Sứ mệnh thì rất đơn giản, khó chăng là ở triết lý và thực hành triết lý đã lựa chọn. Đầu đội trời, chân đạp đất. Vừa nói chuyện với ở dưới - bạn đọc, vừa đi du thuyết với lãnh đạo ngành Báo chí, với cơ quan chủ quản ở trên. Thiên nan vạn nan. Nhưng thực tế kết quả làm thỏa lòng chúng tôi. 20 vạn số báo một kỳ với rất nhiều ấn phẩm khác nhau, rộn ràng và sôi động như một tập đoàn thu nhỏ. Nộp thuế cho Nhà nước 8 tỉ đồng/ năm vào thời điểm cách nay 10 năm là điều có thể tự hào cho những người làm báo trong một cơ quan báo chí”, ông kể và cho biết, đến khi lên làm Tổng biên tập báo Sinh viên Việt Nam, “anh Chánh Văn” vẫn cho rằng, cũng chỉ làm sao thực hiện mục đích mà người làm báo mong muốn, đó là tìm cách để cùng anh em tồn tại xứng đáng, chính trực bằng ngòi bút, bằng nghề nghiệp và có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

“Không tiếc lắm khi rời xa nghề báo”

Nhưng đến khi được điều chuyển sang làm Tổng biên tập báo Tiền Phong - một tờ báo có quá trình xây dựng khác, có một tập quán khác và hướng đi khác thì “anh Chánh Văn” gặp không ít thử thách.

“Ở ta, quản trị đã khó, mà quản trị trong điều kiện diễn ra thay đổi càng vô cùng khó. Chúng ta làm báo chủ yếu theo kinh nghiệm, ngay cả bây giờ cũng vậy thôi. Những gì được gọi là chuyên nghiệp vào ta không dễ dàng, nó ngâm tẩm trong không gian đặc thù và biến dạng ngay. Bờ rồ sẽ thành bờ rào ngay trong chớp mắt. Cho nên mọi sự đổi mới ở các cấp độ quản trị ở ta đều không dễ dàng, và thường là quay về đường xưa lối cũ. Kỹ năng quản trị tòa soạn ở đơn vị cũ đã thành công trước đó chính là lý do để tôi “bị” điều động qua báo Tiền Phong. Người đứng đầu cơ quan chủ quản của báo tôi hồi đó đã mong muốn Tiền Phong có một nền quản trị tốt, tờ báo đến được với những người trẻ trên phạm vi cả nước với tinh thần chính trực. Rất nhiều việc cần phải bắt tay vào ngay, từ mối quan hệ với công ty, đến vấn đề kinh doanh báo chí, tài chính, từ công tác xây dựng tòa soạn theo quy trình phù hợp đến công tác thiết kế format… Rất nhiều việc phải làm. Và tôi đã làm hết sức lực với những mong rút ngắn thời gian và sớm cho ra kết quả. Làm đến kiệt lực, đến phát ốm phải nằm viện”, ông tâm sự.

Trong khoảng 4 năm làm Tổng biên tập báo Tiền Phong, “anh Chánh Văn” đã ít nhiều giúp tờ báo đạt được những dấu ấn nhất định, thành công ấy nhờ vào việc đem kinh nghiệm từ báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò sang báo Tiền Phong để làm tờ báo mới hơn, tươi trẻ hơn, có cơ chế quản trị hiện đại hơn.

Sau này, khi chia tay với công việc làm báo, ông chuyển sang làm công tác quản lý Nhà nước về một lĩnh vực hoàn toàn khác, ông nói ban đầu có nuối tiếc, nhưng sau đó ngay lập tức không còn cảm giác ấy.

“Rời bỏ nghề nghiệp mà đời mình thành thạo nhất thì không tiếc sao được. Nhưng khi tôi đã chủ động rút lui thì mọi việc cũng bình thường. Thời điểm ấy, báo in không còn mấy ý nghĩa với bạn đọc, người ta mua báo như mua bảo hiểm. Không thể quay ngược bánh xe lịch sử của báo in khi nó đã hoàn thành sứ mệnh. Khi tôi rời đi, báo chí đã không còn những điều kiện thuận lợi, báo in không còn hưng thịnh, báo điện tử đang phát triển mạnh nhưng chưa hẳn là vai trò trung tâm điều phối thông tin và quá nhiều bất cập khi nó mới ra đời đã ngay lập tức bơi giữa mạng xã hội. Lúc bấy giờ, để làm báo cho “thỏa chí tang bồng” thì không còn điều kiện thuận lợi, nên tôi cũng… không thấy tiếc lắm. Tôi không muốn mất thời gian thêm”, ông Huynh chia sẻ.

Với ông, ông quan niệm rằng, trong đời người có từng giai đoạn khác nhau nên cần tranh thủ để trải nghiệm, để biết thêm và không hối tiếc. “Giống như bạn đang sống ở phía bên này đỉnh núi, kể cả sống trong sự êm ả và sung túc, nhưng cho đến khi chết đi rồi mà chưa biết bên núi kia có gì thì chắc chắn bạn vẫn cảm thấy thiếu thốn và buồn bã vào phút lâm chung”, ông Huynh ví von để nhấn mạnh rằng, bước sang cương vị mới là ông đã có thêm sự hiểu biết, sự trải nghiệm về một lĩnh vực mới, vì “không đi thì không biết”.

Mang triển lãm biển đảo đi khắp mọi miền đất nước

Năm 2012, “anh Chánh Văn” không làm báo nữa mà chuyển từ báo Tiền Phong sang Bộ TT&TT, công tác tại Cục Thông tin đối ngoại, rồi sau đó chuyển sang giữ chức Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở - đơn vị có chức năng đưa thông tin trực tiếp đến người dân, và một trong những hình thức thực hiện là triển lãm về nhiệm vụ chính trị, điển hình là triển lãm về biển đảo.

Ông Huynh cho biết, triển lãm chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là một chương trình trong công tác của Bộ TT&TT, nằm trong chương trình truyền thông về chiến lược biển, thuộc đề án 373 của Chính phủ. Triển lãm về chủ quyền biển đảo này có tên gọi là “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, ở đó trưng bày cho người xem những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý nhận thức Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam, Việt Nam đã xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo này liên tục trong hòa bình suốt hơn 400 năm qua.

“Trước đó, chúng ta cũng có nhiều hoạt động truyền thông về biển đảo, nhưng chưa thực sự tạo được sự thúc đẩy, tạo được bước đi mạnh mẽ về lĩnh vực truyền thông này. Đến khi triển lãm về Trường Sa - Hoàng Sa lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Tĩnh vào tháng 6/2013 thì tạo ra được bước mới trong tuyên truyền về biển đảo, cho người dân thấy rõ hơn quan điểm của Nhà nước. Báo chí và người dân quan tâm hơn nên tạo được chuyển biến trong nhận thức và góp phần giải tỏa tâm lý người dân”, ông Huynh nói.

Theo ông Huynh, cho đến nay, đã có 69 cuộc triển lãm được tổ chức tại 48 tỉnh, thành phố, 10 điểm đảo, huyện đảo và 11 đơn vị lực lượng vũ trang. Trong chương trình công tác của Chính phủ yêu cầu từ nay đến năm 2017 phải hoàn thành chương tình công tác này, xong 63 tỉnh, TP. Theo số liệu đến nay đã thực hiện được ở 48 tỉnh, thành và 10 huyện đảo, đến cả những nơi như đảo Cô Tô, các xã đảo, rồi trưng bày triển lãm ở 11 đơn vị lực lượng vũ trang.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa còn góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố.

Trước đây là Phó ban Tổ chức các cuộc triển lãm này và nay là Trưởng ban Tổ chức, ông Huynh cho hay, ông cùng nhóm người thực hiện tham gia hầu hết các buổi triển lãm về chủ đề này ở nhiều tỉnh thành, nhiều điểm đảo và mỗi cuộc triển lãm đều để lại dấu ấn, cảm xúc riêng.

Sau mỗi cuộc triển lãm, Ban Tổ chức mà trực tiếp đơn vị có công lớn trong triển lãm là Văn phòng Bộ đều mang về những tập ghi chép của người dân tham gia ghi lại cảm tưởng. Trong mỗi lời chia sẻ ấy đều chứa chan cảm xúc và cho đến nay, đã có hàng trăm tập ghi chép như vậy. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.