Văn hóa - Giải Trí

Ðạo diễn Nhật đưa kịch bản Nga lên sân khấu Việt

03/12/2018, 07:40

Cậu Vanya là vở kịch của đại văn hào vĩ đại người Nga A.P. Chekhov, vừa được Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp...

25

Một cảnh trong vở kịch “Cậu Vanya”

3 năm để có 2 bản dựng được ra mắt

Suốt 3 năm liền với nhiều buổi tìm diễn viên, những buổi thảo luận, bàn bạc, tập luyện, vở kịch Cậu Vanya đã chính thức ra mắt. Tác phẩm gốc được viết từ năm 1897, là câu chuyện xoay quanh những người lao động suốt đời làm lụng mệt nhọc phục vụ cho những kẻ ích kỷ. Cuối cùng, những con người ấy đã thức tỉnh, nhưng họ chỉ biết phẫn nộ rồi tiếp tục buông xuôi, chịu đựng số phận cay đắng vì nghĩ mình thân phận bé nhỏ.

Đạo diễn người Nhật Sugiyama đã phải dành gần 1 tháng sang Việt Nam tìm hiểu các vùng nông thôn, hiểu thêm văn hóa Việt để có thể dựng vở diễn phù hợp với người Việt.

Vở diễn Cậu Vanya với nhiều thể nghiệm thú vị ra mắt khán giả tại Hà Nội (30/11 - 1 và 2/12), Quảng Ninh (4/12), Hải Phòng (6/12) và sau đó sẽ tiếp tục đến với khán giả Nhật Bản trong năm 2019.

Các vở kịch của Chekhov từ trước tới nay vẫn gây ấn tượng bởi sự yên tĩnh và bầu không khí nặng nề. Lần này, Sugiyama cắt bớt các phân đoạn dài dòng và muốn đưa sự nóng bỏng, sống động của đời sống vào trong vở diễn, khán giả thấy được sự biến đổi trong từng tình tiết của câu chuyện. Bản thân Sugiyama vẫn cố gắng giữ lại nét truyền thống trong kịch của Chekhov, nhưng tăng các tình tiết diễn ra để sự thay đổi phù hợp với đời sống của người hiện đại ngày nay.

Khó khăn lớn nhất là tìm ra cảm xúc của các nhân vật trong kịch bản. Theo nam đạo diễn, với kịch của Chekhov, lời thoại chỉ là vỏ bọc, còn tâm trạng thực sự lại khác. Anh phải tháo gỡ được vỏ bọc đó, tìm ra cảm xúc thật của nhân vật để khai thác và thể hiện nó ra bên ngoài. “Lúc đầu, tôi nghĩ rào cản chính là bất đồng ngôn ngữ của hai nước, nhưng khi làm việc đó không phải chuyện đáng lo lắng. Vấn đề của chúng tôi là phát hiện ra tâm trạng thực của nhân vật, mà tâm tư của con người ở đâu cũng giống nhau. Phong cách diễn của người Nhật và người Việt khác nhau nên chúng tôi phải bàn bạc, chia sẻ với nhau rất nhiều”, đạo diễn Sugiyama cho biết.

Vở diễn được thực hiện với hai phiên bản Việt - Nhật và Việt - Việt. Trong đó, phiên bản Việt - Nhật quy tụ dàn diễn viên Việt Nam và Nhật Bản như: Đức Khuê, Thu Quỳnh, Thanh Bình, NSND Lê Khanh, Hemi Che, Matsuda Takashi… Phiên bản Việt - Việt thay thế hai diễn viên người Nhật bằng hai diễn viên người Việt là Hương Thủy và Thanh Dương. Bộ phận âm thanh, ánh sáng, phục trang đều có sự chăm chút tỉ mỉ của cả những chuyên gia người Nhật.

Nhà văn - họa sĩ Anh Vũ nhìn nhận, đạo diễn đã rất hiểu văn học Nga nói chung và Chekhov nói riêng. Cách dàn dựng giàu tính biểu tượng nên người Việt sẽ hơi khó xem, thậm chí với cả người trong nghề. Nhưng đã xem được lại thấy rất thú vị. Bản thân nhà văn thích nhân vật con Tinh Tinh - một sáng tạo riêng của đạo diễn mà không có trong kịch bản gốc. Con Tinh Tinh là một nhân vật mang tính ước lệ, biểu trưng cho những tâm hồn nhạy cảm của con người.

Nhà văn - họa sĩ Anh Vũ đánh giá cao thiết kế sân khấu khéo léo chia thành hai không gian. Một thế giới nhỏ bé bên ngoài mà mọi người giao tiếp với nhau và một không gian của thế giới khác rộng lớn hơn, khiến con người cô đơn và khó gần nhau hơn. “Nhiều phân đoạn được dàn dựng gây ám ảnh. Các bi kịch được diễn và chuyển rất tinh tế. Diễn viên diễn rất hay khi sự đau đớn không thể hiện ra bên ngoài mà lại thấy đang cuồn cuộn bên trong”, nhà văn Anh Vũ nhận xét.

Từ đạo diễn đến diễn viên đều “vò đầu bứt tai”

Là người kỹ tính và cầu toàn nên đạo diễn Sugiyama tự nhận, các diễn viên đã đạt được 80-95% yêu cầu cho vở diễn. Khi có khán giả và có hiệu ứng tương tác diễn viên đạt được 90-95%. “5% còn lại là điều chúng tôi sẽ phải dành cả cuộc đời để phát hiện chứ không phải chỉ trong những buổi diễn này”, anh nói.

Được chuẩn bị trong suốt 3 năm nhưng phải đến 3 tháng cuối cùng, các nghệ sĩ phải lao vào tập luyện. Đạo diễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tiết lộ, có nghệ sĩ đã sút 4-5kg vì không chịu nổi cường độ tập luyện của người Nhật. Nhưng điều này đã giúp các nghệ sĩ hiểu hơn về cách làm việc và sẽ có những sự thay đổi cần phải có. Với sự kết hợp này, nhà hát cũng muốn một sản phẩm thật có ý nghĩa, giá trị, mang tư tưởng của thế giới đến với khán giả Việt.

Đảm nhận vai Xonya - một trong những vai chính của vở diễn, diễn viên Thu Quỳnh thừa nhận, kịch bản khiến cô đau đầu nhất. Các nhân vật đều rất khó vì nhiều tầng tâm lý nên Thu Quỳnh bị áp lực vì lo sợ không truyền tải được các tầng cảm xúc trong nhân vật. Chưa kể, tác phẩm gốc của tác giả Chekhov được dịch sang tiếng Nhật, rồi từ tiếng Nhật dịch qua tiếng Việt nên có sự lệch nhau, khiến ê-kíp mất nhiều thời gian chỉnh lời thoại. Một tuần trước công diễn, các diễn viên vẫn phải chỉnh sửa, cân đối lời thoại để làm sao cho ngôn ngữ gần gũi, phù hợp với khán giả đương thời. “Các nghệ sĩ đã cố gắng thoại một cách mềm mại hơn để gần với khán giả nhất. Hiện tại, sau mỗi buổi diễn, ê-kíp vẫn ngồi lại góp ý, chỉnh sửa và tiếp tục tìm tòi sáng tạo vở diễn nên gần như, mỗi buổi diễn là một phiên bản mới”, Thu Quỳnh bộc bạch. Được biết, trong thời điểm tập vở kịch này, Thu Quỳnh bị ngất và phải đi cấp cứu, bản thân cô bị chảy máu dạ dày vì áp lực công việc cường độ cao.

Lần đầu kết hợp cùng nghệ sĩ Việt, diễn viên Hemi Che cho hay, cô thấy các diễn viên Việt rất thoải mái, ít chú ý các chi tiết nhưng diễn viên Nhật để ý rất kỹ càng từng chi tiết dù nhỏ nhất. Do đó ban đầu, cô thấy hơi bất ngờ và chưa quen vì cách làm việc khác nhau. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc chung, điều đó dần được xóa bỏ. Nghệ sĩ hai nước học hỏi lẫn nhau và nhận ra những hạn chế riêng của nhau để khắc phục. “Người Nhật chúng tôi cứ đi từng bước nhỏ và phải dành một thời gian dài để tập trung, trong khi diễn viên Việt có thể diễn rất hứng khởi và tập trung cao độ trong một thời gian ngắn”, Hemi Che nhìn nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.