Pháp đình

Suy đoán vô tội theo luật mới, bị cáo được lợi gì?

10/01/2018, 07:30

Nếu không chứng minh được lỗi thì tòa phải tuyên bị cáo không có tội, không thể tuyên bản án mập mờ.

20

Phòng xét xử không còn vành móng ngựa mà chỉ có bục khai báo dành cho bị cáo - Ảnh minh họa

Không ai có tội khi chưa có bản án kết tội

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có nhiều điểm mới, trong đó phải kể đến quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội.

Suy đoán vô tội gồm 3 nội dung chính. Trước hết, không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Hình phạt là do tòa quyết định. Một người sẽ không phải chịu hình phạt nếu trong bản án kết tội của tòa đối với người đó tuyên miễn hình phạt.

Tuy nhiên, trong thực tế có người bị buộc tội đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án đó vẫn được quyền suy đoán mình vô tội, đó là khi họ bị kết án oan. Ví dụ như kỳ án oan của người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Suy đoán vô tội của ông Nén và người đi kêu oan giúp là đúng nên ông Nén đã được minh oan.

Thứ hai, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát (VKS). Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Thứ ba, buộc tội phải dựa trên chứng cứ. Bản cáo trạng của VKS và bản án kết tội của tòa phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm. Mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ.

Thể hiện rõ hơn quyền con người, quyền công dân

Lâu nay, thực tiễn của các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử cho thấy, có một khuynh hướng nhìn nhận bị can, bị cáo như là người đã phạm tội, dù tội trạng của họ chưa được chứng minh. Đó là “suy đoán có tội” và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra án oan sai.

Nhiều ý kiến đánh giá suy đoán vô tội chính là nguyên tắc tiến bộ, là nét son trong cải cách tư pháp, thể hiện sự trân trọng số phận con người. Bởi, việc hạn chế quyền nào đó của một con người là phải hạn chế theo luật định và chỉ trong vài trường hợp mới được hạn chế, ví dụ vì an ninh quốc gia, vì trật tự công cộng, vì sức khỏe, vì cộng đồng… Thời gian vừa qua, khi có Hiến pháp mới, chúng ta đã sửa hàng trăm luật để bảo vệ quyền này. Bộ luật Hình sự cũng được sửa rất nhiều lần, nhưng chỉ có lần này, quyền con người và quyền công dân mới được đặt lên hàng đầu, để từ đó đặt ra yêu cầu quá trình tố tụng phải làm thận trọng, chặt chẽ hơn.

Thời gian qua, có những vụ án oan sai là do chúng ta chưa làm đúng theo tinh thần của Hiến pháp, nên giờ phải sửa. Với một người bị cho là phạm tội và bị kết án tử, nếu đã thi hành án mà sau đó mới chứng minh được họ vô tội, thì là sai lầm rất lớn không thể khắc phục được, vì đó là tính mạng con người.

Thực tế, có những sai lầm do con người tạo ra mà không thể sửa chữa được, vì thế mới đưa ra định chế suy đoán vô tội, tức là mỗi khi bắt một người chúng ta luôn phải có tâm lý người đó chưa có tội. Lâu nay, nhiều án oan sai là do chúng ta vận dụng sai định chế này.

Vậy, việc xét xử dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ có thay đổi ra sao? Theo nguyên tắc, nếu tôi chứng minh anh có tội, anh phải tâm phục, khẩu phục về cái sai của anh cũng như các chứng cứ tôi đưa ra. Ví dụ, anh bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước, thì tôi phải đưa ra được quy định của Nhà nước thế nào, còn anh áp dụng ra sao, đúng sai thế nào? Nếu anh không đồng ý, anh có thể phản biện lại. Quá trình tố tụng công khai tại tòa sẽ cho tất cả mọi người thấy anh là người có tội hay không có tội. Việc áp dụng nguyên tắc này sẽ có lợi rất nhiều cho các bị can, bị cáo, thể hiện rõ hơn quyền con người và quyền công dân.

Không chứng minh được lỗi phải tuyên vô tội

Bên cạnh đó, nguyên tắc suy đoán vô tội cũng sẽ giúp nâng cao nghiệp vụ của cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng. Khi anh bắt người, anh phải chứng minh người đó là tội phạm, nên làm gì anh cũng phải thận trọng, cân nhắc hơn, kể cả khi ra quyết định khởi tố cũng phải cân nhắc, vì đó là số phận con người. Và nếu sai, anh sẽ phải chịu trách nhiệm cho cái sai ấy, luật đã quy định rõ. Quyền con người và quyền công dân đã được chú ý hơn trong cả kỹ thuật lập pháp, nên toàn bộ các luật hình sự, tố tụng hình sự đều sửa theo hướng như vậy.

Suy đoán vô tội liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc tranh tụng. Theo đó, bên buộc tội và bên bào chữa bình đẳng trong hoạt động chứng minh. Tòa không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm mà chỉ chứng minh cho quyết định của mình. Cũng chính vì thế mà theo quy định mới, tại tòa, không có vành móng ngựa, VKS và luật sư ngồi ngang hàng nhau, VKS buộc tội, luật sư sẽ đi gỡ tội.

Nguyên tắc suy đoán vô tội có tác dụng tránh kéo dài vụ án, trả hồ sơ nhiều lần. Khi không chứng minh được lỗi của bị cáo phải xem là đồng nghĩa với sự vô tội của bị cáo đã được chứng minh và tòa phải tuyên bị cáo không có tội. Tòa không thể tuyên bản án mập mờ.

Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.